Năm 2019: Việt Nam có hơn 96 triệu người, chiếm giữ vị trí thứ 15 trên thế giới về dân số
Theo thống kê, tính đến 0h ngày 1/4/2019, dân số Việt Nam đạt 96.208.984 người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, Philippines. Đặc biệt, mật độ dân số ở Hà Nội và TP.HCM không ngừng gia tăng.
Sáng 11/7, Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Tại Hội nghị trực tuyến, Ban chỉ đạo đã công bố kết quả về tình hình dân cư, nhà ở… của Việt Nam tính đến 0h ngày 1/4/2019.
Hội nghị trực tuyến kết nối với các tỉnh thành về thống kê dân số
Tổng dân số Việt Nam vào thời điểm 0h ngày 1/4/2019 là 96,208,984 người, trong số đó dân số nam là 47,881,061 người (chiếm 49.8%) và dân số nữ là 48,327,923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).
Mật độ dân cư tăng nhanh khiến các tòa nhà xây dựng cũng dày đặc.
Thành phố Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2,398 người/km2 và 4,363 người/km2.
Cũng theo công bố, hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%).
Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh từ 63,2% năm 1999 lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% vào năm 2019.