Mỹ phẩm “dỏm” tràn lan
Hàng trăm loại mỹ phẩm đội lốt hàng hiệu xách tay chào bán nhan nhản trên mạng, vào tận các trung tâm thương mại. Mỹ phẩm đổ đống bán ở vỉa hè, lề chợ với giá siêu rẻ… Liên tiếp những vụ mỹ phẩm “dỏm” bị phanh phui.
Mỹ phẩm là hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc, bị QLTT TPHCM phát hiện, xử lý. Ảnh: Hoàng Việt
Hàng “dỏm” tràn lan
Một phép thử đơn giản, vào Google gõ từ khóa: “Mỹ phẩm giá rẻ”, chỉ trong 0,28 giây có đến 20.900.000 kết quả liên quan. Tương tự, với từ khóa “Mỹ phẩm xách tay” chỉ với 0,46 giây có đến 18.800.000 kết quả liên quan.
Với từ khóa “Mỹ phẩm hàng hiệu xách tay”, chỉ trong 0,39 giây công cụ tìm kiếm Google cho ra 9.470.000 kết quả. Cùng với những con số “ấn tượng” là vô số trang mạng rao bán mỹ phẩm, nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm theo các trang mạng này cũng rất đa dạng, từ hàng xách tay từ Đức, Pháp, Mỹ cho đến Nhật, Hàn… Hầu hết không thấy trang mua bán nào thể hiện mỹ phẩm xách tay từ… Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số cán bộ phụ trách công tác chống hàng giả, hàng nhái cho biết, hầu hết mỹ phẩm xách tay rao bán trên mạng và các shop trên các phố là hàng “Made in China”. Hình ảnh sản phẩm giới thiệu trên các trang mạng chỉ mang tính… minh họa, cho hấp dẫn.
Tình trạng mỹ phẩm giả đội lốt mỹ phẩm hàng hiệu cũng phát hiện ở nhiều trung tâm thương mại sang trọng, nơi mỹ phẩm giả cũng trưng bày hoành tráng và bán giá cao ngất ngưởng như hàng thật.
Giám đốc đối ngoại một hệ thống trung tâm thương mại cho biết: thông thường trung tâm thương mại, siêu thị chia làm 2 khu vực. Khu vực cho chính đơn vị này quản lý, kinh doanh chắc chắn bày bán hàng thật, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khu vực còn lại cho thương nhân bên ngoài thuê kinh doanh và họ tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nên rất khó quản lý.
Đại diện một đơn vị chuyên kinh doanh mỹ phẩm tại TPHCM cho biết, hơn 30% mỹ phẩm trên thị trường Việt Nam là hàng kém chất lượng, hàng giả, nhái thương hiệu, trong đó phân khúc mỹ phẩm nổi tiếng rất nhiều hàng nhập lậu. Riêng thị trường Hà Nội, mới đây một công ty nghiên cứu thị trường có uy tín công bố kết quả khảo sát, đến 47% mỹ phẩm trên thị trường này là hàng giả.
Tháng 5/2014 vừa qua, một loạt công ty dịch vụ - sản xuất mỹ phẩm như Gia Gia Hân (Q. Thủ Đức), Alpha Việt Nam (Q.8), Hồng Tuyên (Q. Tân Phú)… đã bị xử lý vi phạm vì sản xuất mỹ phẩm nhái thương hiệu Sắc Ngọc Khang. Thực tế, tất cả kem, mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường hiện nay mang tên Sắc Ngọc Khang đều không phải là sản phẩm chính hiệu.
Đại diện Công ty Hoa Thiên Phú, ông Vũ Cao Thăng, Phó Tổng giám đốc cho biết: “Xác định mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo sự an toàn, quyền lợi chính đáng người tiêu dùng, kế tiếp là uy tín thương hiệu, chúng tôi luôn có nhiều giải pháp chủ động và quyết liệt trong việc đẩy lùi hàng nhái Sắc Ngọc Khang.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, mỹ phẩm chính hiệu Sắc Ngọc Khang của Công ty Hoa Thiên Phú chưa chính thức ra mắt trên thị trường. Do vậy, các loại mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường với nhãn mác Sắc Ngọc Khang đều không phải là sản phẩm chính hiệu của công ty.”
Người tiêu dùng lãnh đủ
Theo các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, không có nhiều vụ khiếu nại liên quan mỹ phẩm “dỏm”?! Trong năm 2013, văn phòng phía Nam Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chỉ tiếp nhận 23 vụ khiếu nại về vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, môi trường.
Theo một cán bộ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng, do mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, mua qua mạng nên khi xảy ra sự cố, hàng kém chất lượng, mỹ phẩm gây dị ứng, viêm da, tổn hại sức khỏe… cũng không biết khiếu nại, kiện công ty nào. Do vậy, những người tiêu dùng này không biết rằng chính họ đã biến mình thành “chuột bạch” thí nghiệm mỹ phẩm giả và tiêu tốn tiền bạc vô ích.
Người tiêu dùng mua mỹ phẩm nên chọn kênh bán hàng, điểm bán uy tín, như hệ thống cửa hàng, nhà phân phối chính thức… Hàng nhãn mác thông tin rõ ràng: xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo… Một tiêu chí quan trọng người tiêu dùng cần lưu ý, mỹ phẩm hàng thật không thể “rẻ bèo” như hàng nhái.