Trời lạnh, người bệnh huyết áp cao cần chú ý phòng đột quỵ như thế nào?
Thời tiết miền Bắc đang chuyển lạnh, đây cũng là thời điểm gia tăng bệnh đột quỵ, nhất là ở người già, người có bệnh nền huyết áp.
TS.BS Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị khuyến cáo: Để phòng đột quỵ trong ngày lạnh, với những người có yếu tố nguy cơ cao như người mắc bệnh huyết áp cần tuân thủ y lệnh của các y bác sĩ, dùng thuốc điều trị huyết áp đúng, đủ, theo dõi chặt huyết áp trong thời tiết hiện nay.
Người bệnh nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, có thể ghi lại các chỉ số đo huyết áp các thời điểm trong ngày để tiện theo dõi.
Việc đo huyết áp có thể thực hiện đơn giản bằng các máy đo điện tử nhỏ gọn, dễ sử dụng để theo dõi tại nhà.
TS.BS Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị chia sẻ cách phòng đột quỵ cho người bệnh huyết áp:
Về ăn uống, những người có nguy cơ cần giảm các chất kích thích như: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá, đồ cay nóng… dễ kích thích tăng huyết áp.
Về vận động, trong ngày lạnh người già cũng vẫn rất cần phải vận động; nhưng việc vận động phải vừa đủ, lắng nghe cơ thể để chọn phương pháp vận động cho phù hợp. Cụ thể, buổi sáng người già không nên tập thể dục quá sớm; đặc biệt không đột ngột ra khỏi giường ấm để ra ngoài trời lạnh. Với người già, khi thức dậy cần phải tập cho cơ thể quen với nhiệt độ bên ngoài, có thể mở cửa từ từ, vận động một lúc để làm ấm cơ thể trước khi ra khỏi giường như: Xoa chân tay, vận động các khớp…
Thời điểm tốt nhất để người già tập thể dục vào buổi sáng là khi mặt trời đã lên, nhiệt độ tăng cao; tránh các trường hợp đi tập từ 4 – 5 giờ sáng dễ nhiễm lạnh đột ngột. Khi ra ngoài trời lạnh, người bệnh, người già cũng cần mang khăn, mũ, áo ấm, tập thể dục ở nơi thoáng đãng nhưng tránh gió lùa.
Bác sĩ cũng lưu ý, người có bệnh nền huyết áp cũng cần có khoảng thời gian tập thể dục hợp lý trong ngày lạnh, có thể khoảng 15- 30 phút/ngày vào buổi sáng và buổi tối; duy trì đều đặn để có sức khỏe tốt.
Các dấu hiệu để nhận biết đột quỵ não BE FAST:
B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.