Nâng mũi nhiều ngày vẫn xuất hiện dấu hiệu này, chuyên gia cảnh báo nên đi thăm khám để tháo chất liệu ngay!
Sau nâng mũi nếu xuất hiện những dấu hiệu như sưng mọng, cảm giác bùng nhùng như có dịch bên trong... thì bạn cần đi đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ là điều không ai mong đợi, trong nâng mũi cũng vậy. Đáng nói, đây lại là dịch vụ làm đẹp rất được ưa chuộng tại Việt Nam để khắc phục nhiều nhược điểm của dáng mũi đặc trưng thấp, tẹt, đầu mũi ngắn. Thế nên không thể không có những tai biến, biến chứng trong nâng mũi. Cụ thể, trong nâng mũi, viêm, dị ứng chất liệu nâng mũi là chuyện có thể xảy ra, nhất là khi bạn làm ở những cơ sở làm đẹp không uy tín thì nguy cơ càng cao hơn nhiều lần.
ThS.BS Nguyễn Thanh Hùng (chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua có rất nhiều bạn băn khoăn, thắc mắc và inbox hỏi bác sĩ những nội dung như làm sao để phát hiện mũi bị viêm, bị dị ứng chất liệu? Khi bị viêm, bị dị ứng chất liệu như thế thì xử lý ra sao? Đó là lý do BS Nguyễn Thanh Hùng làm video chỉ ra những băn khoăn này khi nâng mũi:
BS Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ nguyên nhân và cách xử lý khi bị viêm mũi dị ứng chất liệu.
1. Viêm, dị ứng chất liệu nâng mũi là gì?
BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết, đây là phản ứng của cơ thể khi có chất liệu lạ đặt vào trong cơ thể. Lúc này, cơ thể sẽ hình thành các phản ứng để chống lại chất liệu lạ đó. Đa số những trường hợp nâng mũi có đặt sụn nhân tạo (chất liệu lạ với cơ thể) xuất hiện chất liệu lạ như mô cấy trong nâng mũi thì đó là chất liệu trơ, khá tương thích nên cơ thể có phản ứng tại chỗ, sau đó sẽ thích nghi và không đào thải. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp chiếm tỷ lệ rất nhỏ (<5%) gặp phản ứng mạnh, hình thành phản ứng viêm để đào thải dị vật ra khỏi cơ thể. Đây được gọi là mũi bị dị ứng chất liệu.
2. Viêm mũi dị ứng chất liệu có biểu hiện gì?
Đầu tiên là dấu hiệu sưng mũi kéo dài. "Bình thường sau nâng mũi khoảng 10 ngày, tình trạng sưng sẽ giảm dần nhưng những trường hợp viêm mũi dị ứng chất liệu thì vẫn cứ sưng mọng lên, sờ vào thấy bùng nhùng, cảm giác như có dịch, có nước ở bên trong, phom dáng không gom lại. Nếu sau nâng mũi 10 ngày ổn định thì phom dáng đã bắt đầu ổn định", BS Hùng nhấn mạnh.
Hai là dấu hiệu mũi bị đỏ, có thể ở đầu mũi, sống mũi hoặc toàn bộ mũi, đỏ có màu đỏ tấy tăng dần rồi như cà chua chín. Đây là phản ứng viêm tại chỗ, tương tự như mụn.
Ba là dấu hiệu mũi bị căng tức, biểu hiện là mũi sưng lên nhiều, có dịch tiết ở bên trong, gây ra cảm giác khó chịu, căng tức.
Bốn là dấu hiệu chảy dịch. Dịch viêm tìm đường ra ngoài theo những mép vết mổ, có thể dịch có màu hơi giống sôcôla, dịch mủ vàng…
3. Xử lý khi bị tình trạng viêm, dị ứng chất liệu nâng mũi
Theo BS Nguyễn Thanh Hùng, đây là những dấu hiệu cho thấy chất liệu nâng mũi không phù hợp với mình. Bạn nên tìm đến bác sĩ để thăm khám lại và xử lý loại bỏ chất liệu kịp thời. Đây là ưu tiên hàng đầu. Bác sĩ sẽ phải tháo bỏ chất liệu và làm sạch, dùng kháng sinh cho ổn định.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng mô da bị tổn thương (do can thiệp muộn) thì các bác sĩ sẽ phải cấy thêm các mô đệm trung bì tự thân để hạn chế sự co rút, nhất là ở đầu mũi, tiến hành đặt trung bì mỡ. Với những trường hợp viêm chất liệu dị ứng đến sớm, can thiệp kịp thời thì không cần đặt. Sau đó, bạn sẽ được hướng dẫn làm vệ sinh tại nhà cũng như dùng kháng sinh cho ổn định. Thông thường, sau 3-4 ngày, những trường hợp bị viêm chất liệu sẽ ổn định, mũi xẹp xuống như cũ.
4. Sau khi tháo bỏ chất liệu nâng mũi, bao giờ có thể làm lại?
BS Nguyễn Thanh Hùng khuyên, nếu những trường hợp viêm nhẹ sau nâng mũi thông thường thì bạn có thể để ngoài 3 tháng. Còn nếu những trường hợp phức tạp, để viêm lâu thì bạn có thể để ngoài 6 tháng mới nên can thiệp nâng mũi lại.
"Nếu đã có tiền sử dị ứng chất liệu nâng mũi như vậy, các bác sĩ sẽ note lại, một là đổi chất liệu nâng mũi, hai là sử dụng vật liệu tự thân để có độ tương thích cao hơn như dùng sụn sườn, hạn chế nâng bằng chất liệu nhân tạo", BS Hùng chia sẻ thêm.