“Nếu có kiếp sau, tôi không bao giờ muốn nuôi dạy con mình giỏi như vậy..." - Chia sẻ của bà mẹ gây sửng sốt
Nếu con tôi không thể trở thành nhân vật chính, vậy thì làm một nhân vật phụ hạnh phúc cũng rất tốt.
01
Thời gian trước, một blogger tại Trung Quốc gây chú ý khi thực hiện phỏng vấn một cụ bà tại viện dưỡng lão. Hỏi thăm một chút, hóa ra cụ bà từng là kỹ sư cao cấp về hưu từ một viện nghiên cứu thuộc Bộ Công nghiệp Hạt nhân. Con trai của bà cũng rất xuất sắc, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ và hiện đã trở thành một luật sư.
Tuy nhiên, khi nhắc đến vấn đề giáo dục, cụ bà lại nói: "Nếu có kiếp sau, tôi nhất định không muốn nuôi dạy con cái xuất sắc nữa".
Tại sao lại như vậy?
Cụ bà lấy những người xung quanh mình làm ví dụ:
Một người bạn của bà có ba người con đều rất thành đạt, đều làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng hiện tại, người bạn này tuổi cao, chồng cũng đã mất, chỉ còn lại một mình trong căn nhà trống trải, hàng ngày lủi thủi ăn cơm một mình, tự đi dạo một mình.
Một đồng nghiệp lớn tuổi khác của bà, con gái sau khi tốt nghiệp đại học đã đi nước ngoài và nhiều năm qua chưa từng trở về, ngay cả khi cha qua đời cũng không xuất hiện.
Chính bà cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Dù bà đang sống trong một viện dưỡng lão cao cấp, mỗi tháng nhận lương hưu khoảng mười nghìn tệ, nhưng lại không có ai ở bên cạnh, cảm giác cô đơn và bất lực bao trùm. Vì vậy, bà rất ngưỡng mộ những người con không quá xuất sắc nhưng luôn ở gần bên cha mẹ.
Một hiệu trưởng từng nói trong bài diễn thuyết của mình: "Hãy tôn trọng sự khác biệt của từng đứa trẻ. Có những đứa trẻ bẩm sinh có năng khiếu học tập, nhưng cũng có những đứa không có.
Những đứa không có năng khiếu học tập có lẽ là đến để báo đáp ơn sinh thành. Bởi những đứa học rất giỏi, sau này có thể sẽ đi Mỹ, Anh hay Canada, gặp nhau chỉ qua video call. Còn những đứa không giỏi học tập, khi chúng ta già đi, sẽ ở bên chúng ta.
Hôm nay chở chúng ta đi ăn bò viên, ngày mai lại chở đi ăn hải sản. Nghĩ thôi đã thấy thật đẹp".
Đúng vậy, mỗi đứa trẻ đến với cuộc đời này đều mang theo một sứ mệnh riêng. Những đứa trẻ xuất sắc sẽ theo đuổi những hoài bão lớn lao, vươn tới những chân trời của riêng mình; còn những đứa trẻ không xuất sắc lại có thể ở bên cạnh, mang đến cho chúng ta hạnh phúc giản dị.
02
Trước đây, trên mạng từng lan truyền một video cảm động về lời tâm sự của một cụ già 80 tuổi sống một mình. Cụ quay về phía máy quay, nói rằng mình quá cô đơn, cả đời vất vả cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhưng giờ đây chẳng có ai bên cạnh.
Cụ có hai con gái, hai con trai, tám cháu nội và bảy chắt. Dù các con đều hiếu thảo, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mỗi người đều bận bịu làm việc. Suốt cả năm, thời gian về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đúng là, con cái xuất sắc, hiển nhiên là niềm tự hào của cha mẹ. Nhưng rất nhiều lúc, con cái càng xuất sắc lại càng xa cách cha mẹ.
Một nhà văn từng kể: Có một cặp vợ chồng đều là giáo viên, hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục và không tiếc tiền đầu tư cho con trai.
Từ khi con còn nhỏ, họ đã kiên trì ngày nắng cũng như mưa đưa đón con đến các lớp học thêm, từ toán nâng cao đến các lớp bồi dưỡng năng khiếu.
Con trai cũng không làm họ thất vọng. Trong kỳ thi đại học, cậu đạt thành tích xuất sắc và được tuyển thẳng vào một trường đại học hàng đầu trong nước, sau đó tiếp tục ra nước ngoài du học và làm việc với mức lương đáng mơ ước.
Sau này, con trai định cư ở Đức. Để hỗ trợ con, hai vợ chồng bán căn nhà ở trung tâm thành phố, gửi tiền cho con mua nhà bên đó.
Ban đầu, họ mong chờ con sẽ đón mình sang Đức dưỡng già. Nhưng rồi, hơn chục năm trôi qua, con trai chưa bao giờ đề cập đến việc đón cha mẹ sang. Trong thời gian đó, cậu chỉ về nước hai lần, mỗi lần đều rất vội vàng. Hai vợ chồng cảm thấy chạnh lòng nhưng vẫn tự an ủi rằng, con thành đạt là điều tốt, không thể trói buộc cánh chim muốn bay xa.
Cho đến khi người cha được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối, thời gian không còn nhiều. Dù con trai trở về thăm, nhưng cả thời gian ở nhà cậu cũng chỉ bận rộn với các cuộc gọi công việc. Cuối cùng, cậu lại vội vàng rời đi, để mặc người mẹ già và người cha bệnh nặng.
May mắn thay, bà mẹ còn có hai người cháu trai bên ngoại hỗ trợ đặt lịch khám bệnh, mua vé, thậm chí thay nhau túc trực bên giường bệnh.
Dù vậy, người cha vẫn ra đi mãi mãi.
Trong những ngày tháng cần sự an ủi từ gia đình nhất, con trai vẫn ở nơi xa xôi ngàn dặm, còn trách nhiệm chăm sóc mẹ già cũng rơi vào tay hai cháu trai. Sự việc này khiến người mẹ cảm thấy đau lòng vô cùng.
Vài năm sau, con trai bất ngờ quay về. Bà mẹ nghĩ rằng cuối cùng con đã hối lỗi, nhưng rồi bà phát hiện ra cậu trở về chỉ vì phần đền bù giải tỏa đất đai. Sau sự việc này, bà hoàn toàn nhìn thấu con trai mình.
Bà hối hận vì đã quá chú trọng đến việc học hành mà không chú tâm rèn luyện nhân cách và đạo đức cho con. Kết quả là cuối đời, bà phải sống trong sự cô đơn, không nơi nương tựa.
Một nhà giáo dục từng nói: "Thành tích học tập không quyết định cả đời của một đứa trẻ, mà chính là nhân cách toàn diện của chúng".
Trong cuộc sống, rất nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chăm muốn con mình vào trường danh tiếng, lấy thành tích xuất sắc làm mục tiêu duy nhất.
Nhưng thực tế, nuôi dạy một đứa trẻ biết hiếu thảo, lương thiện, và biết quan tâm đến người khác, dù kết quả học tập không quá nổi bật, mới là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời cha mẹ.
Bởi khi về già, cha mẹ sẽ nhận ra rằng: Con cái dù có thành đạt, dù thành tích rực rỡ đến đâu, cũng chỉ là ánh sáng thoáng qua. Chỉ những đứa con biết quan tâm, yêu thương và đặt cha mẹ vào trong lòng mới là chỗ dựa thực sự cho cả đời.
03
Từng đọc một câu chuyện trong một bài báo:
Từ trước đến nay, chúng ta thường hy vọng con cái sẽ thành đạt, đạt được thành công rực rỡ. Nhưng thực tế, 90% mọi người đều sẽ rơi vào cuộc sống bình thường.
Và cha mẹ, suốt đời này, cuối cùng cũng phải học cách hòa giải với sự bình thường của mình và của con cái.
Như một nhà văn từng viết trong thư gửi con trai: "So với việc mong con thành công, bố mẹ mong con được hạnh phúc hơn. Nếu con là người yêu thích động vật, thì với con, việc làm quản lý ở Phố Wall, ngày ngày đấu tranh vì những con số, có lẽ không bằng việc hàng ngày tắm cho voi hay chải răng cho hà mã".
Một nhà văn từng nói: "Mọi điều phi thường trong cuộc đời cuối cùng đều quay về sự bình thường, và chính sự bình thường trong cuộc sống mới là thước đo giá trị thực sự. Vĩ đại, hào nhoáng hay thành công đều không quan trọng bằng việc sống một cuộc đời bình thường trọn vẹn và hạnh phúc".
Trên thế gian này, đã có nhân vật chính, thì tất yếu sẽ có nhân vật phụ. Nhân vật chính có cuộc sống đầy biến động, đầy màu sắc của họ; nhưng nhân vật phụ cũng có những niềm vui bé nhỏ của riêng mình. Không phải chỉ làm nhân vật chính thì cuộc đời mới viên mãn.
Nếu con tôi không thể trở thành nhân vật chính, vậy thì làm một nhân vật phụ hạnh phúc cũng rất tốt.