Nàng 9x mách cách du lịch 8 nước Châu Âu trong 1 tháng với 60 triệu
Ấp ủ chuyến du lịch Châu Âu từ hồi còn là sinh viên, nhờ chăm chỉ làm thêm, cuối cùng đôi bạn thân Minh Vân và Huyền Trang đã thực hiện được ước mơ của mình ở tuổi 23.
Do chịu khó hỏi han kinh nghiệm từ người đi trước và săn vé rẻ, chuyến du lịch tự túc "ra tấm, ra món" đầu tiên trong đời của Minh Vân và Huyền Trang đã thành công tốt đẹp vào đầu tháng 9 vừa qua. Tính ra mỗi cô gái tốn khoảng 60 triệu đồng cho toàn bộ các khoản visa, vé may bay, ăn ở, đi lại 1 tháng ở 8 nước châu Âu.
Hành trình 8 nước của Vân và Trang gồm Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Séc, Áo, Ý, Hy Lạp.
Săn vé máy bay
Ngay sau khi nhận được visa, Minh Vân và Huyền Trang bắt tay vào săn vé máy bay giá rẻ. Sau 4, 5 ngày kiên nhẫn săn vé, họ đã mua được vé khứ hồi của AirChina với giá $700 khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh đến Paris. Nếu tính thêm tiền vé khứ hồi Hà Nội – Hồ Chí Minh thì tổng tiền vé máy bay của mỗi người là 18 triệu đồng.
Khi mua vé giá rẻ, bạn phải chấp nhận chuyển tiếp (transit) ở một hoặc nhiều nước. Nhưng cần lưu ý rằng không nên chọn thời gian transit quá ngắn (khoảng 3 đến 4 tiếng là hợp lý) vì sẽ phải làm thủ tục rồi chạy từ cửa đến sang cửa đi khá tốn thời gian. Với lịch trình của Vân và Trang, họ phải transit ở sân bay Bắc Kinh 3 tiếng.
Đi lại
Để di chuyển giữa các nước Châu Âu, có ba loại phương tiện chính là xe bus đường dài, tàu và máy bay. Nghe đi máy bay có vẻ đắt đỏ nhưng đôi khi đi máy bay trong Châu Âu giá cũng ngang đi xe bus mà lại tốn ít thời gian hơn. Nhưng đương nhiên còn tùy thuộc vào sự may mắn và nhanh tay của bạn.
Xe buýt đường dài đầy đủ tiện nghi
Bạn có thể tham khảo giá vé bằng cách truy cập vào trang goeuro.com, nhập điểm đi, điểm đến, trang này sẽ tự động tổng hợp giá của cả ba phương tiện máy bay, xe bus, tàu hỏa trên để bạn so sánh và tìm phương án tối ưu nhất. Trong hành trình của mình, 2 cô nàng lựa chọn xe bus (Flixbus, Megabus, và Eurolines...) là phương tiện chủ đạo bởi giá rẻ, trên xe luôn có điều hoà, wifi, nhà vệ sinh và đôi khi có cả ổ điện.
Có một điều thú vị là ngay cả xe bus cũng có thể săn giá rẻ bằng cách đặt vé sớm khoảng 2 tuần. Ví dụ như Eurolines, nếu đặt trước 14 ngày giá vé chỉ có 9 Euro, đặt trước từ 7-13 ngày thì giá là 19 Euro, và đặt trước dưới 7 ngày giá là 29 Euro. Do chịu khó mày mò nên Vân và Trang chỉ phải chi từ 9 đến 12 euro một chuyến xe bus đường dài thay vì mức giá từ 30 đến 60 Euro ban đầu.
Nếu bạn muốn ra đảo chơi như Santorini ở Hy Lạp, bạn sẽ cần mua thêm vé tàu với giá 32 Euro một chiều nữa.
Để di chuyển trong thành phố, phương tiện tiện lợi và hợp túi tiền nhất vẫn là phương tiện công cộng như tàu điện ngầm (metro), tàu điện trên mặt đất (tram) và xe buýt (bus). Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể tìm nhà ở gần trung tâm và đi bộ cho tiết kiệm.
Mua vé ngày sẽ tiết kiệm hơn nhiều nếu bạn thích đi lại thăm thú
Nếu chỉ định đi một, hai chuyến một ngày, bạn có thể mua vé lẻ, khoảng 2 Euro một lượt. Còn với 2 cô gái trẻ, do xác định đi khám phá thật nhiều nên họ chọn mua vé ngày với giá 7 Euro, đi bao nhiêu tuỳ thích. Có một điều cần lưu ý là vé phương tiện công cộng ra sân bay là vé riêng với giá cao hơn so với vé đi lại bình thường. Ví dụ như ở Paris mất 10 Euro từ trung tâm ra sân bay Charles de Gaulle (CDG), còn ở Bologna hay Rome mất tầm 6 Euro.
Lưu trú
Khi đi du lịch tự túc thì việc tìm nhà ở giá phải chăng là rất cần thiết. Với tiêu chí rẻ, an toàn, Vân, Trang tìm nhà chủ yếu trên hai trang Airbnb (nếu muốn ở nhà người dân) và Hostelworld (nếu muốn ở nhà dịch vụ). Do thích giao lưu và tìm hiểu văn hoá qua những cuộc trò chuyện với chủ nhà, 2 cô gái trẻ luôn ưu tiên Airbnb. Tùy từng điểm đến mà tiền phòng sẽ chênh lệch ít nhiều, nhưng tính ra mỗi người chỉ mất khoảng 20 Euro/ người/ đêm.
Giao lưu cùng các bạn chủ nhà.
Ở nhà người dân cũng là cơ hội để tự vào bếp, tiết kiệm chi phí ăn uống hàng ngày.
Do tính toán hợp lý nên trong suốt chuyến đi, mỗi cô gái chỉ tốn khoảng 600 Euro (hơn 15 triệu) tiền đi lại, trong đó có tầm 200 Euro (hơn 5 triệu) cho phương tiện công cộng. Tiền nhà ở mất thêm khoảng 600 Euro nữa.
Thăm thú các thành phố
Trong suốt 30 ngày du lịch Châu Âu, bên cạnh việc ghé qua những địa điểm nức tiếng trên thế giới như tháp Eiffel hay bảo tàng Lourve, hai cô gái trẻ thường đi bộ vô định một vòng thành phố và cứ đến quảng trường hay nhà thờ nào đó lại lôi Google Map ra tra xem đây là địa điểm nào. Cảm giác khám phá nhiều địa điểm mới rất thú vị.
Tháp Eiffel thơ mộng trong ánh hoàng hôn.
Ghé qua viện bảo tàng Lourve.
Chụp ảnh lưu niệm trước tiệm bánh nổi tiếng nhất nhì nước Pháp.
Việc thăm thú thành phố không hề đắt đỏ. Những điểm du lịch nổi tiếng thì thường được vào cửa tự do, chỉ mất công xếp hàng thôi. Các bảo tàng được người Châu Âu rất ưa thích nhưng đa phần là mất phí, do vậy nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể bỏ qua chúng.
Xếp hàng vào nhà thờ Florence
Dù đi đến đâu ở Châu Âu, bạn vẫn dễ dàng bắt gặp những nghệ sĩ đường phố tài năng và thực sự sáng tạo. Khi họ biểu diễn, người dân sẽ tặng họ một vài đồng để tỏ sự trân trọng với công sức của họ. Trong chuyến đi Vân ấn tượng nhất với anh sinh viên trường hoạ vẽ tranh trên mặt đường, nghệ sỹ múa rối ở Rome, và nghệ sỹ đàn hạc ở đồi Montmac, Paris.
Một số nghệ sĩ đường phố tài năng ở Châu Âu.
Ăn uống ở mỗi quốc gia
Ăn uống sẽ là vấn đề cần "động não" rất nhiều để làm sao có thể thưởng thức món ăn địa phương với túi tiền hạn hẹp. Trong 2-3 ngày ở mỗi thành phố, họ luôn dành 1 ngày ăn món địa phương dù đắt đến đâu. Sau đó trung thành với đồ ăn sẵn trong siêu thị hoặc mua về tự nấu nếu ở nhà người dân. Đôi khi gặp chủ nhà tốt bụng, lo luôn bữa sáng cho mình, họ sẽ tiết kiệm thêm được một khoản nữa.
Đồ ăn sẵn giá chỉ 2-3 Euro một suất.
Trong chuyến đi, 2 cô nàng đã nhanh chóng bị ẩm thực Ý với các món ăn nổi tiếng như gelato, pizza... chinh phục. Ở Ý cứ 2 mét lại có một cửa hàng gelato và cửa hàng nào cũng nườm nượp khách. Giá trung bình khoảng 2,5 Euro một viên, 3,5 Euro hai viên.
Theo lời của Vân thì "Gelato ngon, béo ngậy vị kem tươi và tan ngay khi đưa vào miệng, mỗi tội... đắt.
Pizza cũng là món đặc trưng của Ý và số lượng cửa hàng bán pizza chẳng kém gì cửa hàng gelato. Bên cạnh việc gọi nguyên chiếc (8 miếng) giá 6-8 Euro, bạn còn có thể gọi từng miếng (slide) một để có thể thử nhiều loại khác nhau cùng một lúc. Mỗi miếng lẻ giá tầm 2-3 Euro.
Đến Ý là phải ăn pizza
“Đã đến Santorini là phải ăn thử hải sản”. Đã được dặn trước vậy nên Vân và Trang cũng quyết tâm chi cho “một bữa no” ở hòn đảo đáng yêu này. Chỉ cần tầm 25 Euro một người là có thể gọi khoảng 2-3 món hải sản rồi ăn no căng vì một suất ở đây rất to. Nếu tính ra tiền Việt thì cũng rẻ tương đương hải sản ở Đà Nẵng.
Dù "nghèo" đến mấy đến Santorini cũng phải nếm thử bữa hải sản.
Tổng tiền ăn trong một tháng của mỗi cô gái chỉ khoảng 400 Euro. Khi nhìn lại, chính họ còn thấy khá ngạc nhiên vì độ "bủn xỉn" của bản thân nhưng như Vân nói: "Khi trong đầu luôn ý thức được mình sắp hết tiền thì kì diệu thay bản thân sẽ tự nhiên ăn tiêu tiết kiệm lại".
Kết: Khi hoạch toán sau chuyến đi, chính Minh Vân và Huyền Trang cũng bất ngờ về mức chi phí 60 triệu đồng/ người của bản thân (chưa tính tiền mua quà và shopping). Từ kinh nghiệm của 2 cô nàng, có thể thấy rằng, Châu Âu có đắt đỏ hay không còn phụ thuộc vào mục đích của bạn. Nếu mục đích chuyến đi của bạn là thư giãn, hưởng thụ, mua sắm thì bao nhiêu cũng sẽ không đủ. Nhưng nếu muốn có một chuyến đi để trải nghiệm, chấp nhận ăn khổ, ở khổ thì theo 2 cô nàng, bạn vẫn còn có thể giảm chi phí xuống thấp hơn nữa.
Bạn có những trải nghiệm du lịch, những địa điểm ẩm thực, quán cà phê thú vị muốn chia sẻ. Hãy gửi mail cho chúng tôi: xemanchoi@afamily.vn. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút hấp dẫn. |