Cầu ngói Phát Diệm gần 200 tuổi từng được in lên tem bưu chính bây giờ ra sao?
Cầu ngói Phát Diệm là một cây cầu bắc qua sông Ân tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Đây là một cầu cổ kính có kiến trúc độc đáo theo kiểu thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu), từng được in trên bộ tem bưu chính Việt Nam và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa vào năm 2018.
Chiêm ngắm cầu ngói Phát Diệm gần 200 tuổi từng được lên tem bưu chính VN
Theo Bách khoa toàn thư mở, Huyện Kim Sơn xưa kia là vùng đất sình lầy ven biển, do Nguyễn Công Trứ chiêu dân, lập ấp, quai đê, lấn biển lập nên vào năm 1829. Cùng với việc lấn đất bãi bồi ven biển mở làng, ông đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn.
Sông Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là một công trình thủy lợi được ông cho xây dựng trong nhiều năm, là dòng sông chính cung cấp nước tưới tiêu ruộng đồng cho người dân.
Ban đầu cầu được xây dựng bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn, kể cả các chân cầu cũng được làm bằng gỗ, cầu rộng giúp người dân đi lại thuận tiện.
Về sau, cầu bị hư hại sau một thời gian dài sử dụng nên đến năm 1902 cây cầu này được thay thế bằng một cây cầu ngói. Cây cầu mang kiến trúc độc đáo của khu vực Bắc Bộ và được xây theo kiểu Thượng Gia Hạ Kiều (tức trên là nhà, dưới là cầu).
Trải qua gần 200 năm, cầu ngói Phát Diệm ngày nay vẫn còn giữ được nguyên dáng vẻ ban đầu. Cùng với nhà thờ đá, cây cầu đã trở thành biểu tượng của vùng đất Kim Sơn.
Trong kí ức của các cụ cao niên, thời xưa, khi mà quê hương này còn nghèo chưa có nhà cửa kiên cố, cứ mỗi mùa Hè và có những đợt mưa lớn nhiều người rủ ra cây cầu này để tá túc.
"Thời con gái, chúng tôi mang cói ra cây cầu này thi nhau đan lát vì mùa Hè rất mát, những tấm phản bằng gỗ bị thủng nhìn rõ xuống mặt nước nhưng chẳng có ai bị thọt chân xuống. Hai đầu cầu có cây bàng rất cổ thụ và nhiều người dựng các lều kéo vó ở bên cạnh chân cầu.", cụ Nguyễn Thị Khuyên, 90 tuổi ở Phát Diệm cho hay, thời của cụ vẫn còn chứng kiến những chân cầu bằng gỗ lim.
Cầu có dáng cong cầu vồng, bên trên lợp ngói đỏ truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hai bên là hai hàng cột gỗ và những song gỗ lim. Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Chiều dài cầu là 36 m, chiều rộng là 3 m.
Đây được đánh giá là cây cầu hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu vừa có chức năng giao thông, vừa là một mái đình cổ kính, hơn nữa lại là điểm dừng chân tránh mưa nắng, nơi đôi lứa hẹn hò.