Nam sinh người Việt thông minh, học giỏi khiến mẹ tự hào hết mực, ai ngờ bi kịch kinh hoàng ập đến vào một buổi tối
Sơn là cậu con trai được bà Nương đặt hết kỳ vọng. Bà thường tự hào kể với mọi người về trí thông minh, thành tích học tập của con.
Cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi, là niềm tự hào của mẹ
Ông Nguyễn Thịnh và bà Nguyễn Thu Nương kết hôn ở Việt Nam và chuyển sang Mỹ, định cư ở San Diego vào năm 1983. Được biết cặp đôi có 2 con trai, con lớn tên Nguyễn Lâm Sơn, con trai út tên Hải.
Bà Nương rất tự hào về Sơn và thường khoe với mọi người về trí thông minh, thành tích học tập của cậu con trai cả. Biến cố xảy ra khi ông Thịnh và bà Nương ly hôn vào khoảng năm 2000. Hải quyết định sống với bố, còn Sơn sống với mẹ.
Được biết hồi ở Việt Nam, bà Nương từng là một dược sĩ. Có lẽ vì vậy mà bà luôn mong các con đi theo ngành Y, trở thành một bác sĩ. Tuy nhiên Hải không muốn sống theo mong muốn của mẹ. Anh không muốn trở thành bác sĩ hay dược sĩ và lúc đó đang theo học Thạc sĩ ngành Tâm lý học.
Bà Nương sau đó chuyển hết kỳ vọng sang con trai lớn. Hải từng kể lại về mẹ: "Mẹ không bình thường về tính cách. Bà muốn mọi thứ hoạt động theo cách của mình. Hạnh phúc của mẹ được chuyển thành việc đúc khuôn chúng tôi. Mẹ tin rằng nếu cố gắng sẽ có vị trí ở tầng lớp cao hơn. Mẹ gây áp lực lên anh nhiều hơn".
Được biết, Sơn đã theo học ngành Cử nhân Sinh học ở ĐH California, Irvine. Anh dành 2 năm ở trường dược ở Massachusetts. Sau đó, Sơn quyết định theo học trường y ở ĐH Ross, Caribbean.
Thời gian sau, bà Nương chuyển đến đây ở cùng con và hỗ trợ con trai về mặt tài chính. Cả hai sống tại một căn hộ gần trường đại học. Đến mùa thu năm 2008, Nguyễn Lâm Sơn được nghỉ học ở trường y và cùng với mẹ chuyển tới Garden Grove.
Phút giây mất kiểm soát của người con gương mẫu và bi kịch ập đến
Tối ngày 21/12 năm 2008, khi Sơn đang viết email thì bà Nương tới nói chuyện và hỏi con về việc tiếp tục học ngành Y. Sơn cho biết, mình muốn quay lại trường Dược để học tiếp, thay vì trường Y ở ĐH Ross. Tuy nhiên bà Nương không đồng ý. Bà muốn con phải học tiếp ở trường Y và trở nên xuất sắc hơn con một người bạn thân của mình.
Hai mẹ con cãi vã ngày càng to tiếng và khi mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, Sơn hét lên với mẹ: "Tại sao mẹ không thể để con làm những gì con muốn? Bạn thân của mẹ hay hạnh phúc của con quan trọng hơn?". Thay vì lắng nghe mong muốn của con, bà Nương lúc này lại tiếp tục thao thao bất tuyệt về chuyện Sơn phải trở thành tấm gương cho em trai, phải nghe lời mẹ,...
Trong một vài phút, Sơn dần mất kiểm soát. "Tôi đặt tay mình vào cổ họng bà và bắt đầu siết chặt", Sơn kể lại giây phút bi kịch ập đến. Sau 6-7 giây, anh bỏ đi và bà Nương bắt đầu ho. Đêm hôm đó, Sơn ra khỏi nhà và ngủ trong xe của mình. Khi trở về vào buổi sáng, anh thấy mẹ mình đã chết. Năm đó, bà Nương 71 tuổi.
Khi bị bắt, Sơn tâm sự với cảnh sát về những áp lực phải sống theo mong muốn của mẹ. "Theo văn hóa của chúng tôi, cha mẹ thường kỳ vọng con cái làm mọi thứ theo cách của họ", Sơn kể. Được biết chàng trai này chưa bao giờ hét lên với mẹ, đến tận ngày anh giết bà. Tháng 6/2010, Nguyễn Lâm Sơn bị kết án 6 năm tù.
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại vụ án của Nguyễn Lâm Sơn, cộng đồng mạng không khỏi lặng người, suy ngẫm. Sơn đã giết mẹ mình, đó là điều không thể chối bỏ. Nhưng trong vụ việc đau lòng này còn có lỗi lầm của người mẹ. Chính cách dạy dỗ sai lầm của bà Nương đã đẩy con trai bà đến bờ vực đau khổ và tước đi chính mạng sống của bà.
Thực tế không chỉ bà Nương mà còn rất nhiều bậc cha mẹ khác đang bắt con sống theo kỳ vọng của mình mà chưa từng lắng nghe xem con cần gì, muốn gì?
Kỳ vọng đôi khi gây áp lực cho con cái. Nếu cha mẹ có những kỳ vọng dành cho con thực tế và ở mức khuyến khích thì nó vô cùng tốt. Trong trường hợp ngược lại, không chỉ con trẻ mà chính cha mẹ cũng thấy mệt mỏi, áp lực. Nó còn gây ra những tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý bình thường của con.
Hãy để con tự do sáng tạo, theo đuổi mục tiêu và làm những điều mình thích. Như vậy con sẽ thành công, có cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.