Nếu bạn có thói quen trả giá, hãy xem clip này để hiểu mình thường mặc cả đúng hay sai
Bài học đắt giá từ anh chàng bán dừa thông minh khiến cho nhiều người tỉnh ngộ, nhìn lại thói quen mặc cả của mình.
Mặc cả là một thói quen phổ biến và bình thường
trong cuộc sống hàng ngày, nhất là đối với các bà nội trợ. Hầu như tất cả mọi
người khi đi chợ hoặc mua hàng rong, bất kể là đồ ăn, hoa quả, quần áo hay hàng
xén… đều trả giá với người bán hàng. Biết là buôn bán thì phải có lãi, thế nên
với những người mua hàng, bớt được dù chỉ là 1000 đồng khi mua rau hay 10.000 đồng
khi mua quần áo đều có nghĩa như nhau, giúp họ giảm bớt được 1 khoản chi, và
đôi khi trong đầu họ nghĩ là… mặc cả được với giá hời.
Thế nhưng, ngược lại, khi chúng ta vào siêu thị hay
trung tâm mua sắm lớn, các mặt hàng niêm yết giá cả rõ ràng nên ra quầy thanh
toán không ai cò kè 500, 1000 đồng dù biết thừa ở những nơi đó hàng hoá đắt hơn
bên ngoài một chút, ít nhất là đắt hơn tiệm tạp hoá gần nhà. Tại sao lại có sự
khác biệt này? Và thực chất việc chúng ta mặc cả hàng ngày có ý nghĩa thế nào
trong mắt những người bán hàng? Mời bạn xem clip sau đây.
Clip cực ý nghĩa đã thức tỉnh bao nhiêu người
Ngay sau khi đăng tải trên một diễn đàn mạng xã hội
lớn, clip này đã thu hút lượng view khổng lồ với con số ấn tượng – 2,1 triệu lượt
xem. Ngoài ra còn có 16 nghìn like và hơn 40 nghìn lượt share, đủ thấy yếu tố ảnh
hưởng đến xã hội từ nội dung đoạn clip. Rất nhiều thành viên mạng đủ lứa tuổi,
tầng lớp, nghề nghiệp đã tham gia bình luận về thông điệp cuối clip, tạo nên
làn sóng gây bão dữ dội xoay quanh chủ đề “mặc cả”.
Nội dung của clip trên rất ngắn, chỉ có 2 cuộc hội
thoại chính giữa một chàng trai bán dừa dạo ven đường và một người đàn ông tìm
mua nước uống. Màn chào hỏi đầu tiên, chàng trai bán dừa tỏ ra khá sốc vì vị
khách mắng anh là “ăn cướp” sau khi hỏi giá tiền 1 quả dừa. Khách chê đắt, đòi
anh bớt gần nửa giá, nhưng anh không đồng ý. Người đàn ông mua dừa đã bỏ đi, một
lúc sau lại đi ngang qua sạp dừa với một chai nước ngọt trên tay.
Anh chàng bán dừa thông minh đã nhanh tay giữ vị
khách cũ đó lại, và hỏi chai nước ngọt được mua bao nhiêu tiền? Người đàn ông
trả lời mứa giá bằng với quả dừa của anh. Chàng trai lập tức vặn lại khiến vị
khách bất ngờ: “Anh không trả giá 1 đồng với người giàu, mà lại đi mặc cả 3 đồng
với dân nghèo chúng tôi”. Vì câu nói thấm thía này mà người đàn ông đã phải xin
lỗi, bởi anh ta đã nhận được một bài học đơn giản nhưng sâu sắc trong cuộc sống.
Câu chuyện kết thúc với vài thông điệp khá hay, khiến mỗi chúng ta phải suy
nghĩ lại về lựa chọn của mình mỗi khi mặc cả, mua hàng.
Chỉ một câu nói, chàng trai đã làm cho không chỉ vị khách này mà còn nhiều người khác nữa tỉnh ngộ.
Cộng đồng mạng tranh cãi ầm ĩ vì bài học đừng mặc cả
với người nghèo có áp dụng được ở Việt Nam không?
Bạn Tinh Vân cảm thán: “Khi nào ở ta bớt nạn chặt
chém và nói giá trên trời thì áp dụng ý nghĩa của video này vào cuộc sống được.
Chính cách bán hàng của dân ta ép người mua phải cân não trả giá, riết rồi
thành thói quen, thành tật”. Cùng chung suy nghĩ như vậy, rất nhiều người khác
cũng cho rằng bình luận này nói khá đúng về thực trạng mua – bán hiện nay, nhất
là giá cả dịch vụ và hàng rong cùng thái độ bán hàng đang khiến người dân e dè,
cảnh giác. Thực phẩm bẩn tràn lan do chính những người bán hàng vô lương tâm
đem ra đầu độc cộng đồng, làm cho người
mua quay lưng tìm đến các sản phẩm của những hãng lớn, có nguồn gốc đảm bảo
hơn. Đó là lúc chất lượng quyết định giá cả, nên chẳng ai mặc cả vì một lon nước
hay gói đồ ăn nhanh mình nhận được.
Facebooker Phong Nguyễn cho rằng “Quan điểm mặc cả
ăn sâu vào tâm trí người Việt mình rồi. Cá nhân mình thì ra chợ gặp cụ già bán
rau quả không bao giờ mặc cả, nhưng gặp bọn buôn bán hay hàng ăn chặt chém
không trả giá thì là ngu đấy các bạn ạ. Không phải ai bán hàng cũng là người
nghèo”.
Từng có nhiều vụ việc “chặt chém” gây xôn xao dư luận
nên nhiều người có định kiến với chuyện hét giá hàng hoá, chẳng hạn như vụ “bẫy”
du khách đi xe ngựa, kêu giá 5000 đồng nhưng lại là… 5000 đồng/ bước đi của ngựa
ở Sầm Sơn, tàu du lịch ở Hạ Long “bóp cổ” khách hàng với hoá đơn hải sản cùng dịch
vụ hơn 9 triệu đồng khiến bao người khiếp đảm một thời gian dài… Hay những người
bán hàng rong ở phố cổ, chuyên bán tăm bông, kẹo cao su, ngoáy tai… nhưng toàn
hét giá với khách nước ngoài gấp 10 lần cho 1 phong kẹo. Nó là những điều gây ấn
tượng xấu với cộng đồng, khiến cho văn hoá mặc cả là “kiến thức cơ bản” ai cũng
phải trang bị khi ra đường.
Những vụ chặt chém "nổi tiếng" thế này khiến mọi người cảm thấy mặc cả là kỹ năng cần thiết, bởi đâu phải người bán hàng nào cũng nghèo!
Nói tóm lại, thông điệp đừng mặc cả với người nghèo
đến từ clip ngắn ở trên đã tạo ra một cuộc tranh cãi khá dữ dội trong cộng đồng
mạng. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau với quan điểm khá rõ ràng, thể hiện sự
quan tâm chú ý của mọi người đến việc mặc cả - vốn dĩ rất quen thuộc trong cuộc
sống hàng ngày. Mặc cả giúp mọi người có thể tiết kiệm tiền, dù chỉ la 500 đồng
bớt được từ mớ rau "giảm giá", tích cóp vài tháng nó sẽ trở thành món
tiền lớn hơn, có giá trị hơn. Đó là thói quen ưa thích của chị em phụ nữ, nó rất
quan trọng với việc chi tiêu trong gia đình, bởi không phải ai cũng dư dả. Mua
bán trao đổi hàng hoá là tất yếu không thể thiếu, nhưng mỗi chúng ta nên là người
tiêu dùng thông minh sáng suốt, và người bán hàng cũng cần có cái tâm để những
cuộc ngã giá trở nên văn minh lịch sự hơn, chứ không phải "ác mộng"
khi đi mua hàng.