Ngân hàng “xóa nhầm” một số 0 khiến khách hàng “thất thoát” hơn 160 triệu đồng: Sau 4 năm bị tòa gửi giấy triệu tập
Sau 4 năm, số tiền tiết kiệm của ông cụ Trung Quốc bỗng bị “hao hụt” mất 10 lần khiến cả ngân hàng và chủ nhân hoang mang.
60.000 NDT thành 6.000 NDT sau 4 năm
Năm 2018, ông cụ Tôn Khải Mậu, quê ở Ưng Đàm, Giang Tây, Trung Quốc, mang cả gia tài là 60.000 NDT ra ngân hàng tại địa phương để gửi tiết kiệm. Cả đời làm nông vất vả nhưng chỉ đủ sống, ông cụ cứ ngỡ sẽ chẳng bao giờ tích góp được đồng tiền nào. May thay, mùa đông năm đó, một số công ty trong vùng muốn trồng khoai lang quy mô lớn và cần chuyển nhượng đất. Nhờ bán đi một số đất ruộng, ông cụ đã kiếm được 60.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng) này nên đã gấp rút đi gửi vào ngân hàng.
Sau khi hoàn tất các thủ tục gửi tiền, nhân viên ngân hàng đã đưa cho ông một cuốn sổ tiết kiệm. Vốn có tính cẩn thận, ông cụ xem qua cuốn sổ, xác nhận số tiền gửi là 60.000 NDT rồi hài lòng cầm sổ tiết kiệm về nhà.
4 năm trôi qua, cậu con trai út của ông Tôn muốn sửa lại căn nhà nên ngỏ ý vay tiền bố. Thấy vậy, ông cụ vội lấy sổ tiết kiệm và CMND rồi đến ngân hàng rút tiền cho con. Tuy nhiên, khi ông nói muốn rút 60.000 NDT thì lại nhận được câu trả lời tỏ vẻ đầy ngạc nhiên của nhân viên ngân hàng: "Ông ơi, tiền gửi của ông chỉ có 6.000 NDT (khoảng 20 triệu đồng), làm gì có 60.000 NDT (200 triệu đồng) đâu ạ?"
Ông Tôn nghe xong thì rất hoang mang, không hiểu tại sao số tiền tiết kiệm của mình lại hao hụt đi 50.000 NDT (hơn 160 triệu đồng). Ông cụ nhìn kỹ và đưa tay chỉ vào một dòng số trên sổ tiết kiệm, nói với nữ nhân viên: “Đây cháu nhìn xem, rõ ràng trên đó ghi 60.000 NDT!” Thấy vậy, nữ nhân viên tỏ vẻ nghi ngờ đáp lại: “Con số trên hệ thống dữ liệu của ngân hàng là 6.000 NDT. Có lẽ con số trên sổ tiết kiệm của ông có sai sót. Khả năng duy nhất là khi ông gửi tiền, nhân viên giao dịch đã sơ suất và ghi thêm số 0 vào sổ tiết kiệm của ông đấy ạ.”
Nói cách khác, theo ý của nhân viên ngân hàng, chú Tôn chỉ tiết kiệm được 6.000 NDT, nhưng biên lai đặt cọc lại ghi nhầm thêm 1 số 0 nên thành 60.000 NDT. Trước câu trả lời của nữ nhân viên, ông Tôn tức giận nói: "Sai sót này chắc chắn là của ngân hàng. Chẳng lẽ tôi không biết mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền hay sao?". Thế nhưng sau mọi cố gắng để nữ nhân viên làm rõ sai sót, điều ông cụ nhận lại chỉ là sự im lặng vì cô cho rằng hệ thống ngân hàng sẽ không thể có sai sót.
Cuộc tranh cãi giữa ông Tôn và nữ nhân viên đã thu hút sự chú ý của Giám đốc ngân hàng. Vị này hứa sẽ làm rõ vấn đề và cho ông cụ một lời giải thích thỏa đáng.
Sau đó, nhân viên ngân hàng đã kiểm tra lại hồ sơ gửi tiền của công Tôn nhưng vấn đề vẫn chưa thể làm rõ bởi số tiền trong biên lai và hồ sơ mà ngân hàng lưu trữ không khớp với nhau. Hơn nữa, khi họ kiểm tra lại camera giám sát thì video đã bị lỗi. Do đó, phía ngân hàng cho rằng ông Tôn năm đó chỉ gửi 6.000 NDT. Hiện ông cụ vẫn có thể rút tiền nhưng chỉ được rút tiền gốc và lãi của khoản tiền đó mà thôi.
Ai đúng, ai sai ?
Trong lúc tuyệt vọng, ông Tôn không còn cách nào khác là báo cảnh sát. Cảnh sát cho biết trường hợp của ông cụ là tranh chấp dân sự, ông có thể khởi kiện ngân hàng ra tòa. Dưới sự giúp đỡ của con trai, ông Tôn kiên quyết thuê luật sư và kiện ngân hàng ra tòa. Phía ngân hàng sau đó đã nhận giấy triệu tập của tòa án.
Trước phiên tòa, theo hướng dẫn của luật sư, ông Tôn đã tìm lại giấy tờ chuyển nhượng đất trước đó. Hợp đồng cho thấy ông cụ quả thực đã nhận được số tiền 60.000 NDT. Tại tòa, ông Tôn còn đưa ra sổ tiết kiệm có đóng dấu của ngân hàng để chứng minh sổ tiết kiệm không phải là giả.
Đồng thời, luật sư của ông Tôn cũng đặt ra giả thiết cho rằng nhân viên ngân hàng năm đó rất có thể đã phạm sai sót khi nhập thông tin của ông cụ. Có thể sau khi nhập dữ liệu, họ đã vô tình xóa đi một chữ số 0 mà không hay biết. Bằng chứng là trên sổ tiết kiệm mà ông Tôn giữ, số tiền gửi được viết rõ ràng là 60.000 NDT, có cả dấu xác nhận của ngân hàng. Trước những bằng chứng thuyết phục do phía ông Tôn đưa ra, ngân hàng rơi vào thế bất lợi khi chỉ có những thông tin bị cho là sai sót để đưa ra làm chứng trước tòa.
Cuối cùng, tòa án đưa ra kết luận những bằng chứng mà ông Tôn cung cấp là hợp lệ và thắng kiện, yêu cầu phía ngân hàng phải thừa nhận trách nghiệm cũng như chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi vận hành. Ông Tôn sau đó đã nhận được 60.000 NDT tiền gốc và số tiền lãi. Sự việc kết thúc trong êm đẹp.
Qua câu chuyện này, có thể thấy rằng nhận thức về pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao. Họ có thể thông qua các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu rõ một điều rằng chỉ cần chúng ta tìm hiểu kỹ và nâng cao nhận thức của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, chúng ta sẽ tránh những rắc rối không đáng có một cách dễ dàng hơn.
(Theo Sohu)