Mỹ: Starbucks bị kiện vì thức uống trái cây... không có trái cây
Thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể từ các khiếu nại cho rằng một số loại trong danh mục đồ uống trái cây Refresher của họ thiếu thành phần chính là trái cây.
Theo hãng tin Reuters, Thẩm phán quận Manhattan John Cronan đã bác bỏ yêu cầu của Starbucks phủ nhận 9 trong số 11 khiếu nại. Theo vị thẩm phán này, việc người tiêu dùng kỳ vọng nhìn thấy của loại quả có trong tên đồ uống xuất hiện bên trong sản phẩm là hợp lý.
Trước đó, một số người khách hàng của Starbucks đã bức xúc khi các loại đồ uống như nước chanh thanh long xoài, nước thanh long xoài, nước chanh dứa, nước chanh dây dứa, nước chanh dâu không chứa các nguyên liệu xoài, chanh dây hoặc dâu như quảng cáo.
Theo đơn kiện từ các khách hàng tại Astoria, bang New York và Fairfield, bang California, thành phần chính trong những loại nước này là nước, nước ép cô đặc và đường. Tuy nhiên, mức giá cho những loại đồ uống này theo các nguyên đơn là giá quá cao, dao động từ 4 đến 6 USD. Nguyên đơn Joan Kominis, người khởi kiện lần đầu vào năm ngoái, nói rằng cô sẽ không mua loại đồ uống này hoặc sẽ chỉ trả ít hơn nếu biết nó chỉ bao gồm hương vị thay vì trái cây thật. Các nguyên đơn cho rằng với tên gọi khiến người tiêu dùng nhầm có hoa quả thật, Starbucks đã vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng của các bang. Starbucks được cho là bị buộc bồi thường thiệt hại ít nhất 5 triệu USD.
Về phần mình, Starbucks cho biết tên sản phẩm mô tả hương vị của loại đồ uống chứ không phải thành phần và thực đơn của họ đã quảng cáo chính xác những hương vị đó. Starbucks cho rằng không có người tiêu dùng nào lại nhầm lẫn và các nhân viên ở quầy pha chế sẵn sàng giải đáp nếu khách hàng có thắc mắc. Starbucks gọi các cáo buộc trong vụ kiện là "không chính xác và không có cơ sở", đồng thời cho biết họ sẽ tự bào chữa.
Theo phán quyết của thẩm phán quận Manhattan, không có cơ sở trước tòa cho thấy những tên gọi bao gồm “xoài, chanh leo, dâu tây” được hiểu theo hương vị mà không đại diện thành phần trong đó. Thẩm phán Cronan cũng cho biết khách hàng dễ nảy sinh nhầm lẫn vì các sản phẩm khác của Starbucks trong tên gọi đều có chứa các thành phần tạo ra chúng, ví dụ như Latte trà xanh có bột trà xanh và Honey Citrus Mint Tea có mật ong và bạc hà.
Trong số 11 khiếu nại từ các nguyên đơn, thẩm phán bác bỏ hai cáo buộc gian lận, do không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Starbucks có ý định lừa gạt người tiêu dùng và tuyên bố làm giàu bất chính.
Đây không phải là lần đầu tiên một công ty thực phẩm phải đối mặt với kiện tụng khi quảng cáo hứa hẹn nhiều hơn những gì sản phẩm có trên thực tế. Trước đây, một loạt chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh như Arby's, McDonald's, Wendy's phải đối mặt với các vụ kiện tập thể với cáo buộc họ đã khai man kích thước sản phẩm hoặc số lượng thịt trong đó. Vào tháng 7, một vụ kiện đã được đệ trình nhằm vào Taco Bell với cáo buộc quảng cáo sai sự thật về lượng thức ăn trong Pizza Mexico và Crunchwrap Supreme, nói rằng lượng nguyên liệu trong quảng cáo “gấp đôi” những gì khách hàng nhận được. Tháng trước, Burger King cũng nhận được thông báo từ tòa về vụ kiện cáo buộc bánh Whoppers của họ quá nhỏ.