Nam sinh gieo mình xuống sông khi chỉ còn 6 tháng là thi ĐH tiết lộ bi kịch của yêu thương sai cách
Gia đình đóng vai trò then chốt trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân.
Môi trường gia đình, đặc biệt là cách cha mẹ nuôi dạy và tương tác với con cái, đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách và định hướng tương lai của trẻ. Sự yêu thương, động viên và hỗ trợ từ cha mẹ không chỉ giúp trẻ tự tin mà còn góp phần xây dựng những giá trị sống và khát vọng. Ngược lại, sự thờ ơ, áp đặt hay những tổn thương trong gia đình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Ở Lan Châu (Trung Quốc) đã từng xảy ra một câu chuyện đáng tiếc như thế. Có một học sinh trung học tên là Ngụy Thiên Hoa, ở độ tuổi đáng lẽ ra phải tận hưởng tuổi trẻ và ước mơ thì cậu bé lại chọn kết thúc cuộc đời mình một cách đau lòng.
Tuổi thơ với gia đình không hoàn hảo
Ngụy Thiên Hoa là con trai duy nhất trong gia đình, luôn nhận được sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ cha mẹ.
![](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/nguyen-thi-tu-anh/2025/02/06/6efa66d6c07c4d2caf1aa917bf3ee35e.png)
Ngụy Thiên Hoa là con trai duy nhất trong gia đình, luôn nhận được sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ cha mẹ.
Mẹ cậu, Đường Vịnh Chi, quen biết chồng qua sự mai mối. Ban đầu, họ dành rất nhiều tình cảm cho nhau, nhưng áp lực của cuộc sống đã khiến những mâu thuẫn giữa họ ngày càng gia tăng. Cha mẹ cậu thường xuyên tranh cãi, thậm chí đôi khi còn xảy ra xô xát. Và tất cả đều bị Ngụy Thiên Hoa nhìn thấy. Môi trường gia đình đầy bất ổn như vậy để lại những tổn thương không thể bù đắp cho một đứa trẻ.
Cuối cùng, sau một thời gian dài tranh cãi, cuộc hôn nhân của cha mẹ Ngụy Thiên Hoa cũng đi đến hồi kết. Năm đó, Ngụy Thiên Hoa bước vào lớp 12, bố mẹ ly hôn và họ hỏi cậu chọn sống với ai. Một số người thân khuyên cậu nên sống với cha, một số khác lại khuyên nên sống với mẹ. Tuy nhiên, khi cân nhắc đến việc bản thân sắp bước vào ngôi trường mơ ước, việc chăm sóc cuộc sống hàng ngày dường như là điều quan trọng nhất vào lúc này, vì vậy Ngụy Thiên Hoa đã lựa chọn sống với mẹ.
Quyết định này khiến người mẹ vô cùng mừng rỡ, đôi khi bà còn đắc ý khoe với bạn bè: "Chỉ có mình tôi mới nuôi được con".
Ngụy Thiên Hoa chưa bao giờ để tâm đến những lời này, bởi vì đây không phải là điều cậu nên suy nghĩ đến. Đối mặt với kỳ thi quan trọng của cuộc đời, cậu chỉ biết vùi đầu vào làm bài tập mỗi ngày, gần như trong trạng thái chuẩn bị điên cuồng. Ngay cả giáo viên cũng cảm thấy thương cho cậu.
Trong thời gian này, Ngụy Thiên Hoa đã yêu cầu được gặp cha mình, nhưng lại bị mẹ từ chối với lý do "ảnh hưởng đến việc học tập cá nhân".
Áp lực học tập – Khi kỳ vọng của mẹ trở thành gánh nặng
Mỗi ngày, Ngụy Thiên Hoa đều mang trong lòng vô số lo lắng. Cậu vùi đầu vào sách vở, nhưng không hẳn vì đam mê học tập, mà chỉ là một cách để tạm quên đi áp lực. Khi kết quả kỳ thi đại học được công bố, cậu cảm thấy rất nhẹ nhõm nhưng không phải vì đỗ đạt, mà vì cuối cùng cũng có một câu trả lời rõ ràng cho những tháng ngày căng thẳng.
![](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/nguyen-thi-tu-anh/2025/02/06/2ab010ca49e84cca8944a9168d440dd9.png)
Cuối cùng, Nguỵ Thiên Hoa cũng có thể cảm thấy nhẹ nhõm sau những tháng ngày học tập căng thẳng.
Thi rớt, với Ngụy Thiên Hoa, có thể chấp nhận được. Nhưng với mẹ cậu, Đường Vịnh Chi, thì không. Bà không chấp nhận để con trai mình "thua kém" người khác, không thể để danh tiếng gia đình bị ảnh hưởng. Nếu như một số bậc phụ huynh tôn trọng lựa chọn của con, cho con quyền quyết định học lại hay chuyển hướng sang một con đường khác, thì Đường Vịnh Chi lại không để con trai có cơ hội lựa chọn. Bà lập tức đăng ký cho cậu học lại một năm mà không cần hỏi ý kiến.
Nhưng việc học lại không đơn giản chỉ là một cơ hội. Với Ngụy Thiên Hoa, đó là một cuộc sống đầy ngột ngạt. Mỗi ngày, mẹ cậu hoặc là thúc ép, hoặc là giám sát. Việc học dần trở thành một cực hình hơn là một cơ hội để tiến bộ.
Dù áp lực ngày càng lớn, Ngụy Thiên Hoa chưa bao giờ tâm sự với mẹ. Cậu hiểu rằng, dù có nói, bà cũng sẽ không lắng nghe. Cậu chỉ có thể tự nhủ bản thân phải cố gắng, vì mẹ, vì chính mình. Giáo viên vẫn thường nhắc nhở cậu: "Nếu có gì không hiểu, hãy hỏi ngay, thầy sẽ giải đáp bất cứ lúc nào". Nhưng điều mà Ngụy Thiên Hoa thực sự không hiểu, có lẽ không phải bài vở, mà là làm sao để thoát khỏi gánh nặng tâm lý này.
![](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/nguyen-thi-tu-anh/2025/02/06/85aa03153fef432182e76b83820fdf33.png)
Giáo viên rất quan tâm và luôn sẵn sàng giúp đỡ Nguỵ Thiên Hoa khi cậu cần.
Đường Vịnh Chi lo sợ con trai mình không đủ chăm chỉ và điều đó khiến bà càng siết chặt quyền kiểm soát. Ngoài việc nhắc nhở con học liên tục ở nhà, bà còn thường xuyên gọi điện cho giáo viên để hỏi về tình hình học tập của con. Thậm chí, có những ngày bà đến tận trường, đứng lặng lẽ bên cửa sổ, chỉ để chắc chắn rằng con trai mình không lơ là.
Bi kịch của tình yêu thương sai cách
Ý định của Đường Vịnh Chi là tốt, nhưng bà lại không nhận ra rằng cách kiểm soát quá mức đã khiến con ngày càng ngột ngạt. Việc bà thường xuyên giám sát con, thậm chí đến tận trường để kiểm tra, trở thành đề tài bàn tán trong lớp khiến Ngụy Thiên Hoa cảm thấy xấu hổ và ngày càng thu mình lại.
![](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/nguyen-thi-tu-anh/2025/02/06/384fbf1f8133421796548bd2299595bc.png)
Người mẹ không nhận ra rằng cách kiểm soát quá mức của mình đã khiến con ngày càng ngột ngạt.
Chàng trai muốn chia sẻ những áp lực mà mình đang chịu đựng, nhưng lại không biết nói với ai. Trong kỳ nghỉ lễ, cậu bất ngờ bày tỏ rằng mình nhớ cha. Hôm đó, ông bà cũng có mặt, và vì là dịp Tết Nguyên đán, lần đầu tiên mẹ cậu đồng ý để hai cha con gặp nhau.
Ngụy Thiên Hoa đã tâm sự hết với cha về những áp lực mình phải chịu đựng. Biết kỳ thi đại học của con trai chỉ còn nửa năm, người cha không muốn làm ảnh hưởng đến việc học của con nên quyết định sau kỳ thi sẽ bàn bạc lại với vợ cũ. Trong thời gian đó, ông cố gắng giúp con giải tỏa căng thẳng bằng cách xin nghỉ vài ngày để cùng con đi du lịch. Trước khi chia tay, ông còn đưa cho con một phong bao lì xì đỏ trị giá 1.400 nhân dân tệ (gần 5 triệu VNĐ) như một món quà đầu năm đầy yêu thương.
![](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/nguyen-thi-tu-anh/2025/02/06/32ff46280a03481f81e1acc3b0fd077a.png)
Phong bao lì xì may mắn lại trở thành ngòi nổ cho bi kịch.
Không ai ngờ rằng, phong bao lì xì này lại trở thành ngòi nổ cho bi kịch. Khi sắp xếp lại quần áo, Đường Vịnh Chi đã phát hiện ra số tiền này và ngay lập tức đến trường chất vấn Ngụy Thiên Hoa. Không còn cách nào khác, cậu đành nói thật. Khi biết số tiền do chồng cũ tặng, bà nổi giận ngay tại chỗ, quát lên: "Mẹ con chúng ta là những người thân thiết nhất trên đời, con định phản bội mẹ sao?".
Lời nói ấy như giọt nước tràn ly. Ngụy Thiên Hoa thu dọn đồ đạc, rời khỏi nhà, bước lên cây cầu đông đúc. Đứng trước dòng sông Hoàng Hà mênh mông, cậu nghĩ về sự giải thoát. Nhưng nghĩ đến cha mẹ đã nuôi mình bao năm, cậu quyết định gửi đi tin nhắn cuối cùng:
"Con thực sự muốn học hành chăm chỉ… Con yêu mẹ, nhưng kiếp sau mẹ đừng làm mẹ con nữa, con mệt mỏi quá…".
Nhưng đáp lại tin nhắn ấy, không phải là sự thấu hiểu, mà vẫn là những lời quen thuộc khiến cậu nghẹt thở:
"Con sẽ mãi là đứa con ngoan của mẹ... Mẹ sẽ cố gắng hết sức để giúp con... Thầy giáo nói rằng nếu con học…".
Ngụy Thiên Hoa buông mình xuống dòng nước lạnh giá. Không một lời chào tạm biệt, không một cơ hội quay đầu, tuổi trẻ của cậu dừng lại ở đó – đột ngột và đau đớn.
Bài học từ tình yêu đầy kiểm soát
Thảm kịch của Ngụy Thiên Hoa dường như là điều khó tránh khỏi khi phương pháp giáo dục của mẹ cậu vô tình đẩy con trai mình vào bế tắc.
![](https://media-ds.nguoiduatin.vn/media/nguyen-thi-tu-anh/2025/02/06/3901391f453d4b28bb4a18ebed15a52c.png)
Thảm kịch của Ngụy Thiên Hoa dường như là điều khó tránh khỏi khi phương pháp giáo dục của mẹ cậu vô tình đẩy con trai mình vào bế tắc.
Đường Vịnh Chi luôn nghĩ rằng bà đang làm điều tốt nhất cho con, rằng những lời thúc ép và kỳ vọng sẽ giúp con đạt được thành công. Nhưng bà không nhận ra rằng chính những áp lực ấy lại tạo nên khoảng cách giữa hai mẹ con, khiến Ngụy Thiên Hoa ngày càng rơi vào tuyệt vọng.
Mong muốn con cái thành đạt là điều tự nhiên của mọi bậc cha mẹ. Nhưng điều đáng sợ nhất là khi tình yêu thương bị biến thành sự kiểm soát. Khi những lời động viên trở thành áp lực, khi sự quan tâm trở thành ràng buộc, khi tình yêu trở thành xiềng xích - đứa trẻ sẽ cảm thấy không còn lối thoát.
Tình yêu không nên là sự áp đặt, mà cần là nguồn động viên, là sự bao dung và thấu hiểu. Hãy dạy con bằng sự kiên nhẫn, tạo động lực bằng sự tin tưởng, và nghiêm khắc trong chừng mực. Khi một đứa trẻ được lớn lên trong môi trường lành mạnh, không bị đè nén bởi những kỳ vọng quá mức, sự thành công sẽ tự nhiên đến, mà không cần phải là một cuộc chiến đầy đau đớn.
Theo Sohu