Nam sinh 16 tuổi “sợ” làm con trai, lý do hóa ra đến từ bố mẹ
Việc cha mẹ giải quyết mâu thuẫn với nhau trước mặt con trẻ có thể khiến con có những định hình về bản thân không đúng. Trường hợp của nam sinh 16 tuổi dưới đây là ví dụ điển hình.
Bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Trung tâm – Tâm lý lâm sàng Dr MP cho hay, bố mẹ nảy sinh bất đồng trước mặt con cái có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý của con. Mức độ ảnh hưởng và thời gian ghi nhớ các ảnh hưởng này sẽ phù thuộc vào sự tiếp nhận thông tin của đứa trẻ.
Bác sĩ Bách đã từng điều trị cho trường hợp nam sinh 16 tuổi do bố mẹ thường xuyên xảy ra tranh cãi khiến cho não trẻ bị ức chế kéo dài. Ngoài ra, cách sống của người mẹ cũng đã khiến nam sinh bị rối loạn giới tính.
Thời điểm nam sinh tới khám, em cho biết mình không thích là đàn ông vì lo sợ những trách nhiệm phải gánh vác.
Qua trò chuyện, nam sinh cũng chia sẻ với bác sĩ rằng ở nhà, bố là người rất tốt, chăm chỉ làm việc, còn mẹ chỉ quan tâm làm đẹp và đi chơi. Bố đi làm cả ngày nhưng về nhà vẫn bị mẹ gắt gỏng nên bố mẹ thường xuyên xảy ra cãi vã. Nhìn thấy những hình ảnh của bố mẹ, nam sinh đã tìm mọi cách để trở thành con gái vì sợ sẽ rơi vào hoàn cảnh như bố.
Theo bác sĩ Bách, nam sinh chỉ bị rối loạn giới tính ngoại sinh do tác động từ môi trường sống. Cụ thể, ở đây là cách cư xử của bố mẹ trước mặt con.
Sau một thời gian được can thiệp tâm lý, nam sinh đã nhìn nhận rõ ràng về vấn đề giới tính. Bản thân bố mẹ nam sinh cũng được tư vấn tâm lý để thay đổi cách cư xử.
Hiện nay, nam sinh đã hoàn toàn bình thường và đã đi du học nước ngoài.
Ảnh hưởng của các cuộc tranh luận của bố mẹ
Theo bác sĩ Bách, việc bố mẹ tranh luận trước mặt con cái là điều rất tệ. Đa phần trẻ sẽ bị ảnh hưởng dù đứa trẻ đó có hệ thần kinh vững hay yếu… Sự ảnh hưởng này sẽ nằm bên trong đứa trẻ một khoảng thời gian nhất định.
Đặc biệt, với những đứa trẻ trong độ tuổi từ 12-16, đây là lứa tuổi trẻ đang định hình về nhân cách, tính cách, tư duy sống. Việc chứng kiến bố mẹ tranh luận, lời qua tiếng lại với nhau là điều không hề tốt vì có thể ảnh hưởng tới tư duy của trẻ.
Theo bác sĩ, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý từ cách cư xử của bố mẹ thường sẽ có 5 biểu hiện cụ thể:
- Thứ nhất, đứa trẻ có thể có biểu hiện tránh né. Trẻ sẽ thu rút về không gian riêng và cha mẹ sẽ mất kết nối với con.
- Thứ hai, trẻ phản kháng tiêu cực do mất niềm tin vào bố mẹ. Trẻ sẽ luôn cho mình là đúng, không tôn trọng hành vi, cách cư xử của bố mẹ.
- Thứ ba, trẻ sẽ định hình cuộc sống theo hình tượng mà trẻ thấy từ bố, mẹ. Ví dụ, trẻ sẽ dựa theo cách cư của mẹ với bố ra sao để định hình nhân cách giống mẹ và học theo cách mẹ cư xử với cuộc sống.
- Thứ tư, trẻ có thể bị rối loạn cảm xúc khi nhìn thấy cách cư xử không đúng mực của bố mẹ. Biểu hiện này có thể nặng hơn ở những đứa trẻ mắc sẵn rối loạn cảm xúc, phổ tự kỷ.
- Thứ năm, ở một số trẻ mất niềm tin với gia đình và bị mất niềm tin với chính bản thân mình. Một số trường hợp nghiêm trọng trẻ có thể tự gây hại cho sinh mệnh của mình.
Theo bác sĩ Bách, những đứa trẻ sống trong gia đình hòa thuận sẽ có được nguồn năng lượng tốt. Cha mẹ sẽ là hình mẫu, là mặt tinh thần cho trẻ trong một khoảng lứa tuổi nào đó. Điều này sẽ là nền tảng giúp trẻ có thể vượt qua được những thách thức hoặc những vấp ngã trong cuộc sống.
Ngược lại, khi trẻ sống trong một gia đình bố mẹ bất hòa. Áp lực cuộc sống của trẻ sẽ được tích lũy trong khoảng từ 5-6 năm và khi trẻ qua ngưỡng 12 tuổi, trẻ có thể bùng phát những đợt rối loạn tâm lý. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ dễ cãi bố, cãi mẹ, thích sống theo ý mình. Khi ở nhà trẻ sẽ sống bằng 1 nhân cách và khi ra ngoài trẻ sẽ sống bằng một nhân cách khác.
Theo chuyên gia tâm lý khi các bậc cha mẹ phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống, cha mẹ nên ngồi lại nói chuyện với nhau một cách tử tế và không nên tranh luận, cãi vã trước mặt trẻ vì điều này sẽ tạo ra những gì ảnh không tốt trong mắt trẻ.