Na Uy - quốc gia dẫn đầu toàn cầu về quản lý thủy hải sản bền vững
Na Uy là nước xuất khẩu hải sản lớn thứ hai trên thế giới, cung cấp thủy hải sản cho 37 triệu bữa ăn hàng ngày của 150 quốc gia trên toàn cầu. Vì vậy, việc quản lý tài nguyên bền vững và có trách nhiệm là nhiệm vụ cốt lõi của ngành công nghiệp thủy sản Na Uy.
Theo đánh giá của Hội đồng Hải sản Na Uy, nước này quản lý nghề cá theo cách tiếp cận toàn diện, quan tâm tới hệ sinh thái và hướng tới bền vững. Cách tiếp cận này được thể hiện ở 6 khía cạnh cụ thể:
Bảo vệ nguồn thủy hải sản bằng luật pháp
Trong những năm 1980, Na Uy đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghề cá nghiêm trọng. Hai trong số các nguồn cá quan trọng nhất của Na Uy đã gần cạn kiệt. Đó là cá tuyết Đông Bắc Bắc Cực (được gọi là skrei) và cá trích Na Uy (Herring). Tình hình này buộc Na Uy phải đưa ra một đạo luật mới để bảo vệ cấp thiết nguồn thủy hải sản tự nhiên. Hiện tại, đạo luật này được gọi là Đạo luật Tài nguyên Biển (The Marine Resources act) và đã được liên tục bổ sung để đảm bảo quản lý bền vững và hợp lý về mặt kinh tế đối với nguồn hải sản Na Uy hiện tại và trong tương lai.
Để tạo nền tảng thực thi đạo luật này, Viện Nghiên cứu Biển Quốc gia Na Uy (The National Institute of Marine Research), Cơ quan Khảo sát Địa chất Na Uy và Cơ quan Bản đồ Na Uy đã cùng phối hợp thực hiện chương trình MAREANO và các hoạt động khoa học khác để đánh giá tình trạng của vùng biển Na Uy, sự phân bố của hệ động thực vật, sự đa dạng sinh học, phát hiện các chất gây ô nhiễm và từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng ven biển và đại dương của Na Uy.
Ví dụ, tình trạng rác thải nhựa ngoài khơi Na Uy đã được dự án đánh giá hệ sinh thái chung Nga – Na Uy ghi nhận từ năm 2010 và được Viện nghiên cứu biển Na Uy quan tâm trong hơn 10 năm qua.
Duy trì nghiên cứu và thống kê nguồn lợi thủy hải sản
Na Uy dành rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để thu thập dữ liệu cần thiết, từ đó, thiết lập chính xác hạn ngạch đánh bắt hàng năm một cách có trách nhiệm. Viện Nghiên cứu Biển Quốc gia Na Uy là đơn vị thực hiện công việc này hàng năm trước mỗi mùa đánh bắt, trong chuyến tiền trạm trên biển.
Mỗi năm, Viện Nghiên cứu Biển Quốc gia Na Uy đều triển khai một số chuyến đi nghiên cứu thực địa để theo dõi, khảo sát điều kiện môi trường của các vùng biển và phân tích sự thay đổi của các nguồn cá khác nhau. Từ những phát hiện này, Viện nghiên cứu Biển đưa ra khuyến nghị cho hạn ngạch đánh bắt thủy hải sản.
Tiếp đó, Hội đồng Quốc tế về Khám phá Biển (ICES - International Council for Exploration of the Seas) cũng sẽ sử dụng những dữ liệu này để đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia ven biển vào trước mỗi mùa đánh bắt.
Trước mỗi mùa đánh bắt tự nhiên, các nhà máy cá Na Uy cũng như người mua trên toàn thế giới đều ngóng tin hạn ngạch. Hạn ngạch cho phép họ dự tính giá đấu thầu từ ngư dân, giá mua bán tại nhà máy, và giá xuất khẩu. Họ cũng ghép hạn ngạch của Na Uy với các nước khai thác cùng loại hải sản tự nhiên trong mùa đó để điều tiết điểm mua, cử người đến kiểm hàng, và đàm phán giá giữa các nhà máy từ các quốc gia khác nhau.
Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản
Việc thu thập dữ liệu và nghiên cứu kỹ lưỡng nguồn tài nguyên biển cũng giúp Na Uy có thể bảo vệ thế hệ thủy hải sản non không bị đánh bắt và có đủ thời gian để trưởng thành. Cách tiếp cận này rất có ý nghĩa với hệ sinh thái và sẽ liên tục duy trì được lợi ích kinh tế trong tương lai. Tổng cục Thủy sản Na Uy cũng tiến hành đánh bắt thử nghiệm nhằm xác định những khu vực nào nên được đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định để các loài đẻ trứng, sinh trưởng và phát triển, cũng như bảo vệ các sinh vật dễ bị tổn thương khác của hệ sinh thái, ví dụ như san hô.
Trước mùa đánh bắt khoảng một tháng, tàu khoa học của Viện Nghiên cứu Biển sẽ ra khơi tiền trạm, đánh bắt thử nghiệm để đánh giá trữ lượng đàn cũng như xác định hướng di cư của đàn trong mùa đó. Nhiều nội dung quan trọng cũng sẽ được các tàu khoa học quan tâm đến như ngôn ngữ của các loài dưới đại dương, cách thức các loài tương tác với nhau, tiềm năng và tác hại của các loài mới, sự ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và nhiều hoạt động của con người tới hệ sinh thái biển…. Các thông tin và phân tích từ tàu khoa học sẽ là chỉ báo cho các tàu đánh bắt, đến đúng vùng nước có đàn cá, và giăng lưới.
Ví dụ, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nước biển ấm lên, các loài sinh vật tại vùng biển Na Uy, từ sinh vật phù du đến các loại động vật như cá, hải cẩu, cá voi và chim biển đang di chuyển về phía bắc. Theo đó, quá trình phát triển, phân bố và di cư của tất cả các nguồn cá chính, như cá thu (mackerel), cá lăng xanh, cá trích, cá tuyết và cá capelin đều đang thay đổi. Hiện tại, cá thu di cư xa hơn về phía tây và phía bắc vào mùa hè, trong khi cá tuyết đi xa hơn về phía bắc và phía đông.
Quy định cụ thể về việc đánh bắt
Na Uy đã thực hiện nhiều bước đi trong hơn 3 thập kỷ qua để giảm số lượng các sinh vật không mong muốn khác bị đánh bắt ngoài mục tiêu đánh bắt chính. Nước này đã đưa ra các quy định cụ thể về phân loại kích thước lưới, mắt lưới, móc câu đối với các loại sinh vật và cũng để đảm bảo rằng các con non có thể thoát bẫy. Ví dụ, Na Uy quy định chung kích thước mắt lưới hợp pháp tối thiểu của cửa lưới là 16mm và tối đa là 40mm tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này và 35mm tại vùng đặc quyền kinh tế của châu Âu. Hay với cá trích và cá thu, Na Uy cũng quy định không được sử dụng lưới thoát nước (drainage grids )và lưới dạng thùng kín (graders).
Nói không với thả các loài đánh bắt phụ trở lại biển
Dù đã sử dụng các thiết bị đánh bắt mới và được cải tiến, vẫn khó có thể loại bỏ hoàn toàn việc đánh bắt nhầm các loài không mong muốn. Và tại Na Uy, khi đã đánh bắt nhầm, người dân bị cấm thả các loài này về biển. Việc thả các sinh vật đã chết hoặc bị phân hủy (sau một thời gian dài bị đánh bắt) trở lại biển là một sự lãng phí, đồng thời khiến việc đánh giá tình trạng của các vùng biển trở nên khó khăn hơn. Khi một số lượng lớn các loài thủy hải sản đã chết bị thả về biển có thể khiến đại dương ô nhiễm và đe dọa môi trường sống của nhiều loài khỏe mạnh khác.
Trước tình hình này, ngày từ năm 1987, Na Uy đã đưa ra lệnh cấm thả một số loài thủy hải sản không mong muốn sau quá trình đánh bắt trở về biển. Khởi đầu với quy định cấm thả cá tuyết, cá haddock, sau đó mở rộng với nhiều loài khác như cá thu, cá trích, cá bơn Greenland, cá quỷ, tôm…
Phối hợp nhiều cơ chế kiểm soát ngành thủy hải sản
Na Uy đang áp dụng cách tiếp cận đa ngành để đảm bảo các chính sách thủy hải sản được tuân thủ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy dành khoảng 70% nguồn lực của mình để đảm bảo các hoạt động đánh bắt được thực hiện vào đúng thời điểm, đúng khu vực và với các thiết bị phù hợp. Mỗi năm, Lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy thực hiện hơn 1800 cuộc kiểm tra các tàu cá, cả của Na Uy và nước ngoài, đánh bắt trong vùng biển nước này. Các tàu có kích thước dài trên 24m (15m đối với các tàu của EU) được yêu cầu mang bộ thu phát sóng vệ tinh để lực lượng an ninh có thể theo dõi hoạt động của chúng 24 giờ một ngày quanh năm.
Tổng cục Thủy sản cũng thường xuyên kiểm tra tàu cá cả trên biển và khi đã cập cảng. Khi phát hiện các hành động đánh bắt trái phép, các chủ tàu có thể bị kiện ra tòa án.
Như vậy, với phương pháp quản lý thủy hải sản quan tâm tới hệ sinh thái, Na Uy là một trong những nước đi đầu về tính bền vững trong nhiều thập kỷ và đang truyền cảm hứng cho việc triển khai luật và các chính sách bảo vệ thủy hải sản ở nhiều quốc gia khác.
Nhãn hiệu "Seafood from Norway" (Hải sản từ Na Uy) là chỉ báo địa lý quốc gia cho đẳng cấp hải sản Na Uy.
Nhãn hiệu có kiểu chữ đơn giản và mạnh mẽ; phản ánh cách mà biển, núi, và bầu trời kết nối dọc theo bờ biển Na Uy. Các nhà máy hải sản Na Uy nói chung và nhà máy cua Hoàng đế Na Uy nói riêng đều rất tự hào in nhãn hiệu này bên cạnh thương hiệu của mình.