Né người thật, hẹn hò mỹ nam "ảo": Xu hướng mới tiết lộ vấn đề của xã hội hiện đại Trung Quốc
Buổi hẹn hò đầu tiên của Rynee Ren với Zuo Ran là tất cả những gì cô từng mơ ước. Họ cưỡi vòng quay ngựa gỗ ở công viên. Họ đến một cửa hàng nước hoa, cùng tạo ra mùi hương của riêng mình. Vấn đề duy nhất: Zuo Ran không có thật.
Biến những mỹ nam trong trò chơi điện tử thành thật
Đó thực ra là một diễn viên đóng giả (cosplayer), được thuê để đóng vai Zuo Ran - một nhân vật trong trò chơi điện tử yêu thích của Ren - trong buổi chiều.
Trong thời kỳ đại dịch, phụ nữ Trung Quốc say mê các nhân vật nam bảnh bao trong hàng loạt trò chơi điện tử thịnh hành. Giờ đây, nhiều người còn thuê diễn viên đóng giả những mỹ nam "ảo" để hẹn hò.
Đây là một dịch vụ mới cực kỳ phổ biến đang giúp phụ nữ trên khắp Trung Quốc đưa bạn trai ảo của họ đi vào cuộc sống thực.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc lảng tránh các mối quan hệ ngoài đời thực và thay vào đó tìm kiếm sự lãng mạn trong một loạt trò chơi điện tử. Họ được gọi là "những cô gái mộng mơ".
Giờ đây, nhiều người đang cố gắng chuyển những mối quan hệ kỹ thuật số này sang thế giới thực. Những cô gái mộng mơ như Ren thuê những diễn viên cosplay chuyên nghiệp đóng giả các nhân vật, sau đó tổ chức những buổi hẹn hò công phu với "người yêu".
Những bức ảnh về những buổi hẹn hò như thế này thường xuyên lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc trong những tháng gần đây, nhận được hơn 100 triệu lượt xem trên TikTok.
Bắt nguồn từ những trò chơi điện tử dành cho phụ nữ, còn gọi là otome, ở Nhật Bản, dựa trên việc khuyến khích người chơi nữ phát triển mối quan hệ lãng mạn với các nhân vật nam trong trò chơi và lan sang Trung Quốc vào những năm 2010, các trò chơi này nhanh chóng thu hút một lượng lớn người chơi.
Mức độ phổ biến của trò chơi tăng cao hơn nữa trong thời kỳ đại dịch. Trên khắp Trung Quốc, hàng triệu sinh viên không thể đi ra ngoài và hẹn hò trong nhiều tháng liên tục. Nhiều người chuyển sang otome game để giải khuây. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent cũng gây được tiếng vang lớn với một tựa game mới vào năm 2021.
Ren, một sinh viên đến từ thành phố phía đông Ninh Ba, là một trong số đó. Trước đại dịch, cô đã giành được một suất theo học tại một trường đại học ở Úc, nhưng lệnh cấm đi lại năm 2020 đã khiến cô bị mắc kẹt ở Trung Quốc. Trong hai năm tiếp theo, cô tham gia các lớp học trực tuyến tại nhà và gặp khó khăn khi gặp gỡ những người mới.
Sau đó, cô tìm thấy Zuo Ran, một trong những nhân vật chính trong trò chơi otome "Tears of Themis" - một luật sư ngôi sao tại một công ty lớn. Cô dành hàng giờ để trò chuyện với anh ta qua các cuộc gọi thoại và tin nhắn theo kịch bản của trò chơi, tiêu khoảng 15.000 Nhân dân tệ (2.200 USD).
Cho đến gần đây, Ren nhận ra rằng bây giờ có thể gặp Zuo Ran ở ngoài đời.
Những cô gái trong mơ đầu tiên bắt đầu trả tiền cho những người cosplay để hóa trang thành nhân vật yêu thích của họ cách đây vài năm, nhưng hoạt động này chỉ bắt đầu thu hút trong mùa dịch.
Các cuộc gặp gỡ thường bao gồm các hoạt động hẹn hò như: đi ăn, mua sắm hoặc đến công viên giải trí. Các diễn viên cosplay thường tính phí 100 - 200 Nhân dân tệ (14,50 USD - 29 USD) mỗi giờ. Ngoài ra, chi phí trong buổi hẹn hò đều do "khách hàng" chi trả.
Vấn đề của xã hội hiện đại
Ren đã có ngày hẹn hò đầu tiên vào tháng Hai và rất vui với trải nghiệm này. Cô nói rằng cô thực sự cảm thấy như Zuo Ran yêu dấu của mình sống lại.
Đối với nhiều người, nó phản ánh nhiều hơn các vấn đề xã hội sâu xa: cụ thể là quan hệ giới tính không cân bằng của Trung Quốc và nhiều năm phong tỏa vì đại dịch đã khiến những người trẻ tuổi cảm thấy bị cô lập và mất kết nối.
Cũng như những nơi khác, nhiều phụ nữ ở Trung Quốc cảm thấy rằng các mối quan hệ ngoài đời thực có thể gây thất vọng và đôi khi nguy hiểm. Áp lực phải phù hợp với vai trò giới truyền thống trong các mối quan hệ vẫn còn khá lớn ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Cũng đã có một loạt các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ trong những tháng gần đây.
Kết quả là một số "cô gái mộng mơ" đã mất niềm tin vào nam giới. Không phải ngẫu nhiên mà các diễn viên đóng giả được thuê hầu như luôn là nữ; ngay cả khi các diễn viên cosplay đóng vai nhân vật nam.
"Các nữ cosplayer khiến cho tôi cảm giác không sợ bị đánh giá hay quấy rối", Lin - một "cô gái mộng mơ" nói.
Các diễn viên cosplay cũng cố gắng hết sức để mang đến cho các khách hàng trải nghiệm hẹn hò thực tế nhất có thể. Nhiều người đi giày bệt, mặc đồ cơ bắp hoặc miếng đệm vai to bản để phù hợp với ngoại hình của bạn trai ảo.
Một số "cô gái mộng mơ" cho biết không giống như các hình thức văn hóa đại chúng khác ở Trung Quốc, họ cảm thấy các trò chơi cung cấp một mô hình hữu ích về một mối quan hệ lành mạnh. Theo đó, họ không mong đợi đối tác ngoài đời thực của mình đẹp trai hay thành đạt như các nhân vật trong game mà có thái độ tôn trọng nữ giới tương tự.
Xu hướng này cũng mang đến những cơ hội mới cho cộng đồng cosplay Trung Quốc. Đối với một số người, buổi hẹn hò với cô gái trong mơ là cơ hội kiếm tiền tốt.
Nhưng cũng những người cung cấp dịch vụ miễn phí, vì họ cảm thấy xúc động trước "giá trị tình cảm" mà buổi hẹn hò mang lại cho những người phụ nữ khác.
Wang, một giáo viên tiểu học đến từ tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc, bắt đầu cosplay như một sở thích khi cô còn học cấp hai. Năm nay 23 tuổi, cô vẫn giữ kín sở thích của mình vì lo lắng sẽ bị bố mẹ và bạn bè đánh giá.
"Một mặt, tôi muốn tìm thấy điều gì đó còn thiếu trong tính cách của mình thông qua những vai diễn này, chẳng hạn như sự trưởng thành. Mặt khác, tôi cũng có một ý tưởng buồn cười là giả làm một người đàn ông trưởng thành trong một ngày thì như thế nào?", Wang nói.
Nhưng theo Wang, việc cosplay các nhân vật nam trong game đòi hỏi khắt khe hơn nhiều so với cosplay thông thường.
"Một số trang phục của nhân vật không linh hoạt lắm. Là một người có chiều cao khiêm tốn, tôi phải đi đôi giày từ 7 - 8cm chiều cao. Đi bộ với đôi giày này khiến tôi cảm thấy mình giống như một nàng tiên cá", Wang kể.