Nếu thường xuyên rơi vào trạng thái này, 7 bộ phận cơ thể sẽ phải gánh chịu hậu quả khiến bạn già nhanh và cân nặng trồi sụt khó kiểm soát

Mai Nhung,
Chia sẻ

Stress không chỉ ảnh hưởng tới cảm xúc, tâm trạng mà còn có thể tác động lớn tới sức khỏe thể chất của bạn.

Delishia Pittman, bác sĩ, phó giáo sư tại Đại học George Washington kiêm nhà tâm lý học ở Washington giải thích: “Stress bắt nguồn từ những mối đe dọa đến từ nhận thức. Khi bộ não phát hiện ra thứ gì đó có thể gây hại, nó sẽ kích thích phản ứng tự vệ của cơ thể”.

Theo Aly Inclan, bác sĩ tâm lý tại Trung tâm UofL Health, phản ứng có thể thay đổi dựa theo mức độ đe dọa. Thật không may, cơ thể chúng ta không thể phân biệt được sự khác nhau giữa mối đe dọa thực sự và mối đe dọa không đáng lo. Stress có thể tác động tới những cơ quan và bộ phận trên cơ thể dưới đây:

Các giác quan

Căng thẳng kéo dài kích thích não bộ giải phóng hormone và các hóa chất, khiến cơ thể luôn ở trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”. Hai trong số các hormone đó là epinephrine (adrenaline) và cortisol.

Khi epinephrine được giải phóng vào máu, nó sẽ kích thích đường thở và cung cấp thêm oxy lên não. Theo Tạp chí Harvard Health Publishing, tình trạng này tạo nên sự tỉnh táo cao độ và có thể làm tăng cảm nhận của các giác quan như vị giác, khứu giác và thính giác.

Trái lại, bác sĩ Pittman cho biết, một số người bị căng thẳng đến mức họ không cảm nhận được mùi vị của món ăn. Theo thời gian, các giác quan như thị lực cũng có thể chịu tổn thương do tăng huyết áp, tình trạng rất dễ gặp phải khi bị stress mãn tính.

Cơ bắp

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn phải đối mặt với stress - Ảnh 1.

Căng thẳng mãn tính khiến các cơ bắp cẳng cứng, từ đó dẫn tới những cơn đau lưng, đau đầu và đau khớp.

Không ít người có thói quen nghiến răng, nắm tay thành nắm đấm khi gặp phải căng thẳng. Những việc làm này thực chất bắt nguồn từ epinephrine trong cơ bắp.

Cơ thể luôn trong trạng thái sẵn sàng khi đối mặt với mối đe dọa. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, căng cơ có thể dẫn đến các vấn đề như đau đầu, đau cổ, lưng và thậm chí là chấn thương dài hạn.

Não bộ

Căng thẳng có liên quan đến trầm cảm và các vấn đề sức khỏe về nhận thức. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh học vào năm 2018 đã chỉ ra, những người trẻ tuổi và trung niên sở hữu nồng độ cortisol cao hay gặp phải vấn đề về trí nhớ và não hoạt động kém hiệu quả hơn người khác.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn phải đối mặt với stress - Ảnh 2.

Stress có khả năng gây mất tập trung, giảm khả năng ghi nhớ ở một số người.

Làn da

Da là cơ quan lớn nhất trên cơ thể và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chúng chịu tác động mạnh mẽ bởi căng thẳng.

Stress kích thích hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng viêm như bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng (eczema) và mụn trứng cá. Căng thẳng cũng làm giảm khả năng phục hồi tổn thương và gây lão hóa da sớm.

Hơn nữa, stress có thể tác động tức thời lên da, dẫn tới hiện tượng đỏ mặt và ra mồ hôi. Một số người còn thói quen cắn móng tay, ngoáy tai hoặc gãi khi bị căng thẳng.

Theo Đại học Chicago, những thói quen này không chỉ gây phiền toái mà còn dễ dẫn đến tình trạng kích ứng hoặc thậm chí nhiễm trùng.

Tim

Stress làm tăng huyết áp và khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Những yếu tố gây căng thẳng ngắn hạn như lo lắng trong vài giờ trước khi thuyết trình hoặc khi xem phim kinh dị không phải là vấn đề lớn, miễn sao mọi thứ trở lại bình thường sau đó.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn phải đối mặt với stress - Ảnh 3.

Tăng huyết áp và căng thẳng thường đi đôi với nhau.

Tuy nhiên, căng thẳng đột ngột gây ra các vấn đề về tim mạch là hiện tượng không hề hiếm gặp. Càng kéo dài thì tình trạng này càng gây hại cho tim và mạch máu. Nồng độ hormone căng thẳng tăng cao có thể làm tăng huyết áp và nếu không được điều trị, bạn có nguy cơ bị xơ cứng động mạch, suy thận và rối loạn chức năng tình dục.

Hệ miễn dịch

Căng thẳng cũng đã được chứng minh có mối quan hệ với nhiều loại bệnh khác. Tăng hormone cortisol tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ miễn dịch, từ đó khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Theo bác sĩ Inclan, cơ thể sẽ ưu tiên giải quyết những mối đe dọa tới tính mạng thay vì bệnh cúm.

Đường ruột

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa não bộ với đường ruột. Trên thực tế, theo Viện Johns Hopkins, đường ruột còn được ví như “bộ não thứ hai” của con người.

Bác sĩ Pittman giải thích: “Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh rất nhiều hormone. Một số hormone này có thể rò rỉ vào ruột và phá vỡ hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa”. Do đó, những người bị căng thẳng dễ phải đối mặt với tình trạng táo bón, buồn nôn, tiêu chảy hoặc thậm chí hội chứng ruột kích thích.

Cân nặng

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn phải đối mặt với stress - Ảnh 4.

Căng thẳng có thể là một yếu tố góp phần gây giảm cân hoặc tăng cân, tùy thuộc vào mỗi người.

Ngoài các vấn đề về đường tiêu hóa, căng thẳng cũng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, từ đó khiến bạn sụt cân nhanh chóng.

Trong khi đó, đối với một số người, cảm giác lo lắng do stress khiến họ tiêu thụ nhiều thực phẩm, đồ ăn vặt có đường hơn. Theo Viện Mayo, căng thẳng dẫn tới tăng cân không mong muốn là hiện tượng vô cùng phổ biến.

Theo Livestrong

Chia sẻ