“Nếu có một ngày bà ấy quên tôi, tôi phải làm thế nào?”: Chuyện tình già nhưng sẽ khiến chị em ao ước về chồng mình
Khi ông không ở bên cạnh, bà sẽ không ngừng đi tìm ông, sẽ đứng bên cửa sổ đợi ông trở về. Mỗi lần thấy bà như vậy, ông đều cảm thấy không yên lòng...
Thụ Phong và Vị Phương quen nhau vào thời điểm khi họ hơn 20 tuổi tại một tiệc cưới của người bạn. Kể từ giây phút đầu tiên, Vị Phương đã trúng tiếng sét ái tình với Thụ Phong. Nhưng sau khi hai người làm quen, Vị Phương hụt hẫng khi biết Thụ Phong đã có vị hôn thê.
Năm 1955, Thụ Phong cùng vị hôn thê kết hôn, sinh một trai, một gái. Hôn nhân đáng lẽ rất hạnh phúc nhưng vào giai đoạn Cách mạng Văn hóa biến động, vợ và con gái lần lượt qua đời vì bạo bệnh, chỉ còn mỗi người con trai khiến Thụ Phong suy sụp.
Chứng kiến Thụ Phong lâm vào tình cảnh "gà trống nuôi con", anh rể là người chủ động tìm đối tượng mai mối cho Thụ Phong. Trùng hợp là người anh rể quen biết Vị Phương khi ấy cô vẫn chưa lập gia đình, anh rể bèn ngỏ lời mai mối và Vị Phương lập tức chấp nhận.
Năm 1970, Thụ Phong 43 tuổi nên duyên với Vị Phương 42 tuổi. Tuy nhiên ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa đã chia lìa đôi uyên ương. Chính quyền lâm thời điều động Thụ Phong đến Tứ Xuyên và chuyến đi này kéo dài mất khoảng 10 năm. Vị Phương nuốt nước mắt cam tâm chờ đợi Thụ Phong: "Không sao, anh cứ đi, em sẽ đợi anh ở Thượng Hải". Trong 10 năm ấy, số lần họ gặp gỡ nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau chuyến đi đằng đẵng kéo dài 10 năm, Thụ Phong trở về nhà đoàn viên với Vị Phương. Tuổi tác cả hai người khi đó đã lớn tuổi nên họ không còn dự định sinh con. Năm 1990, con trai riêng của Thụ Phong quyết định sang Úc sống, chỉ còn đôi vợ chồng già bầu bạn hơn 40 năm.
Hôn nhân của Vị Phương - Thụ Phong cứ ngỡ sẽ mãi êm đềm sau nhiều biến cố. Tuy nhiên ngày Vị Phương đi cắt tóc đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc sống của cặp vợ chồng già. Hôm ấy, bà rời khỏi nhà vào lúc 3 giờ, đến 6 giờ vẫn chưa về. Sau cùng, người ta phải nhờ đến sự hỗ trợ của cảnh sát đưa bà về đến tận nhà bởi bà không nhớ rõ nhà mình.
Nhận thấy trí nhớ của vợ ngày càng sa sút, Thụ Phong quyết định đưa Vị Phương đến bệnh viện kiểm tra và ông “chết điếng” khi nghe bác sĩ chẩn đoán bà mắc căn bệnh Alzheimer. Bệnh tình tiến triển ngày càng nặng gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống và khiến bà gần như mất đi toàn bộ trí nhớ. Nhưng điều kì diệu là người duy nhất mà bà có thể nhớ rõ chính là Thụ Phong - người chồng mà bà hết mực yêu thương. Năm 2013, bác sĩ tiếp tục chẩn đoán và thông báo khả năng nhận biết của bà chỉ còn tương đương đứa trẻ 4 tuổi.
Kí ức ít ỏi còn sót lại trong tâm trí của bà là từng làm hiệu trưởng tại một trường học, ngoài ra bà không nhớ rõ bất kì điều gì. Bà vẫn yêu thích chải tóc và thường làm mất kẹp tóc, Thụ Phong vô cùng chu đáo khi ông thường để sẵn kẹp tóc mới trong ngăn kéo của Vị Phương, mỗi lần bà làm mất kẹp tóc, ông sẽ lấy kẹp tóc đưa tận tay bà. Mỗi lần đến giờ uống thuốc, ông chính là người cẩn thận nhắc nhở và lấy thuốc cho bà uống. Chuyện mặc áo quần hằng ngày cũng là nhờ ông chọn và phối đồ giúp bà.
Bệnh Alzheimer không có cách chữa, chỉ có thể trì hoãn thời gian. Mỗi buổi sáng, ông thường dẫn bà đến công viên tập thể dục, cùng nhau ăn uống và xem kịch. Ông cố gắng tạo một môi trường thật thoải mái để bà không tách biệt với xã hội. Bác sĩ từng bảo trong số những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer, bệnh tình của bà tiến triển chậm hơn nhiều người, có lẽ là nhờ vào tình yêu tận tụy mà ông dành cho bà.
Điều khiến Thụ Phong lo lắng là nếu ông ra đi trước Vị Phương, thì ai sẽ là người thay ông chăm sóc bà? Mỗi lần nghĩ đến viễn cảnh ấy, ông đều cảm thấy bất an. "Bây giờ bà ấy vẫn nhận ra tôi, nếu có một ngày bà ấy quên tôi, tôi phải làm thế nào?", ông nói.
Tháng 11/2013, Vị Phương - Thụ Phong vào viện dưỡng lão sinh sống. Bà đã có thêm điều dưỡng chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, nhưng bà luôn đợi ông đút vài muỗng cơm rồi mới để cho điều dưỡng chăm sóc. Khi ông không ở bên cạnh, bà sẽ không ngừng đi tìm ông, sẽ đứng bên cửa sổ đợi ông trở về. Mỗi lần thấy bà như vậy, ông đều cảm thấy không yên lòng.
28/10/2017, bộ phim tài liệu "Em vẫn nhớ anh" miêu tả cuộc sống của cặp vợ chồng già được công chiếu rộng rãi khắp cả nước. Ngay từ sáng sớm, ông đã thức dậy chuẩn bị cho bà bộ quần áo đẹp nhất. Ông giúp bà chải tóc và dẫn bà đến rạp phim. Khi bộ phim kết thúc, hơn 1.000 khán giả đã đứng dậy reo hò và dành những tràng vỗ tay tán thưởng cho mối tình đẹp của hai ông bà. Thời khắc ông đỡ bà đứng dậy, bà đã mỉm cười và vỗ tay theo mọi người cho dù bà không hiểu điều gì đang diễn ra. Bởi khi bộ phim trình chiếu trên màn hình lớn, bà đã dựa vào vai ông và ngủ ngon lành.