Mứt thanh trà Đông Thành đón tết
Mứt thanh trà có thể làm để dành dùng được lâu ngày và có hương vị chua ngọt thanh tao, dịu mát và giải nhiệt.
Cuối năm, con đường quốc lộ 54 như xôn xao hẳn lên bởi sự góp mặt của loại cây cho trái bắt mắt được kết thành chùm treo lơ lửng, quyến rũ khách qua lại. Có thể nói, đến nay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa có nơi nào trồng nhiều thanh trà bằng nơi đây, kể cả xứ Cái Mơn, nơi có nhiều cây trái ngon.
Thanh trà là một loại trái ngon, đẹp và là món giải khát tuyệt vời. Ngoài gọt vỏ ăn như xoài hay dầm nước đá, nhiều người còn phơi khô ngâm rượu để sử dụng khi trái mùa, ngon và hấp dẫn nhất vẫn là trái thanh trà được bà con làm mứt. Đặc biệt, thanh trà Đông Thành còn có nhiều đặc tính quý.
Mứt thanh trà là thức uống trong mùa viêm nhiệt được bà con ưa chuộng hơn đá me, đá chanh, nước cam vắt… nhờ hương vị chua ngọt thanh tao, dịu mát và giải nhiệt. Cộng thêm sự béo bùi của đậu phụng, mè thanh trà đã trở thành món giải khát sảng khoái của giới trẻ.
Mứt thanh trà có thể để dành dùng được lâu ngày. Làm mứt thanh trà cũng giản dị và không cầu kỳ, trước tiên ta chọn những trái thanh trà chín, còn hơi cứng, gọt vỏ ngoài bỏ đi. Ngâm một ít muối cho hơi mềm, để vào chảo sên như mứt dừa, mứt gừng… chờ nước thật sôi cho đường vào. Sên cho đến lúc thật quẹo nhắc xuống. Sau đó rang đậu phộng, mè cho vào trong keo để dành ăn.
Xưa, hết mùa thanh trà, nhà nào cũng còn trữ vài hũ mứt để dành. Nay thì tiện lợi hơn bởi có thể tìm mua ở nhiều nơi. Ở ấp Đông Hòa 1, xã Đông Thạnh thường bán mứt thanh trà, mỗi keo 800 gam với giá 30.000 - 35.000 đồng.
Chỉ cần hai, ba muỗng mứt thanh trà, quậy nước lạnh bỏ đá vào thế là đã có một ly giải khát tuyệt vời, bổ dưỡng. Đi làm đồng về hay đi chúc tết có rượu sần sần, uống một ly thanh trà bao mệt nhọc tiêu tan.