Ăn vặt khi bị stress vô cùng tai hại, hãy áp dụng cách "cai nghiện" này ngay!
Trên thực tế, không ít người lựa chọn vào nhà bếp thường xuyên hơn và coi việc tiêu thụ thực phẩm là giải pháp hiệu quả để giảm bớt stress trong giây lát vào khoảng thời gian dịch bệnh khắp toàn cầu.
Dù không tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây stress bên ngoài, mọi người vẫn có thể phải đối mặt với tình trạng này. Làm việc, ăn ở nhà và giải trí tại nhà 100% vô tình tạo nên một cuộc sống đầy tù túng. Hơn nữa, lo lắng và sợ hãi là điều khó thể tránh khỏi trong mùa dịch bệnh hiện nay.
Trên thực tế, không ít người lựa chọn vào nhà bếp thường xuyên hơn và coi việc tiêu thụ thực phẩm là giải pháp hiệu quả để giảm bớt căng thẳng trong giây lát. Nếu thói quen này xuất hiện mỗi khi bạn bị stress, sức khỏe sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Alissa Rumsey chuyên gia dinh dưỡng kiêm người đứng đầu hiệp hội Alissa Rumsey Nutrition and Wellness ở thành phố New York cho biết, hầu hết mọi người lựa chọn tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường như sô cô la, kem và bánh quy khi cần lấy lại tâm trạng. Tuy sở hữu hương vị tuyệt vời, những đồ ăn vặt này sẽ làm tăng lượng glucose, natri, chất béo bão hòa gây hại cho sức khỏe tim và ảnh hưởng xấu tới vòng eo.
Vì vậy, nếu bạn đang phải đối mặt với stress và cần kiểm soát thói quen ăn vặt, hãy tham khảo những bí quyết đơn giản dưới đây:
Xác định cơn đói
Một trong những việc làm hàng đầu nhằm kiểm soát cơn thèm ăn là xác định bản thân có thực sự đói hay không. Nếu tất cả bắt nguồn từ stress, bạn sẽ tìm ra giải pháp dễ dàng hơn để giải quyết tình trạng này. Trò chuyện với bạn bè, đi dạo hoặc tắm có thể giúp bạn kiểm soát tâm trạng vô cùng hiệu quả.
Hãy đánh giá mức độ đói của bạn theo thang điểm, 0 là bình thường, -5 là rất đói và 5 là vô cùng no. Mọi người chỉ nên ăn khi mức độ đói đạt khoảng -2 hoặc -3 và cảm nhận được sự trống rỗng trong dạ dày. Nói cách khác, hãy tiêu thụ thực phẩm vì nhu cầu của cơ thể thay vì để giảm stress.
Tránh mất tập trung
Không nên mất tập trung khi ăn vì thói quen này sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ thực phẩm của bạn. Ăn chậm nhai kỹ vừa tạo cảm giác no lâu vừa góp phần kiểm soát khẩu phần ăn. Do đó, đừng ngại ngần tắt tivi, bỏ điện thoại xuống và đóng nắp máy tính xách tay khi dùng bữa.
Theo Ashley Barrient, chuyên gia dinh dưỡng kiêm bác sĩ y khoa tại Bệnh viện Northwestern Memorial, hãy chú ý tới quá trình tiêu thụ thực phẩm, thay vì dùng bữa một cách vội vàng và không quan tâm lượng thức ăn.
Ăn chậm
Keri Gans, bác sĩ, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại New York kiêm tác giả của cuốn sách The Small Change Diet đã chỉ ra, mọi người nên dành ít nhất khoảng 20-30 phút để hoàn thành một bữa ăn chính trong ngày, 10-20 phút với bữa nhẹ. Hãy nhai thức ăn từ từ và kỹ lưỡng, thay vì cố gắng nhai và nuốt nhanh nhất có thể. Thói quen này có thể giúp kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ một cách hiệu quả.
Cảm nhận từ mọi giác quan
Ăn uống là sự trải nghiệm của cảm giác. Việc làm này không chỉ tác động tới vị giác mà còn ảnh hưởng tới cả những giác quan khác, bao gồm thị giác, khứu giác và thính giác.
Theo Reshmi Srinath, chuyên gia dinh dưỡng kiêm phó giáo sư tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, nếu chú ý tới các yếu tố này trong mỗi bữa ăn, bạn sẽ được trải nghiệm những điều mới lạ khi tiêu thụ thực phẩm. Hãy cảm nhận hương thơm, màu sắc, vị ngon của món ăn và thậm chí nghe âm thanh phát ra từ miệng khi nhai thức ăn.
Chú ý đến tất cả các khía cạnh của một món ăn sẽ giúp bạn thực sự tận hưởng trải nghiệm mới lạ và cảm thấy no hơn sau bữa ăn.
Kiểm soát cơn đói
Trong quá trình tiêu thụ thực phẩm, bạn nên liên tục đánh giá xem bản thân đã no chưa. Hãy ngừng ăn khi cảm thấy đã no khoảng 80%, thay vì ăn cho đến khi no căng bụng.
Những bí quyết kiểm soát cảm giác thèm ăn này có thể giúp mọi người tránh xa thói quen tiêu thụ thực phẩm khi cảm thấy căng thẳng hay lo âu. Đồng thời, chúng cũng giúp bạn trải nghiệm việc ăn uống một cách mới lạ và ăn sao cho có lợi cho sức khỏe nhất.
(Nguồn: Bodyandsoul)