Năm Tuất và chuyện con chó gắn bó với đời sống của người Việt chúng ta như thế nào?
Từ rất lâu, người Việt xem con chó là loài vật gắn bó, trung thành, thông minh, nhanh nhẹn và bảo vệ người dân. Chó được xem là một trong những loài được con người nuôi dưỡng, thậm chí có tầm quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày.
Là con vật được hàng triệu gia đình yêu quý
Trong tất cả các loài vật trên thế giới, có lẽ chưa ít loài nhận được sự yêu quý của con người như loài chó. Minh chứng cho điều này là từ rất lâu gia đình Việt nào cũng nuôi bằng được một vài con chó trong nhà, thậm chí nhiều gia đình nuôi nguyên đàn chó.
Từ xưa, người dân nuôi chó với nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên với đặc tính trung thành, nhanh nhẹn, thông minh và bảo vệ gia chủ khiến loài động vật này được người dân xem như "thần giữ của" trong gia đình.
Chó là loài vật được rất nhiều người Việt yêu mến từ xa xưa.
Loài chó vốn dĩ không kén đồ ăn, thậm chí người dân nuôi chó với mục đích ăn cơm thừa canh cặn trong gia đình, thế nên với rất nhiều người thì nuôi chó gần như không ảnh hưởng đến kinh tế.
Nhiều năm gần đây, loài chó được người ta nuôi để làm thú cưng, chính vì vậy có rất nhiều loài chó từ trong nước đến nhập ngoại như: chó Phú Quốc, chó vàng, chó H’Mông, chó Lào, chó chihuahua, chó lạp xưởng/xúc xích, chó Poodle, chó Pug, chó Alaska, chó Samoyed, chó Pitbull…
Ngày nay, chó là con vật cưng.
Người nuôi những loại chó này hầu hết là những người yêu động vật nói chung cũng như loài chó nói riêng. Người đam mê nuôi các loại chó này đều xem đây là những loài thú cưng, hàng ngày những con chó được chăm sóc, tập luyện, ăn uống một cách khoa học. Thậm chí tất cả những chú chó cưng này đều có "giấy khai sinh", sổ theo dõi sức khỏe cũng như sổ tiêm phòng định kỳ.
Từ nhỏ những chú chó cưng được "khai sinh" và khám bệnh định kỳ.
Những cuộc thi của các loài chó thường xuyên được tổ chức nhằm tôn vinh những người nuôi chó tại Việt Nam. Giá trị của những con chó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thậm chí có những con có giá trị lên đến vài trăm triệu đồng…
Rất nhiều câu chuyện về loài chó cưng trung thành với gia chủ khiến không ít người cảm động. Và với rất nhiều người đây là loài động vật duy nhất được con người thương yêu, quý mến, nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo hơn bao giờ hết.
Sẽ không còn tệ nạn trộm chó nếu…
Từ rất lâu, trộm chó bị người dân xem là một tệ nạn, và mỗi năm tại nhiều địa phương tệ nạn này gây nhức nhối, căm phẫn, bức xúc với bao người dân. Tuy nhiên, theo quan điểm của Trụ trì chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (Hòa Bình), thầy Thích Trí Thịnh cho hay, nếu người dân không ăn thịt chó thì sẽ xóa sổ tệ nạn này.
Thầy Thích Trí Thịnh cho biết, tất cả các loài động vật đều bình đẳng với nhau, loài nào cũng đáng quý, đáng trân trọng.
Thầy Thích Trí Thịnh cho biết: "Với quan điểm của Phật giáo thì tất cả các con vật đều có sự bình đẳng với nhau, con vật nào cũng đáng quý, đáng trân trọng. Riêng đối với loài chó thì như chúng ta đã biết, nó có sự gắn bó với đời sống, sinh hoạt của người dân thế giới nói chung và người dân Việt Nam nói riêng qua bao đời nay.
Chó là loài vật thôi nhưng chúng rất có tình cảm, sống rất khôn và thân thiện, trung thành… với gia chủ. Thậm chí có rất nhiều câu chuyện cảm động về loài chó dám hy sinh mạng sống để bảo vệ gia chủ, bảo vệ con người trước những mối nguy hiểm. Chính vì vậy, với đời sống sinh hoạt cũng như cuộc sống loài chó cần được bảo vệ, chăm sóc và yêu thương.
Chó là loài vật thôi nhưng chúng rất có tình cảm, sống rất khôn và tinh ranh, thân thiện, trung thành.
Vị trụ trì này cũng cho biết, một bộ phận người Việt thường có thói quen sử dụng thịt của loài động vật này để làm thực phẩm, thậm chí rất xem đó là đặc sản. Chính thói quen này đã khiến nhiều tệ nạn nhức nhối trong xã hội xảy ra như nạn trộm chó. Đặc biệt, nếu tất cả người dân nói không với thịt chó thì sẽ không còn nạn trộm cắp chó gây mất an ninh trật tự cũng như vấn nạn khiến rất nhiều người dân căm phẫn trong suốt nhiều năm qua.
"Mình không thể nào mà lấy đi mạng sống của những con chó xinh xắn, đáng yêu, gần gũi, thân thiện, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ gia chủ để làm thực phẩm. Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm" - thầy Thịnh nói thêm.