Mẹ Hà Nội từng tiêu Tết hết 130 triệu nhưng chưa bao giờ mua đào, quất và sẽ không bao giờ chi cho khoản này!
Đào, quất hay cây cảnh chơi Tết chưa bao giờ nằm trong kế hoạch chi tiêu Tết của bà mẹ này.
Việc mua sắm cây cối để trang trí nhà cửa ngày Tết là một phần của truyền thống văn hóa Việt Nam, giúp không gian sống thêm phần sinh động và tươi mới, đồng thời mang lại không khí của một năm mới đầy hy vọng và may mắn.
Thị trường cây Tết thường trở nên sôi động và nhộn nhịp trước dịp Tết Nguyên đán. Các loại cây cảnh, hoa kiểng được người dân tìm mua nhằm trang trí nhà cửa và mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng. Các gian hàng, chợ hoa, chợ cây cảnh mọc lên khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, người bán lẫn người mua đều tất bật, hối hả.
Các loại cây Tết phổ biến như cây quất, đào, mai, cúc, lan, và các loại cây phong thủy như cây lưỡi hổ, vạn niên thanh, phát tài... đều có sức mua lớn. Mọi người thường chọn cây theo phong thủy, sở thích cá nhân hoặc truyền thống địa phương. Giá cả cũng biến động theo cung cầu và có thể tăng lên đáng kể so với ngày thường.
Nhiều người còn coi chọn mua cây cảnh Tết là một hoạt động văn hóa, tượng trưng cho việc đón nhận may mắn và khởi đầu mới cho năm sắp tới.
Tuy nhiên, gia đình của chị Trúc Anh (38 tuổi, sống tại Hà Nội) thì lại nằm ngoài cuộc chơi này.
Chị Trúc Anh cho biết, từ khi còn nhỏ đến lúc lớn và hiện tại đã lập gia đình và là mẹ của 2 con nhỏ, mỗi lần Tết về nhà chị chưa bao giờ có đào, mai, quất hay bất kỳ loại cây, hoa cảnh nào.
Quan điểm chi tiêu Tết của chị khá rõ ràng, với chị mọi khoản mua sắm đều phải thiết thực và có mục đích rõ ràng, hợp lý và thực tế. Ngoài ra những thứ chưa xác định được mua về để làm gì thì chị sẽ không chi tiền.
"Nhà tôi không mua đào quất cũng không thuê cây cảnh từ khi tôi còn rất nhỏ. Đến khi lớn lấy chồng thì ông bà nội bọn trẻ cũng không có đam mê với cây cối. Sau này vợ chồng con cái chúng tôi ra ở riêng thì lại càng không có và nếu như không có gì thay đổi thì đây sẽ là khoản mà sau này tôi cũng sẽ không chi vào mỗi dịp Tết đến xuân về".
Sẵn sàng mua sắm rất nhiều cho Tết nhưng nhà chị Trúc Anh lại không mặn mà với cành đào cây quất. Đã có năm chị chi đến 130 triệu để đón Tết nhưng trong nhà vẫn không hề có đào, mai, quất.
Tết năm 2023, gia đình chị Trúc Anh đã chi đến 130 triệu bao gồm cả tiền sửa chữa lại phòng khách để đón Tết. Các khoản chi của Tết năm đó cụ thể như sau:
Khoản chi cho nhà cửa
1. Sửa phòng khách: 40 triệu đồng
2. Mua sắm nội thất mới: 30 triệu đồng
3. Đồ decor (thảm, quạt giấy size khổng lồ, đèn trang trí...): 10 triệu đồng
Khoản chi cho thực phẩm
1. Đồ ăn: 10 triệu đồng
2. Đồ bày ban thờ: 5 triệu đồng
3. Đồ uống: 3 triệu đồng
4. Bánh kẹo, đồ tiếp khách: 3 triệu đồng
Khoản chi trong Tết
1. Biếu bố mẹ 2 bên: 10 triệu đồng
2. Mừng tuổi: 5 triệu đồng
3. Du xuân: 10 triệu đồng (đi lễ, đi chơi Tết...)
Phát sinh: 4 triệu đồng
Các năm không có khoản chi cho việc sửa phòng khách đón Tết thì chi tiêu Tết của nhà chị Trúc Anh dao động từ 30 triệu cho đến 50 triệu đồng.
Mỗi gia đình có một quan điểm và sở thích chi tiêu cho Tết khác nhau, tuy không chi cho cây cảnh Tết nhưng nhà chị Trúc Anh lại chi khá nhiều cho việc mua đồ bày biện ban thờ ngày Tết. Với gia đình chị, ban thờ đầy đặn, đẹp mắt, chỉn chu mới là điều mà chị và cả nhà quan tâm, chú trọng nhất.