Ngã rẽ cuộc đời của cô bé 13 tuổi đậu đại học Oxford: Thần đồng toán học trốn chạy khỏi người cha hà khắc, 10 năm sau trở thành gái mại dâm
Sau khi được nhận vào đại học Oxford danh tiếng, Sufiah được tung hô như 1 thần đồng nhưng không ai biết được những gì cô bé đã trải qua trong suốt quãng đời tuổi thơ của mình.
Năm 1997, Sufiah Yusof bất ngờ nổi lên như một hiện tượng khi được nhận vào học tại Đại học Oxford danh tiếng tại Anh khi chỉ mới 13 tuổi. Cô bé được mọi người tung hô là thần đồng toán học với năng lực vượt trội hoàn toàn so với các bạn đồng trang lứa. Vậy nhưng, chẳng ai ngờ 10 năm sau, Sufiah lại bị bắt gặp làm việc như gái bán hoa. Từ đây, người ta mới vỡ lẽ về cuộc sống không khác gì địa ngục của đứa trẻ.
Năm 1984, Sufiah chào đời trong gia đình có bố là người Pakistan và mẹ gốc Malaysia. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của bố và đầu óc thông minh trời phú, Sufiah đạt được nhiều thành tích học tập đáng nể trước khi chính thức trở thành sinh viên ngành Toán học trường Oxford ở tuổi 13. Sau khi tin tức này được đăng tải khắp các mặt báo, cô bé trở nên nổi tiếng khắp xứ sở sương mù. Khỏi phải nói Sufiah khiến gia đình của mình tự hào đến mức nào, bố em từ đó cũng vô cùng tự tin bản thân có thể tạo ra thiên tài chỉ bằng phương giáo dục đặc biệt của mình.
Chăm chỉ học tập được 3 năm, Sufiah bất ngờ chạy trốn khỏi ký túc xá sau khi hoàn thành bài thi cuối kỳ và biến mất hoàn toàn trong suốt 2 tuần. Sau đó, người ta tìm thấy đứa trẻ đang làm bồi bàn tại thị trấn Bournemouth nhưng nhất quyết không chịu trở về với bố mẹ vì muốn chấm dứt cuộc sống địa ngục ở nhà.
"Tôi đã chịu đựng bạo hành tinh thần lẫn thể xác trong suốt 15 năm" - Sufiah tiết lộ cô bé từng có ý định tự tử vào năm 11 tuổi vì không thể chịu nổi áp lực học hành.
Sau đó, Sufiah trở lại Oxford nhưng không còn bất kỳ hứng thú gì với việc học. Năm 2003, cô gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với 1 sinh viên ngành luật. Yêu nhau chưa đầy 1 năm, cặp đôi quyết định kết hôn. Cuộc hôn nhân của 2 con người còn quá trẻ không tránh khỏi mâu thuẫn vì bất đồng quan điểm và cuối cùng đi đến kết thúc khi chỉ bước sang năm thứ 2 chung sống.
Sufiah hoàn thành các khóa học nhưng không thể tốt nghiệp đại học Oxford vì lý do sức khỏe. Sau đó, cô nộp đơn vào Đại học SOAS London chuyên ngành kinh tế học. Cuộc sống của Sufiah dần dần không còn nhận được nhiều sự quan tâm như trước. Mãi cho đến 2007, cô được báo chí nhắc đến khi bị phát hiện hành nghề mại dâm với mức lương 285 USD/giờ và sống trong căn hộ cho thuê ở thành phố Manchester. Sau khi tung tích bị bại lộ, Sufiah không lấy làm bỡ ngỡ mà ngược lại, cô còn đồng ý chụp những bộ ảnh mặc nội y nóng bỏng xuất hiện trên các tạp chí tuần san. Tin tức về thần đồng toán học một thời bỗng chốc trở thành gái bán hoa khiến dư luận không khỏi bất ngờ nhưng nhờ đó mà biết được phương pháp đào tạo thiên tài kinh khủng của bố Sufiah, Farooq Yusof.
Theo đó, Farooq áp dụng phương pháp giáo dục đầy khắc nghiệt lên 5 người con từ khi chúng chỉ còn là những đứa trẻ tí tuổi. Buổi sáng của anh em Sufiah bắt đầu bằng nghi thức cầu nguyện theo truyền thống của đạo Hồi trước khi bước vào học trong căn phòng lạnh để nâng cao khả năng tập trung. Những thú vui giải trí như âm nhạc hay TV đều bị cấm tiệt tại nhà vì ông Farooq cho rằng chúng sẽ gieo vào đầu bọn trẻ suy nghĩ thiển cận, vô ích.
Trong quá trình học tập, ông Farooq còn sử dụng bạo lực để răn dạy các con. Điều này còn phụ thuộc vào tâm trạng của ông. Không ít lần Sufiah và những người anh em của mình bị đánh trong lúc ngủ liên tục bởi những cú đấm thẳng vào mặt. Theo anh trai Sufiah, đây chính là lý do khiến em gái anh luôn muốn bỏ chạy.
Sự tự tin của ông Farooq ngày càng được nâng cao khi ngoài Sufiah được nhận vào đại học Oxford, anh chị cô cũng lần lượt đậu đại học vào năm 12 và 15 tuổi. Ông tin chắc bản thân có thể tạo ra nhiều phiên bản thần đồng khác. Trong suốt thời gian dài, Farooq được tung hô là ông bố mẫu mực, tiên phong trong lĩnh vực giáo dục với phương pháp giảng dạy thú vị, đạt hiệu quả cao. Farooq thường xuyên nhấn mạnh thành tựu của con cái đều do một tay ông dạy dỗ chứ không hề quan tâm đến năng lực thực sự của chúng. Chính vậy nên từ nhỏ, anh em Sufiah được nuôi dạy như những tác phẩm tiêu biểu để bố chúng có cơ hội đem khoe với thế giới. Năm 2008, Farooq bị bắt vì tội tấn công tình dục 1 học sinh 15 tuổi trong thời gian làm gia sư riêng và nhận mức án 18 tháng tù giam.
Dù được dư luận tìm thấy trong hoàn cảnh khác xa với trí tưởng tượng của mọi người về cuộc đời của 1 thiên tài nhưng Sufiah không hề cảm thấy ngại ngùng mà ngược lại còn cảm thấy tự hào vì giờ cô có thể sống theo ý mình muốn chứ không như 1 con rối để mặc cho bố thao túng. Cũng bởi vì cuộc đời trước đây chỉ có học, Sufiah không có lấy một người bạn thân trong suốt cả tuổi thơ. Chính vậy nên cô không hề hối hận khi quyết định bỏ hết tất cả để nghe theo những gì trái tim mách bảo. Theo truyền thông đưa tin, Sufiah sau đó đã bỏ nghề mại dâm để trở lại trường học và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Cuộc sống hiện tại của Sufiah không được báo chí khai thác nhiều nhưng chắc chắn sau khi thoát khỏi vòng kèm cặp của bố, cô chắc chắn đang sống 1 cuộc sống rất thoải mái và hạnh phúc.
Trên Twitter cá nhân, Sufiah chia sẻ hiện tại cô đang tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nữ quyền đồng thời tận hưởng cuộc sống tự do đi du lịch khắp nơi trên thế giới.
Câu chuyện của Sufiah mỗi khi nhắc lại đều khiến người ta tiếc nuối. Sự kỳ vọng quá lớn của các bậc phụ huynh đôi khi lại đi chệch hướng, đẩy chính các con của mình vào đường cùng thay vì muốn tốt cho chúng. Hầu hết các chuyên gia tâm lý đều phản đối lối tư duy và phương pháp đào tạo bắt các con "chín ép" của không ít các bậc phụ huynh.
Tiến sĩ Peter Congdon, nhà tư vấn tâm lý giáo dục và giám đốc của Trung tâm quà tặng trẻ em ở Anh khẳng định việc cho những đứa trẻ chỉ mới 14 tuổi đi học đại học là phá hủy tuổi thơ của chúng. "Theo những gì tôi nghiên cứu thì thiên tài có nhiều ngã rẽ khác nhau trong cuộc sống, chúng có thể trở thành nhà triết học uyên bác nhưng có không ít lầm đường lỡ bước, sa đà vào những việc làm vi phạm pháp luật" - ông nói.
Giáo sư Tim Gowers, công tác tại Đại học Cambridge, cho rằng việc cho trẻ lên đại học sớm chẳng có ích gì, bất kể chúng có là những cá nhân nổi trội và xuất sắc hay không. Thúc ép trẻ con học tập căng thẳng như cách ông Farooq đã làm với các con có thể gây ra nhiều ức chế về mặt tình cảm và thời gian trôi qua, mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
(Nguồn: Tổng hợp)