Ngày Thất tịch: Lễ tình nhân có ý nghĩa sâu sắc, cảm động trong văn hóa phương Đông
Ngày 7/7 âm lịch là ngày lễ Thất tịch, còn gọi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu" hay ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Thất tịch năm 2022 rơi vào thứ Năm, ngày 4/8 dương lịch.
Những năm gần đây, ngày lễ này được các bạn trẻ quan tâm rất nhiều.
* Nguồn gốc ngày Thất tịch
Lễ Thất Tịch theo văn hóa phương Đông được xem là ngày lễ tình yêu hay đôi khi còn được người phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á và được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Ngày lễ này được dựa trên câu truyện cổ tích từ Trung Quốc mang tên Ngưu Lang Chức Nữ.
Dâng trà và hoa quả ngày Thất tịch ở Trung Quốc. Ảnh: CGTN.
Tương truyền, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ, thiện lương đã dành được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.
Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.
Một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế rồi Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi.
Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang đã đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất Tịch (mồng 7 tháng 7 âm lịch) được gặp nhau một lần.
Chè đậu đỏ được coi là món ăn không thể thiếu với người cô đơn trong ngày Thất tịch. Ảnh minh họa: VOV
Ngày hội truyền thống ở Trung Quốc là dịp để các thiếu nữ cầu nguyện đất trời về những điều tốt lành trong tình yêu và hôn nhân sẽ sớm đến với mình.
Ngày lễ cũng thể hiện sự tôn kính của con người với thiên nhiên và những người phụ nữ giỏi giang. Quan niệm rằng, nếu các cặp đôi yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ vào ngày lễ Thất tịch thì sẽ được bên nhau mãi mãi.
Ngoài ra, người Trung Quốc cũng tin rằng, những người cô đơn khi ăn chè đậu đỏ trong ngày này sẽ sớm tìm được người mình yêu thương.
* Ngày Thất Tịch ở một số quốc gia
Trung Quốc
Lễ Thất Tịch và câu chuyện về Ngưu Lang Chức Nữ có nguồn gốc từ Trung Quốc nên đây được xem là ngày hội truyền thống ở nơi đây.
Ngày lễ này thường có những hoạt động diễn ra rất sôi nổi và các cô gái trẻ sẽ thường trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo và để cầu mong lấy được ông chồng tốt.
Bánh xảo quả (qiaoguo) là món ăn đặc trưng nhất cho ngày Thất tịch ở Trung Quốc. Ảnh: CGTN.
Bánh xảo quả là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ Thất Tịch của Trung Quốc, loại bánh này được làm từ các nguyên liệu như: bột mỳ, đường, mật ong và mè đen và được nặn theo nhiều hình dáng khác nhau.
Thất Tịch là một lễ hội quan trọng của người Trung Quốc. Ở Trung Quốc, ngày này còn có các tên gọi khác như ngày Khất xảo tiết, ngày Thất thư đản, ngày Xảo tịch.
Có nhiều hình thức tổ chức lễ hội trong dịp lễ Thất Tịch tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phong tục phổ biến nhất vào dịp này là vào đêm mồng 7 tháng 7 Âm lịch, những người phụ nữ cầu nguyện để có được đôi bàn tay khéo léo.
Nhật Bản
Trong ngày này, các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong lấy được ông chồng tốt. Ngày lễ Thất tịch tại Nhật Bản được gọi là lễ Tanabata.
Những mảnh giấy đa sắc màu được treo lên cành trúc. Ảnh minh họa
Vào ngày này, người Nhật sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong may mắn, vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Các bạn trẻ cũng tới các đền thờ trong ngày lễ Tanabata để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân.
Hàn Quốc
Người dân Hàn Quốc làm lễ Chilseok. Ảnh minh họa
Lễ Thất tịch ở Hàn Quốc được gọi là Chilseok. Vào ngày này, người Hàn Quốc theo truyền thống sẽ đi tắm để có sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ cũng thưởng thức những món ăn làm từ lúa mì như: bánh mì bột mì, bánh mì nướng, bánh kếp lúa mì hoặc bánh dày phủ đậu đỏ.
Việt Nam
Ở Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch còn được gọi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu". Các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt.
Ngày lễ Thất Tịch đã tồn tại trong văn hóa người Việt Nam từ khá lâu. Truyện Ngưu Lang Chức Nữ hay còn được gọi với tên khác là ông Ngâu bà Ngâu để giải thích về thời tiết Việt Nam là mưa ngâu vào tháng 7 Âm lịch.
Vào ngày này trời thường mưa, người ta gọi là mưa ngâu, mưa là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Dân gian có câu: "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền".
Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng.
Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.
Trong ngày Thất Tịch nhiều người đã kiêng kỵ cưới hỏi vì sợ gặp phải những điều không may mắn như Ngưu Lang và Chức Nữ. Thay vào đó, người ta thường đi chùa cầu duyên để cầu mong những điều tốt đẹp, sự bình an và gặp thuận lợi trong con đường tình duyên.
Ngoài ra, giới trẻ cũng thường truyền miệng nhau rằng ăn chè đậu đỏ để hi vọng tình yêu đôi lứa thêm bền vững hay người độc thân tìm được tình duyên cho bản thân.
Một số đôi nam nữ còn tặng quà cho nhau, gửi những lời chúc, hoặc vợ chồng trao nhau những món đồ đối phương thích để mong tương lai an lành.
Ngày lễ Thất tịch thường rơi vào mùa mưa, điều này gây bất lợi cho việc xây nhà hay trùng tu lại nhà cửa. Vì vậy, mọi người thường tránh thi công vào ngày này để tránh những xui xẻo không đáng có. Nhiều người sợ nếu khởi công xây dựng nhà cửa vào ngày này thì gia đình sẽ ly tán.