Nếu bạn có triệu chứng khó nuốt, hãy cẩn thận

Theo Gia đình & Xã hội,
Chia sẻ

Nhiều người nghĩ rằng khi bị khó nuốt là rất bình thường. Nhưng bạn đừng chủ quan, triệu chứng đó lại là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau.

Theo các chuyên gia, tình trạng khó nuốt có thể gặp thường xuyên khi ăn, uống nước. Khó nuốt thường gây ho, nghẹn, cảm giác thức ăn bị vướng ở cổ họng, tăng tiết nước bọt, sặc thức ăn lên mũi…

Ở trẻ nhỏ sẽ khó cho ăn, nước dãi chảy nhiều, ăn lâu trên 30 phút, bị trớ thường xuyên, hay hắt hơi sau khi ăn, giọng nói bị biến đổi sau khi ăn, giảm cân, hay tái phát viêm phổi,…

Với trẻ em khi thấy khó nuốt, đau, khóc thét, thậm chí tím tái thì bạn cần nghĩ tới việc trẻ có vấn đề ở vùng họng, thực quản, thông thường hay gặp nhất là trẻ hóc xương hoặc nuốt vật lạ vào họng, thực quản.

Với người trưởng thành, đặc biệt là người già thì phải hết sức cảnh giác với hiện tượng khó nuốt, bởi việc khó nuốt trong khi ăn uống là một những triệu chứng điển hình thường gặp nhất của bệnh ung thư thực quản.


Khó nuốt là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh lý. Ảnh minh họa

Theo BS Đặng Thế Căn – nguyên giám đốc Bệnh viện K, ung thư thực quản triệu chứng điển hình nhất là khó nuốt, sụt cân, đau tức ngực, mệt mỏi. Ban đầu người bệnh thường có cảm giác nuốt vướng sau xương ức, nuốt nghẹn mơ hồ và có thể nhận thấy rõ rất khi ăn những loại thức ăn đặc.

Càng về giai đoạn sau việc nuốt khó khăn với cả những món ăn lỏng thậm chí chỉ là nuốt nước bọt cũng có cảm giác khó và đau.

Cũng vì dấu hiệu này mà ở giai đoạn đầu, ung thư thực quản rất dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác như trào ngược dạ dày thực quản, bệnh dạ dày - tá tràng, bệnh về tim mạch, bệnh đau thần kinh liên sườn…

Ngoài ra, khi có triệu chứng khó nuốt thường xuyên, bạn cũng cần cẩn trọng vì đó có thể do một số bệnh tổn thương hệ thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ não.

Khó nuốt đôi khi không có tổn thương thực thể mà chỉ có cảm giác nuốt vướng một vật gì ở họng lúc có, lúc không cũng có thể là do viêm amiđan mạn tính hoặc do tác động bởi stress hoặc do bệnh tâm thần.

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây khó nuốt và loại bỏ những nguy hiểm, mọi người cần đi khám bệnh một cách tỷ mỷ và tiến hành một số xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết. Nên đi khám tại khoa tiêu hóa hoặc tai mũi họng để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện sẽ được chụp thực quản có thuốc cản quang hoặc nội soi thực quản. Việc điều trị rối loạn nuốt tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí gây bệnh.

Để tránh tình trạng bị khó nuốt,khi ăn bạn nên ăn từng miếng nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ để tránh ho, sặc, dị vật rơi vào đường thở.

Tránh để trẻ ngậm, mút đồ chơi. Ở những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản cần tránh ăn những thức ăn chua, cay, nóng.

Khi có những triệu chứng khó nuốt, nuốt nghẹn, người bệnh cần đi khám chuyên khoa sàng lọc ung thư sớm nhất để có thể phát hiện ra bệnh.

Chia sẻ