Nâng ngực làm đẹp: Bất ngờ với lý do nâng ngực của mẹ đơn thân
Nâng ngực làm đẹp hiện nay được xem là kỹ thuật an toàn và các túi gel, túi ngực đều khá an toàn. Tuy nhiên, việc lựa chọn nâng ngực cần tìm hiểu rất kỹ trước khi làm.
Vòng 1 đẹp hơn cả con gái
Chị Lê Thị G. sinh năm 1983 (Thanh Xuân, Hà Nội) là bà mẹ của hai đứa con. Con lớn của chị G. năm nay học lớp 8, con nhỏ học lớp 5. Chị G. đã ly hôn được 4 năm khi chị ly hôn xong bạn bè đều thấy cuộc sống của chị luôn vui vẻ, trẻ trung hơn.
Chị G. tự nhận thấy mình dần sống cho mình hơn và quan tâm tới bản thân hơn. Chị G. và chồng yêu nhau từ hồi đại học và sau này ra trường kết hôn. Những năm đầu của hôn nhân gia đình hạnh phúc khi hai cô con gái ra đời. Nhưng sau dần, chồng chị bắt đầu ngoại tình.
Xấu hổ vì nhiều lần phải vạch áo cho người xem lưng, chị G. không muốn ba mẹ buồn vì hôn nhân nên cố gắng chịu đựng và kết quả cuối cùng ngựa quen đường cũ nên chị đã quyết định ly hôn. Ly hôn xong, chị đưa hai con về nhà mẹ đẻ. Sau đó, chị được ba mẹ cho khoản tiền và vay thêm ngân hàng mua căn chung cư nhỏ để ba mẹ con ở bắt đầu cuộc sống độc lập.
Bước ra cuộc sống ngoài hôn nhân, chị G. bắt đầu thấy cần làm mới mình, yêu bản thân mình hơn.
Đầu tiên, chị G. chỉ đi xăm mày, xăm mắt, xăm môi, chăm sóc da những thứ đơn giản của gương mặt. Đi spa tiếp xúc với nhiều người có xu hướng làm đẹp, chị G. đã bắt đầu làm từng thứ một.
Sau 1 năm, chị G. thực hiện nâng mũi, tiêm botox để làm giảm nếp nhăn và cho gương mặt đầy đặn đẹp hơn. Năm nay, chị G. chi 90 triệu đồng để thẩm mỹ ngực. Chị G. thấy đây là lần làm đẹp đau nhất vì chị không nghĩ nâng ngực sẽ đau như thế.
Sau khi được bác sĩ làm các xét nghiệm chị được đưa vào phòng gây mê. Khi tỉnh lại, chị đã thấy ngực mình được đặt áp định hình và bác sĩ cho biết đã xong. Hết thuốc, chị thấy đau vô cùng. Ai đã nói nâng ngực không đau là sai bởi vì bản thân chị trải qua hai lần mổ đẻ cũng không đau như thế. Chị G. phải dùng giảm đau cả tuần, uống kháng sinh hai tuần. Tháng đầu tiên, chị phải xin nghỉ làm vì mệt do nâng ngực và không muốn bầu ngực bị co kéo nên nghỉ ngơi để đẹp tuyệt đối.
Kết quả, sau 1 tháng nâng ngực, chị thấy được vòng 1 của mình đẹp dần lên. Bà mẹ đơn thân cảm nhận rõ lần đầu tiên mình có vòng 1 đẹp như vậy, khi con gái cũng không thể có.
Nhiều bạn bè hỏi chị không có chồng cần gì nâng ngực? Chị đều cười xòa “tôi làm để tôi ngắm, cho chính tôi”. Sau gần 4 tháng nâng ngực chị G. nhận thấy đây là quyết định đúng đắn của mình. Chị cũng thấy mình đang nghiện làm đẹp nhưng ở trong chừng mực cho phép. Chị chỉ muốn bản thân mình yêu mình nhiều hơn. 10 năm sống trong hôn nhân với đủ lo lắng, toan tính cho nhiều người, chị muốn bù đắp cho chính mình.
Những điều cần biết khi nâng ngực
TS bác sĩ Nguyễn Huy Cảnh – Phụ trách Phó chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết hiện nay xu hướng làm đẹp tăng cao trong đó có nâng ngực.
Trung bình phí nâng ngực hiện nay có đủ giá từ 40 đến 150 triệu tùy từng cơ sở y tế, bác sĩ, chất liệu, đường mổ và các dụng cụ hỗ trợ phẫu thuật.
Khi nâng ngực, bác sĩ Cảnh cho biết chị em có thể lựa chọn đầu tiên là hình thể của túi ngực hình tròn hay giọt nước, vỏ của túi ngực, phần gel bên trong túi ngực sử dụng dưới dạng nào và cuối cùng đó là phản ứng của túi ngực đó với cơ thể. Mỗi người có 1 chỉ số khác nhau khi nâng ngực bác sĩ sẽ đo trực tiếp trên ngực để có thể đưa lời khuyên để dùng loại túi nào, cần bao nhiêu, chiều cao bao nhiêu để đưa ra dung tích túi ngực phù hợp.
Khi bác sĩ làm sẽ làm sao để túi ngực hợp với hình thể, an toàn cho người đặt và nâng ngực làm sao để khi chạm vào ngực sẽ cảm giác thật nhất bởi các mô mỡ xung quanh.
Hiện nay, các túi ngực dù có đặt trong thời gian dài thì mật độ tuyến vú vẫn giữ được, nó khác với đặt túi nước biển như trước.
Theo TS Cảnh gel bên trong sẽ định hình ngực để có vòng 1 đẹp, khi vỏ túi có vỡ cũng không sợ bị thẩm thấu ra ngoài. Hiện nay các thế hệ túi ngực càng ngày càng an toàn hơn.
Tuy nhiên, khi nâng ngực để có vòng 1 đẹp thì khách hàng cần lựa chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm. Nâng ngực cũng chống chỉ định cho những người mắc bệnh tự miễn, tiểu đường, người có nguy cơ cao trong ung thư vú cũng không nên làm ngực. Khi làm ngực đưa chất độn vào có thể ảnh hưởng tới việc khám sàng lọc. Khi làm thẩm mỹ xong vẫn phải tái khám. BS Cảnh đã gặp nhiều khách hàng làm túi ngực vượt quá độ an toàn nếu không giải quyết sớm sẽ không cải thiện được hình thể ngực.