“Năm nay không biếu nổi bố mẹ 10 triệu tiêu Tết”
Tết đến kéo theo biết bao nỗi lo chi tiêu trong gia đình.
“Vợ chồng đi làm xa nhà nên mình luôn nghĩ nếu kiếm được thì sẽ biếu Tết bố mẹ hai bên nhiều một chút. Cả hai nhà nội và ngoại đều biếu Tết bằng nhau.
Nhưng biếu Tết bao nhiêu còn tùy thuộc vào kinh tế của gia đình trong năm. Năm nào mình làm được nhiều thì biếu nhiều. Nếu làm được ít thì biếu ít rồi mua thêm quà cáp. Không nên vì một cái Tết mà khiến bản thân không thoải mái, bố mẹ cũng mất vui. Một tháng Tết bằng chi tiêu 3-4 tháng thường, nên mình phải suy nghĩ thoáng đi thì mới không căng thẳng”, Vũ Thuỷ (28 tuổi, làm nội trợ) chia sẻ. Năm nay, gia đình Thuỷ chỉ có thể biếu bố mẹ hai bên nội ngoại là 3 triệu/bên. Vì Thuỷ đang nghỉ sinh và vợ chồng còn tích góp tiền mua nhà.
Trong khi đó, Minh Nguyệt (27 tuổi, bán hàng online) cũng cho rằng: “Biếu Tết nội ngoại tùy theo khả năng của mình. Năm ngoái và năm nay mình đều biếu ông bà là 2 triệu/bên. Nhưng ông bà cũng thông cảm, còn không lấy và bảo vợ chồng con giữ lại còn sắm Tết. Nói chung, bạn đừng quá áp lực nếu vì kinh tế khó khăn mà không thể biếu bố mẹ nhiều. Nếu Tết đến mà bạn không có kinh tế thì ngày thường hãy hỏi thăm, quan tâm ông bà nhiều hơn”.
Đã kết hôn nhưng biếu Tết bố mẹ còn không bằng thời độc thân
Thuỷ chia sẻ, khi còn độc thân, có năm cô biếu Tết bố mẹ 1 chỉ vàng, có năm biếu họ 5 triệu. Thời điểm này, Thuỷ không mang nhiều gánh nặng tài chính, nên có bao nhiêu tiền, cô có thể tặng gần hết cho bố mẹ. Nhưng sau khi kết hôn và nghỉ sinh, cô đành ngậm ngùi tính toán với cả số tiền Tết dành để biếu bố mẹ. Vì khác với thời chưa lấy chồng, Thuỷ còn gánh nặng lo toan Tết cho gia đình nhỏ của mình.
Thuỷ chia sẻ về tình hình tài chính trong năm nay: “Nhà mình giờ chỉ sống dựa vào lương cố định của chồng là khoảng 18-22 triệu/tháng. Mình nghỉ sinh ở nhà nên không có nguồn thu nhập. Mỗi tháng mình đã tốn 5 triệu thuê nhà rồi nên cuối tháng, số dư trong tài khoản không còn bao nhiêu. Nếu có dư tiền, hai vợ chồng sẽ gửi tiết kiệm để mua nhà”.
Là vợ chồng trẻ, chuẩn bị sinh con trong khi tài chính chưa ổn định nhưng vợ chồng Thuỷ vẫn cố gắng quan tâm đến bố mẹ hai bên: “Từ khi nghỉ sinh, trong tháng bình thường, mình biếu bố mẹ đồ lặt vặt với chi phí trung bình 1 triệu/1 bên, nên cả năm sẽ mất khoảng 30 triệu. Cái này chưa tính tiền vợ chồng mình chi đi đám giỗ, sinh nhật, ốm đau bệnh tật,... của bố mẹ.
Khi mình còn đi làm, trong tháng bình thường, vợ chồng biếu 2 triệu/1 bên (Mình không mua quà nữa mà gửi tiền mặt). Tổng cộng, mình dành 54 triệu để biếu bố mẹ trong 1 năm. Biếu Tết hai bên là tiền thưởng cuối năm của vợ, khoảng 12 triệu”.
Trong khi đó, Minh Nguyệt chia sẻ năm nay con ốm đau bệnh tật nên tài chính của hai vợ kchồng vô cùng bấp bênh. Dù đã cố gắng vun vén khéo nhưng cặp đôi chỉ có thể biếu bố mẹ chút tiền và mua sắm đồ lặt vặt trong nhà. Cô nàng quan niệm, giờ bố mẹ hai bên vẫn khoẻ mạnh và làm ra tiền, nên Minh Nguyệt có thể biếu Tết phụ huynh ít hơn so với bạn bè. Những năm tiếp theo khi vợ chồng có tài chính tốt hơn sẽ tăng dần mức chi tiêu dành tặng Tết cho bố mẹ.
“Nhà mình về hàng tháng thì thỉnh thoảng cho bố mẹ hai bên vài ba triệu. Năm nay, tài chính trong nhà vất vả hơn, mùa Tết mình còn chi cho nhà cửa, con cái và xe cộ. Tết về quê, mình chỉ biếu ông bà hai bên là 2 triệu, mua thực phẩm và đồ thờ cho nhà nội là 3 triệu, biếu riêng nhà ngoại 1 triệu để chủ động mua sắm Tết. Nhìn bạn bè biếu được Tết cho bố mẹ nhiều thì mình cũng chạnh lòng. Nhưng mình vẫn tự nhủ là vợ chồng cần biết cân đối tài chính phù hợp với gia đình. Nhưng năm nay vất vả thì cố gắng những năm sau dư dả sẽ biếu bố mẹ nhiều hơn”, Minh Nguyệt nói.
Vợ chồng tài chính khó khăn thì chuẩn bị tiền nong đón Tết thế nào?
“Kể ra 5 năm mới có 1 lần Tết thì còn tốt. Chứ mỗi năm đến Tết là mình sợ luôn. Ăn thì cũng chẳng hơn ngày thường là mấy nhưng 7 ngày Tết thì tiêu bằng 3 tháng ngày thường”, Thuỷ tâm sự khi một mùa Tết nữa lại đến. Tuy nhiên, dẫu có nhiều lo lắng thì cô và chồng đã cố gắng cân đong đếm để tránh đau đầu với những khoản cần chi.
Thuỷ chia sẻ, năm nay cô dự định dành tối đa 35 triệu để chi tiêu cho mùa Tết. Trước đó, từ khoản thu nhập hàng tháng, cô sẽ trích một khoản nhỏ, gom để tiêu Tết mà không cần tiêu vào tiết kiệm.
“Mỗi tháng, mình bỏ ra một chút cho khoản tiêu Tết. Có tháng, mình chỉ bỏ ra vài trăm ngàn nhưng cũng có tháng mình góp được vài triệu. Cứ tích lũy dần thì đến cuối năm, chúng mình có một khoản để tiêu Tết cho gia đình nhỏ và mua đồ tặng bố mẹ. Những năm trước, mình có tiền thưởng Tết từ công việc thì sẽ dùng để biếu riêng bố mẹ”, Thuỷ cho hay.
Còn về phía Minh Nguyệt, cô chia sẻ hàng tháng gia đình cũng dành khoảng 20% cho quỹ tiết kiệm. Tiền tiêu Tết năm nay của gia đình cũng lấy từ quỹ này.
Do kinh tế khó khăn nên dịp Tết sắp tới, nhà cô chỉ dành 16 triệu để chi tiêu: “Mình dành 2 triệu để mua quần áo Tết, bắt xe lên ngoại là 1 triệu. Tiếp theo, mình dành 4 triệu để biếu bố mẹ 2 bên, 3 triệu để mua thực phẩm cho nhà nội, 1 triệu biếu nhà ngoại để mua bánh kẹo và ít hoa về cắm. Còn lại là mình chi 5 triệu để làm lì xì”.
Kinh tế khó khăn nên giữ được mức thu nhập ổn định theo từng năm hay không còn là điều khó nói với nhiều người. Cũng vì thế Minh Nguyệt cho rằng khi bạn còn dư dả, kiếm được nhiều thì hãy biếu bố mẹ thật nhiều. Vào năm kinh tế suy thoái, trong nhà còn phát sinh bao nhiêu vấn đề thì bạn sẽ bớt trăn trở khi không thể đem về cái Tết sung túc cho phụ huynh.