Năm đầu làm dâu, tôi rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” thế này khi đi chúc Tết họ hàng, mừng tuổi các cháu
Sang nhà ai cũng gặp rất nhiều trẻ con, tập tiền mới đổi để mừng tuổi hết veo sau ngày đầu tiên đi chúc Tết họ hàng.
Tôi mới kết hôn được gần 2 tháng. Năm đầu về làm dâu, theo tục lệ của quê chồng là hai vợ chồng tôi phải đưa nhau đi chúc Tết họ hàng và nhận họ.
Mẹ chồng chuẩn bị cho chúng tôi đầy đủ quà cáp để đi biếu từng nhà cô, dì, chú, bác, họ hàng nội ngoại. Mẹ cũng dặn tôi nếu gặp người già và trẻ nhỏ thì nhớ mừng tuổi cho mọi người lấy may.
Vâng lời mẹ, tôi đổi sẵn 4 triệu tiền mệnh giá 50 nghìn đồng mới cứng để mừng tuổi.
Sáng mùng 1, hai vợ chồng tôi bắt đầu đi chúc Tết họ hàng. Thế nhưng, một sự cố bất ngờ đã xảy ra với tôi.
(Ảnh minh họa)
Ở quê nhà tôi, ngày mùng 2 Tết mọi người thường bắt đầu hóa vàng tụ tập ăn uống lần lượt ở từng nhà. Để chuẩn bị cỗ, mọi người thường sang nhà nhau giúp đỡ mỗi người một công một việc rất đông vui. Trẻ con thì hào hứng nô đùa chạy khắp sân.
Sang chơi nhà họ hàng, sau vài câu hỏi thăm thì tôi cũng bắt đầu thủ tục mừng tuổi cho các em, các cháu. Tuy nhiên, khi tôi vừa rút tập tiền ra để mừng tuổi thì cả đám trẻ con ở trong sân cũng chạy vào để nhận lì xì. Đứng trước hoàn cảnh trớ trêu này, tôi đành phải mừng tuổi hết lũ trẻ đông như lớp mẫu giáo.
Họ hàng nhà chồng tôi thì đông, đi qua 9, 10 nhà thì mất 6, 7 nhà gặp phải cảnh đông vui kể trên. Thế là đi chúc Tết xong, tập tiền mừng mới của tôi cũng gần hết dù trước đó tôi còn tính số tiền này đủ cho tôi mừng tuổi các cháu bên nhà ngoại cũng như con của các anh chị đồng nghiệp.
Về nhà, tôi thật thà kể chuyện với mẹ chồng, bà cười lớn bà bảo: "Mẹ quên không nhắc con đổi tiền mệnh giá nhỏ hơn, khoảng 20 nghìn chẳng hạn. Chuyện mừng tuổi chỉ là tượng trưng để đem lại may mắn cho mọi người thôi, sang năm rút kinh nghiệm".
Mặc dù cũng hơi "xót" tiền nhưng dù sao, tôi thấy đó cũng là một câu chuyện vui, đem lại tiếng cười trong ngày Tết.