Muốn đăng ký kết hôn phải “đặt cọc” 2 triệu cho UBND xã
Chàng trai 24 tuổi và người yêu tới UBND xã đăng ký kết hôn nhưng bị từ chối vì không đồng ý “đặt cọc” 2 triệu cam kết không đánh bạc, đốt pháo ở đám cưới.
“Đặt cọc” 2 triệu, cam kết không đốt pháo
Sáng 26.10, anh Nguyễn Minh Đức (SN 1992, thôn Quang Trung, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cùng vợ sắp cưới là chị Nguyễn Thị Nhàn (ở Nam Định) tới trụ sở UBND xã Thanh Hà đăng ký kết hôn nhưng bị cán bộ UBND xã từ chối đăng ký. Lý do là vì anh Đức không đồng ý đóng 2 triệu tiền “đặt cọc” cam kết không đốt pháo, đánh bạc ở đám cưới sắp tới theo quy định của UBND xã.
Anh Đức và vợ sắp cưới bị UBND xã từ chối đăng ký kết hôn vì không đồng ý tự nguyện “đặt cọc” 2 triệu cam kết không đánh bạc, đốt pháo ở đám cưới.
“Cán bộ UBND xã Thanh Hà nói đây là quy định của xã, khi tổ chức đám cưới xong nếu gia đình không vi phạm sẽ được hoàn trả số tiền. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với việc này nên đã gặp ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch xã Thanh Hà để trình bày hoàn cảnh khó khăn không có tiền đặt cọc nhưng vẫn không được đăng ký”, anh Đức phản ánh.
Theo anh Đức, anh có thể cam kết và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc đánh bạc, đốt pháo ở đám cưới của mình. Nhưng không đồng ý “đặt cọc” để được đăng ký kết hôn.
“Tiền thì tôi có nhưng tôi không đóng tiền vì thấy quy định không phù hợp. Nhà có điều kiện khá giả không sao nhưng những nhà nghèo thì làm thế nào?”, anh Đức đặt câu hỏi.
Trao đổi với PV ngày 26.10, ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch UBND xã Thanh Hà xác nhận, UBND xã từ chối đăng ký kết hôn cho anh Đức vào sáng cùng ngày vì anh này không đóng 2 triệu tiền cam kết không đốt pháo, đánh bạc ở đám cưới theo quy định của xã.
Ông Kiên lý giải: Trong những năm gần đây xã Thanh Hà là địa bàn nóng về tệ nạn đốt pháo, đánh bạc ở đám cưới hỏi. Vì vậy, UBND có thông báo yêu cầu nam, nữ khi đăng ký kết hôn, xác nhận hôn nhân phải tự nguyện nộp số tiền 2 triệu đồng và cam kết trước, trong và sau đám hỏi, đám cưới, không được đốt pháo và đánh bạc.
Trong trường hợp, gia đình tổ chức đám cưới vi phạm cam kết, bị cơ quan chức năng lập biên bản về hành vi đánh bạc, đốt pháo thì số tiền “đặt cọc” sẽ được sử dụng cho việc xử lý vi phạm hành chính cho hành vi nêu trên. Ngược lại, gia đình chấp hành nghiêm cam kết, 2 ngày sau khi cưới, chính quyền xã sẽ trả lại tiền “đặt cọc”.
Ông Kiên cho rằng, thông báo trên dựa trên Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; Chỉ thị 06 của UBND huyện Thanh Liêm năm 2013 về việc chống các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt các loại pháo và Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng ủy xã Thanh Hà về việc hạn chế đốt pháo và tệ nạn cờ bạc.
Chưa lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện
Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, thông báo trên được UBND xã Thanh Hà thực hiện từ tháng 1.2014 tới nay, người dân trên địa bàn xã đều chấp hành và không có kiến nghị phản đối. Tình trạng đốt pháo, đánh bạc ở đám hỏi, đám cưới của xã đã không còn từ khi UBND xã thực hiện thông báo trên.
Tuy nhiên, ông Kiên thừa nhận, chính quyền xã có thiếu sót là chưa lấy chữ ký của người dân trước khi thực hiện thông báo.
Khi được hỏi, pháp luật đã có quy định xử lý riêng với các hành vi đánh bạc và đốt pháo, vậy có nhất thiết bắt người dân phải “đặt cọc” tiền mới cho đăng ký kết hôn? Ông Kiên cho rằng: “Về việc quản lý đốt pháo và đánh bạc ở các đám cưới, lực lượng công an xã không thể dàn trải ra quản lý được.
Thêm nữa, ở nông thôn, lực lượng công an xã đều là bà con gần gũi thân quen nhau nên việc xử lý rất khó khăn. Ví dụ hàng xóm nhà mình có đám cưới mà mình với vai trò là công an xã sang bắt bớ, có ý kiến thì rất ngại, vì vậy cần phải có ràng buộc. Đặc thù ở nông thôn là đặt nặng vấn đề tình cảm nên chỉ nhắc nhở chứ xử lý vi phạm rất khó”.
Về trường hợp của anh Nguyễn Minh Đức, ông Kiên cho rằng, đây là trường hợp đầu tiên phản ứng, không đồng ý “đặt cọc” tiền cam kết khi đi đăng ký kết hôn.
“Tôi đã nói chuyện với Đức. Tôi biết em chưa đồng thuận, gia đình có thể gặp khó khăn về kinh tế nhưng vì cái chung em phải hy sinh một chút. Chúng tôi cũng không thu mà chỉ là tiền đặt cọc để cam kết, ràng buộc không vi phạm”, ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng khẳng định, sẽ tiếp nhận ý kiến của nhân dân và sẽ xem xét điều chỉnh nếu chưa hợp lý.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…