Xót lòng phận người gánh gạch
Trong cái nắng oi ả của những ngày đầu hạ, từng tốp phụ nữ vẫn nhẫn nại gánh gạch, sức nặng oằn lên đôi vai bé nhỏ, gầy mòn…
Tại hàng chục các lò gạch rải rác ở triền đê (Quế Võ, Bắc Ninh) lực lượng lao động khá đông là những người phụ nữ làm phu gánh gạch. Hàng trăm đôi vai nhọc nhằn ấy mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ gặp nhau ở điểm chung là mảnh đời nghèo khó, do hoàn cảnh xô đẩy đến với nghề gánh gạch kiếm miếng cơm, manh áo.
Đến triền đê ven sông Cầu, trong những ngày đầu hè, nơi đây như một “công trường” lớn bởi hàng trăm người lao động, trong đó phần lớn là những người phụ nữ lam lũ gánh gạch thuê. Họ được chia theo từng tốp, bốc, gánh gạch.
Đưa gạch vào lò, ra lò, xếp gạch là công việc thường ngày của họ.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển ồ ạt của các lò gạch ven đê là một lực lượng “phu” gánh gạch, đốt lò đông đến cả ngàn người, gồm cả dân địa phương lẫn dân tứ xứ đổ về làm thuê. Lạ kỳ thay, đảm nhiệm cái nghề gánh gạch nặng nhọc ấy toàn là phụ nữ. Cứ mỗi lò có 15- 20 người chuyên gánh gạch.
Hàng ngày, những người phụ nữ này phải thức dậy từ 6 giờ sáng để đến các lò gạch, bắt đầu cho một ngày mưu sinh. Công việc của các chị chủ yếu là đóng gạch, đóng than, vào, ra lò và dọn lò. Những công việc nặng nhọc ấy dường như đã trở thành nghề “đặc quyền” của nữ phu gạch.
Ven sông Cầu như một "công trường gạch" lớn, với hàng trăm tốp phụ nữ cùng làm phu gạch.
Lem luốc trong bộ quần áo đã cũ sờn, màu bạc phếch, chị Nguyễn Thị Mai, người đã có 5 năm thâm niên gánh gạch tại bờ sông Cầu, cho biết: “những ngày đầu khi mới vào nghề, gánh được ít, đêm về toàn thân đau ê ẩm, nhưng làm mãi cũng thành quen, giờ tôi cũng chẳng còn cảm thấy cái nghề này có gì là vất vả, một ngày cứ thế chừng ấy việc, gánh nhiều gánh càng tốt, chi tiêu tiết kiệm chút cuối tháng cũng có một khoản khá gửi về quê nuôi 2 đứa con ăn học.”
Chị Mai quê ở Thái Bình, chồng mất sớm, một thân một mình nuôi hai con nhỏ, cuộc sống cơ cực, vất vả. Mỗi năm 2 vụ lúa, chị về nhà trồng cấy và thu hoạch, thời gian còn lại lang thang khắp ngõ ngách Hà Nội, hoặc quá xuống Bắc Ninh làm phu gánh gạch. “Chỉ cần sơ sẩy một chút trong khi vận hành máy đóng gạch có khi phải trả giá bằng một phần cơ thể, có khi là cả tính mạng. Hoặc gánh gạch vào lúc trời mưa, đường trơn ướt cũng có thể bị trượt chân ngã bất cứ lúc nào. Làm cái nghề này cũng không ít tai nạn, sợ nhất là sập lò gạch, môi trường làm việc cũng vô cùng độc hại, vì phải chịu ô nhiễm chì. Nhưng ô nhiễm thì chết dần, chết mòn, còn thiếu ăn thì chết ngay, vì thế nên tôi phải cố làm để nuôi sống mình và cả các con,” lấy chiếc khăn lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, chị cười buồn.
Tốp gánh gạch của chị có tất cả 5 người, có chị đã 10 năm trời gánh gạch nuôi con.
Cầm từng viên gạch xếp vào đôi quang gánh, chị Hoàng Thị Hồng nói nhỏ: “nhiều ngày xếp gạch đến phồng cả tay, chuyện tai nạn chảy máu, đứt tay, đứt chân là chuyện thường, coi như là tai nạn nghề nghiệp không có gì đáng nói. Cứ vào đây làm, thì chẳng phân việc nào của phái yếu, phái mạnh, cứ đếm công tính tiền.”
Mỗi gánh gạch có 20 viên, bình quân mỗi gánh nặng 30 - 40kg. Mỗi người gánh 100 gánh, tương đương 2.000 viên/ngày. Vất vả là thế nhưng tiền công nhận được chẳng đáng là bao, mỗi ngày họ chỉ nhận được nhận được 50.000 - 60.000 đồng/người/ngày.
Cầm từng viên gạch xếp vào đôi quang gánh, chị Hoàng Thị Hồng nói nhỏ: “nhiều ngày xếp gạch đến phồng cả tay, chuyện tai nạn chảy máu, đứt tay, đứt chân là chuyện thường, coi như là tai nạn nghề nghiệp không có gì đáng nói. Cứ vào đây làm, thì chẳng phân việc nào của phái yếu, phái mạnh, cứ đếm công tính tiền.”
Mỗi gánh gạch có 20 viên, bình quân mỗi gánh nặng 30 - 40kg. Mỗi người gánh 100 gánh, tương đương 2.000 viên/ngày. Vất vả là thế nhưng tiền công nhận được chẳng đáng là bao, mỗi ngày họ chỉ nhận được nhận được 50.000 - 60.000 đồng/người/ngày.
Dù vất vả, nhọc nhằn nhưng họ vẫn gắng gượng kiếm sống vì miếng cơm manh áo.
“Nhiều lao động nữ ở đây là người trong làng, xã, nhưng cũng không hiếm những người tha hương kiếm việc làm theo mùa vụ, tiền công rẻ mạt là thế, nhưng nhiều khi không có việc vẫn tranh nhau mà làm. Mỗi ngày về nhà, dù mệt mỏi đến mấy, đau đớn đến mấy cũng phải tự nhủ với mình không được đau ốm, ngày hôm sau phải gánh được nhiều hơn hôm trước. Vì còn cả một gia đình đang trông chờ vào chút tiền công cán,” chị Mai Thị Hải, một người phụ nữ xã Nhân Hòa cho biết.
Ngày ngày trên con đê, dưới bãi bồi bên dòng sông Cầu còn đó những người phụ nữ với xe thồ, quang gánh... Những đôi vai chai sạn với vạt áo cũ sờn thấm đẫm mồ hôi. Không có lấy một ngày ngơi nghỉ, và hầu như không một ai trong đội quân gánh gạch này mong có ngày nghỉ, bởi “nghỉ làm ngày nào, đồng nghĩa với việc không có tiền ngày đó. Thực phẩm đắt đỏ, tiền công một ngày cũng chỉ đủ chi tiêu ăn uống cho 4 miệng ăn, chưa kể tiền học cho con, tiền thuốc men cho chồng,” chị Hoàng Thúy Liễu, một người phụ nữ chuyên gánh gạch đã hơn 3 năm nay ngậm ngùi nói.
Tại đây, mỗi người phụ nữ là một câu chuyện về phận đời éo le, về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Với họ, dù có vất vả đến bao nhiêu, thì khao khát cháy bỏng vẫn là cuộc sống đủ đầy cho những đứa con. Đủ đầy cũng đồng nghĩa với việc có bát cơm no, có manh áo lành lặn. Về phần mình, họ chẳng mong gì hơn ngoài trời phú cho sức khỏe, để suốt đời có cái nghề như phu gạch, kiếm chút tiền công lãi.