'Muốn nhanh thì mổ dịch vụ!'
Nhập viện hơn 2 tuần ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM do bị gãy xương đùi nhưng vì không có tiền nên bệnh nhân Lê Th.K. 60 tuổi ở Quảng Ngãi vẫn phải nằm chờ vì lịch mổ thường đã kín mít. Nhiều lần cầu cứu bác sĩ, người thân của bà K. cho hay bác sĩ trả lời “Nếu muốn nhanh, chỉ còn cách đăng ký mổ dịch vụ”.
Mổ dịch vụ đang trở thành “xu hướng” ở các bệnh viện công. Bệnh viện tăng thu, bác sĩ mổ cũng được tiền gấp nhiều lần mổ thường. Mặc dù các phòng mổ của bệnh viện công dành cho việc phẫu thuật tất cả bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo, nhưng sự thật việc lấy của công làm việc tư vẫn diễn ra.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, do nhu cầu mổ dịch vụ cao, tiền thu lại nhiều nên không chỉ bác sĩ mà cả lãnh đạo của bệnh viện này cũng đứng mổ dịch vụ. “Lợi dụng quá tải, nhiều bác sĩ dễ dàng đưa bệnh nhân vào mổ dịch vụ là sai nghiêm trọng”- bác sĩ Bùi Minh Trạng- Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM khẳng định và theo ông tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi.
Theo bác sĩ Bùi Minh Trạng, trong 14 phòng phẫu thuật, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM dành 9 phòng cho phẫu thuật dịch vụ. 9 phòng dịch vụ này luôn có 9 bác sĩ phẫu thuật trong khi họ đang là bác sĩ thường trực ở các khoa. Trong danh sách 9 bác sĩ này có hai phó giám đốc là Châu Văn Đính và Phan Văn Trí.
“Một ca dịch vụ, tiền công của bác sĩ hưởng được một vài triệu. Vì vậy lãnh đạo bệnh viện cũng chạy sô mổ dịch vụ”- một bác sĩ công tác tại bệnh viện này nói.
Theo tìm hiểu, trong tháng 6/2012, nơi đây có 2.140 ca phẫu thuật trong đó có 1.470 mổ theo dịch vụ và trong tháng 10/2012 có 1.594 ca phẫu thuật thì số ca mổ dịch vụ là 1.071 ca. Trong tháng 10/2011 có 1.879 ca phẫu thuật, trong đó 1.279 ca mổ dịch vụ…
“Tỷ lệ mổ dịch vụ ở bệnh viện này quá cao, chiếm 70%, trong đó tổng số các trường hợp được mổ dịch vụ đa số diễn ra từ ngày thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, thời điểm các bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện chứ không phải ngoài giờ”- bác sĩ Trạng nói.
Mổ dịch vụ cũng nở rộ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Tại bệnh viện này ngoài mổ dịch vụ những trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, các bác sĩ còn yêu cầu bệnh nhân mổ dịch vụ với những căn bệnh thông thường với tỷ lệ ăn chia bệnh viện hưởng 50%, số còn lại là của kíp mổ.
Thậm chí, hầu hết các ca mổ dịch vụ nơi đây diễn ra trong giờ hành chính nên các bác sĩ được lợi hai mặt: vừa hưởng lương ngân sách lại có thêm tiền từ mổ dịch vụ.
Trong khi bệnh nhân phải chen nhau nằm chung ở các khoa điều trị thì nhiều phòng bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vốn dành cho bệnh nhân thông thường lại được dành để làm dịch vụ. Mỗi phòng dịch vụ nơi đây dành cho 2 bệnh nhân có giá trên 350 nghìn đồng/ngày, trong khi phòng thường chỉ khoảng 100 nghìn/ngày.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, ngoài mở khoa khám dịch vụ song song với khoa khám bệnh thông thường, nơi đây còn có phòng khám “VIP” với giá khám trên 200 nghìn/người.
Nở rộ làm dịch vụ hơn là Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, với “phòng khám chất lượng cao”, mỗi lần khám có giá từ 200-300 nghìn đồng.
Còn tại Khoa khám dịch vụ mỗi lần khám có giá 60 nghìn/lượt so với 30 nghìn ở nơi khám thông thường. Đánh vào tâm lý quá tải, phụ huynh lo cho bệnh nhi nên nơi đây “đẻ” ra hàng loạt dịch vụ từ khám, đến giường bệnh đều có giá cao ngất ngưởng.
Chỉ riêng mổ ruột thừa dưới dạng dịch vụ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong năm 2011 thực hiện hơn 900 ca, thu hơn 1,7 tỷ đồng. Trong năm 2012 mổ dịch vụ viêm ruột thừa 171 ca, bệnh viện thu về hơn 500 triệu đồng. Bệnh viện không quá tải, các phòng mổ hoạt động không hết công suất nhưng bác sĩ vẫn “ưu ái” để đưa bệnh nhân vào mổ dịch vụ, trong khi họ chỉ cần mổ thường.