Người phụ nữ chuyên giải cứu và nuôi dưỡng hàng trăm con chó ở Sài Gòn
Bất kỳ nơi nào có chó cần giải cứu, hay bị bỏ rơi ngoài đường, cô Phạm Hữu (60 tuổi, Q.10, TP. HCM) đều ra cứu và mang về nhà nuôi dưỡng, trị thương. Khi các con chó này lành bệnh, cô sẽ tìm người yêu chó để cho lại.
Và cứ như thế trong suốt hơn 5 năm qua, cô Hữu đã giải cứu, nuôi dưỡng hàng trăm con chó lang thang, bệnh tật.
Nhiều lần cô Hữu từ chối tôi vì cho rằng công việc của cô cũng chẳng có gì to tát, hàng xóm xung quanh không hiểu chuyện còn nói cô “làm việc ruồi bu”. Thế nhưng, bằng tấm lòng yêu thương loài động vật trung thành, một người bạn luôn gần gũi với con người, cô Hữu không để ý đến những lời nói ấy mà vẫn âm thầm làm tốt công việc của mình.
Nhà cô Hữu ai cũng yêu động vật, nhưng khởi điểm từ việc giải cứu chó mèo là khi con trai của cô không biết từ đâu mang về một ổ mèo con vừa mở mắt, chúng quá nhiều so với căn nhà chưa tới 10 mét vuông của cô, nhưng thương lũ mèo còn quá nhỏ, cô không nỡ bỏ. Khi những con mèo lớn dần thì nhiều người đến xin nuôi, cô có thêm niềm vui và cả sự hy vọng.
" Từ khi có người nhận nuôi mèo, tôi nghĩ rằng tôi có thể mang chó mèo vô chủ về nuôi rồi đưa các bé đến với những gia đình tử tế hơn, chứ lang thang ngoài đường vừa không có chỗ ở, lại gây nguy hiểm cho mọi người” - cô Hữu chia sẻ.
Một chú chó cô cứu được vài ngày trước tại góc đường Cao Thắng - Điện Biên Phủ (Quận 10). Chú chó hiện đang điều trị viêm tử cung, sốt cao chờ phẫu thuật. Cô nuôi nhốt để dễ theo dõi, chăm sóc và tránh không lây bệnh cho những con khác.
Nghe qua tưởng chừng công việc cô làm có vẻ nhẹ nhàng, thế nhưng khi vào cuộc mới biết đó là cả một vấn đề. Chó lang thang nhiều bệnh, lắm tật, không ai dám đến gần, lúc đó họ mới nhớ đến cô. Kỷ niệm cô nhớ nhất là lúc 10 giờ đêm, cô đến tận Lê Văn Sỹ giải cứu một con chó toàn thân hôi thối, nhiễm trùng nặng.
Mọi người ở đó đều khuyên cô cứ mặc kệ nó nhưng cô vẫn đến, vuốt ve rồi cởi áo khoác của mình, đặt chú chó vào để mang về. Lúc về nhà nó cứ nằm thoi thóp, 5 ngày liền cô kiên trì đút sữa, đút thức ăn nhưng nó chẳng thèm nhìn cô, cũng chẳng thiết ăn uống, cô mang đến bác sĩ mới biết nó bị nhiễm trùng đường ruột nặng phải truyền nước biển, uống kháng sinh, canh chừng để nó không sốt cao, cố gắng bồi bổ cho nó… Phải mất ăn mất ngủ và kiên trí với chú chó cả tháng trời, nó mới khỏi bệnh và… ăn như heo. Thế là cô đặt tên cho nó là Boorin (nhân vật trong bộ phim hoạt hình Hiệp sĩ lợn).
Chú chó Boorin khi cô Hữu phát hiện thì đang bị bệnh đường ruột nặng, nằm thoi thóp chẳng ai dám đến gần. Hiện giờ chú chó này đã lành bệnh, ra lông đẹp và rất tình cảm.
Cô Hữu ân cần: “Lúc mới mang về nó chỉ nặng 4kg, nhưng khi khỏi bệnh thì nó ăn nhiều lắm, giờ đã 8kg rồi. Nó tình cảm lắm, lúc tôi bị bệnh nằm mấy ngày, mọi người ở nhà đã đi làm hết, lâu lâu nó lại gần rồi lấy chân khều khều tôi, tôi mệt nằm im, nó lại liếm vào mặt. Đến khi tôi nói với nó “mẹ ổn mà” nó mới chịu nằm xuống dưới chân giường. Loài chó rất hiểu ý người, nó chia sẻ với chủ rất nhiều thứ”.
Hiện cô Hữu đang nuôi 2 con chó, và chăm sóc cho 2 con đang bệnh, cả 4 con đều được cô huấn luyện đi vệ sinh đúng nơi. Trong ảnh là một bé chó tên Diamond đang ngồi ngoan ngoãn để cô vệ sinh răng miệng.
Với cô Hữu, nuôi dạy chó cũng là một quá trình, không phải tự nhiên mà nó có thể hiểu mình, luôn bên cạnh mình, mà mình phải yêu thương nó trước, thông qua việc nói chuyện, nấu cho nó ăn, huấn luyện những việc nhỏ như đi vệ sinh, giữ nhà, nhận biết người quen, người lạ,… nhất là khi nó bệnh hay bị bỏ rơi, nó cần tình thương nhiều hơn nữa. Có lẽ chính vì thế mà cô không bao giờ bỏ rơi bất kỳ chú chó bệnh tật, ốm yếu nào. Có lần, con trai của bạn cô bị bệnh trầm cảm, cô tặng cho cậu bé một con chó để làm bạn, theo thời gian bé đỡ bệnh hẳn, hòa nhập lại với cuộc sống.
Giải cứu một chú chó cũng là cả vấn đề, theo kinh nghiệm của cô Hữu thì: “Trước tiên khi phát hiện một chú chó cần giúp đỡ, mình phải quan sát để biết nó có bị bệnh dại hay không, bị dại thì nhờ người có chuyên môn giải cứu, tuyệt đối không được “làm liều”. Nếu là chó thường thì nói với người dân cho họ hiểu mình không phải là trộm chó, và nhờ mọi người hỗ trợ. Phải dùng thức ăn, hoặc một hành động để dụ nó chui vào dây xích khống chế, sau đó rọ mõm để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người rồi lấy khăn quấn quanh người nó mang về. Lúc trước làm công việc này một mình, tôi cũng gặp nhiều bất tiện lắm, nhưng bây giờ tôi gia nhập nhóm Cứu trợ động vật Sài Gòn, các cháu rất có tấm lòng và nhiệt tình với chó mèo, vì thế tôi cũng đỡ vất vả hơn” .
Việc đầu tiên khi mang chó về là phải đưa nó đến cơ sở thú y để nhờ bác sĩ kiểm tra bệnh tật nếu cần cách ly và chữa trị. Tuy vất vả, bỏ công sức, thậm chí tiền của để cứu và chữa trị, nhưng nếu biết hoặc có người yêu chó xin nuôi thì cô Hữu sẵn sàng cho họ chú chó của mình.
Cô Hữu đang thực hiện lại hành động khống chế một chú chó cần giải cứu đối với Boorin(vì ở nhà không có rọ mõm nên cô miêu tả lại bằng tay) .
Lúc "cao điểm" khi có quá nhiều chó cần chăm sóc mà nhà lại chật hẹp, cô Hữu đi thuê những căn nhà khác để tiện nuôi dưỡng chúng hơn trong thời gian chờ bình phục và có chủ nhận nuôi. Cô thường gọi những nơi đó là "mái ấm".
Thế nhưng, để có được một "mái ấm" không phải là chuyện đơn giản, số lượng chó nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến những nhà lân cận bởi thường xuyên ồn ào, hết nơi này đến nơi khác lấy lại nhà nhưng cô không bỏ cuộc vì nghĩ rằng cuối cùng cũng sẽ có một nơi thích hợp cho chúng. Với những con bệnh quá nặng không qua khỏi, cô đều đưa đến Bình Hưng Hòa để hỏa thiêu. Cô nói, làm như vậy sẽ không gây ô nhiễm và chúng ra đi được nhẹ nhàng hơn.
Khi cứu được chú chó nào, cô đều ghi chép lại tỉ mỉ vì muốn chúng có một "lý lịch" rõ ràng để khởi đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Bên cạnh là tấm ảnh của Bé Nhỏ, con chó cô Hữu đã nuôi gần 10 năm nhưng bị bắt trộm mất. Tuy nó bị bắt đã lâu nhưng cô mong rằng sẽ có người giải cứu và yêu thương nó như công việc cô đã và đang làm.
Mỗi con chó bệnh tật được mang về cô đều ghi lại ngày giờ, địa điểm, hoàn cảnh khi được tìm thấy… rồi đặt cho những cái tên gắn liền với hoàn cảnh của chúng như: bé Cống bị rớt xuống cống nước phải mất hàng giờ mới cứu lên được. Bé Năm được nhận về từ bệnh viện 115, Bé Ve lúc đón về khắp người toàn ve, rận,… theo cô, làm như vậy thì khi người ta nhận nuôi, “các bé” cũng có lý lịch rõ ràng.
Đối với nạn trộm chó, và việc ăn thịt chó, cô Hữu cho rằng mình không thể cấm họ vì có người ăn thịt chó vì tò mò, có người ăn vì đó là khẩu vị của họ. Thế nhưng cô mong rằng thời gian tới những người này sẽ suy nghĩ lại, và giảm bớt khẩu phần đi, vì ăn thịt chó là khuyến khích ăn trộm chó.
Cô Hữu tâm sự: “Tôi có một ông bạn ở đường Điện Biên Phủ, ông rất cẩn thận quấn dây xích vào tay, thế nhưng bọn bắt chó giật nó trên tay ông, khiến ông té ngã và gãy cả xương vai. Tôi mong mọi người hãy cùng chúng tôi tuyên truyền, vận động để giải cứu các loài chó”.
Qua đây, cô Hữu cũng gửi lời cảm ơn đối với những người yêu thương loài chó, và những người đã hỗ trợ cô và nhóm Cứu trợ động vật Sài Gòn chi phí, cũng như gióp thức ăn, thuốc, dụng cụ cứu chữa,… để mọi người có động lực và niềm tin trong công việc giải cứu loài chó.