Mưu sinh ở thiên đường du lịch
Cứ mỗi cuối tuần, hoặc vào dịp nghỉ lễ, khách du lịch kéo lên Sapa nườm nượp cũng là khoảng thời gian những đứa trẻ dân tộc lặn lội xuống thị trấn kiếm miếng cơm, manh áo.
Cho dù những ngày thời tiết Sapa mù sương, mưa ướt, lạnh buốt hay nắng ráo, chúng chỉ mặc trên mình những manh áo cộc, tay cầm những chiếc lắc, vòng bạc, vật kỉ niệm... chào bán.
Ít có một thị trấn du lịch nào lại sầm uất như Sapa. Cả thị trấn có tới gần 150 khách sạn, nhà nghỉ, hàng trăm nhà hàng và đầy đủ các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Không chỉ có người dân địa phương mà người dân các nơi khác cũng đổ xô về Sa Pa kiếm sống.
Đi du lịch vào dịp nghỉ lễ ở Sapa khách hàng đều chịu cảnh “chặt chém”, hơn trăm khách sạn, nhà nghỉ, nhưng giá phòng được “hét” tới mức cao ngất ngưởng, chủ khách sạn nhà nghỉ, khách sạn hầu như không nhận đặt phòng từ trước, và chuyện khách du lịch phải ôm túi ngủ ngoài đường trong những ngày đi du ngoạn đã trở thành chuyện bình thường ở thị trấn.
Những đứa trẻ người H'Mông này mới được vài tháng tuổi, đã được mẹ địu trên lưng đi bán hàng kiếm sống.
Mỗi sáng, người mẹ này sẽ đi lấy đồ lưu niệm, rồi chia cho từng đứa con đem đi chào bán cho khách du lịch. Từ đứa lớn đến đứa bé trong gia đình này, đều được hướng dẫn cách bán hàng, làm quen và đeo bám khách
Khá nhiều khách du lịch tỏ ra không hài lòng vì lũ trẻ đeo bám khách quá lâu. Nếu không đồng ý mua hàng, chúng sẽ dùng các chiêu tặng đồ, hoặc năn nỉ khách phải mua, nếu khách có ý muốn chụp hình, sẽ nhận được những câu hỏi: "chụp hình phải cho tiền cháu chứ?"
Những đứa trẻ này có vốn tiếng Anh "bồi" khá tốt, chúng nói chuyện với khách du lịch người nước ngoài khá tự tin
Hai mẹ con cùng bán một gian hàng mũ
Bình thường, những đứa trẻ này vẫn đến lớp học, nhưng mỗi cuối tuần hoặc có dịp nghỉ lễ, chúng sẽ nghỉ học để xuống thị trấn bán hàng. Con chữ cũng rơi rụng dần theo những ngày xuôi về thị trấn bán đồ lưu niệm
Cậu bé này đã dậy từ 4 giờ sáng, đi lên rừng cùng bố lấy phong lan, bẫy chim để mang xuống thị trấn bán. Mỗi sáng đi bộ đều đặn 15 cây số, nhưng chưa ngày nào cậu bé này nghỉ chợ. Buổi tối, có hôm cậu bé cũng gia nhập đội thổi khèn, chờ khách đến thuê sẽ thổi. Một ngày ròng rã cũng được vài chục nghìn lãi, có hôm may mắn sẽ được khách du lịch cho thêm tiền.
Bữa trưa của những người mẹ, những đứa trẻ giản đơn lắm. Một khúc mía, một mẩu bánh mì... thế cũng đủ no.