Nạn nhân của đa khủng hoảng Lebanon
Một phụ nữ bị liệt đang nằm viện nhưng có khả năng sắp bị cho ra vì không có tiền trả viện phí, trong khi có nằm lại thì bệnh viện cũng thiếu thuốc, điện và cả nhân viên.
Câu chuyện này đang xảy ra ở Lebanon, là điển hình không mong muốn cho tình trạng đa khủng hoảng ở đất nước này.
Chị Liliane Cheaito nằm thở, chỉ động đậy được chút ít những ngón tay. Người phụ nữ 28 tuổi này gần như nằm im phăng phắc như thế suốt 2 năm qua. Chị đang gánh chịu hậu quả của vụ nổ xảy ra ở cảng Beirut, Lebanon, ngày 4/8/2020. Nhưng sự đau đớn của chị có thể sẽ còn nặng nề hơn, bởi chị sắp có khả năng buộc phải xuất viện.
Mắc kẹt trong một loạt các cuộc khủng hoảng đang đẩy Lebanon tới bờ sụp đổ, gia đình chị Cheaito không thể rút tiền tiết kiệm bởi ngân hàng cũng đang trong tình trạng sống dở chết dở.
Chị Nassma Cheaito - Chị của Liliane Cheaito nói: "Cô ấy thực sự đại diện cho những đau khổ của người dân Lebanon. Họ lấy hết tiền của chúng tôi, chúng tôi không được chữa trị bệnh. Lilian là đại diện cho tất cả, vì cô ấy phải chịu hậu quả của tất cả chuyện này".
Cảnh đổ nát tại cảng Beirut, Lebanon sau vụ nổ ngày 5/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Khi nhà kho ở cảng Beirut phát nổ đúng 2 năm trước, Liliane bị thương nặng ở thùy trán, khiến chị hôn mê nhiều tháng, phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Sau đó, Liliane bị liệt gần như toàn thân, chỉ liên hệ được với người khác bằng chớp mắt hoặc xoay nhẹ đầu, hay thỉnh thoảng vẫy ngón tay.
Hiện bệnh viện không còn một số thuốc chữa cho Liliane do cuộc khủng hoảng tài chính khiến họ không còn nhập khẩu được nữa. Gia đình chị Liliane cố gắng mua hàng xách tay từ nước ngoài và phải trả bằng USD, vì đồng nội tệ đã mất giá. Các chính phủ khác nhau ở Lebanon đều không ngăn được tình trạng sụp đổ tài chính trong nước.
Ông Fouad Debs - Đồng sáng lập, Liên minh Những người gửi tiền ngân hàng Lebanon bức xúc: "… Ngân hàng không cho chị của Liliane rút tiền, còn nếu cố tình muốn rút thì số tiền rút được sẽ mất 80-90% giá trị trước đây".