Muôn chiêu né "thị phi" dịp Tết của gái ế, trai ế

Q.T,
Chia sẻ

Năm nào cũng như năm nào, Tết đến là dịp những gái ế, trai ế sẽ phải đối mặt với muôn vàn câu hỏi xoay quanh chuyện lấy vợ, lấy chồng. Và để đối phó, họ đã có nhiều chiêu né "thị phi" rất độc.

28 tuổi, đã đi làm được 5 năm ở Hà Nội và hiện vẫn độc thân, Hạnh Tranh (Thái Bình) tâm sự: "Hồi mới ra trường đi làm, bị mọi người hỏi chuyện chồng con, vẫn hồn nhiên mà 'bánh bơ' hết. Nhưng rồi cái Tết thứ 2, thứ 3 sau đó, gặp ai cũng hỏi chuyện người yêu, chuyện chồng con khiến mình rầu lòng đến mức stress".

Hạnh Trang cho biết, cô cũng từng trải qua 2 mối tình ngắn ngủi, nhưng rồi mọi chuyện chẳng đi đến đâu. Hiện tại, cô "gái ế" này cảm thấy rất khó khăn trong việc tìm một đối tượng phù hợp để hẹn hò vì bận đi làm, vì môi trường làm việc không có nhiều cơ hội tiếp xúc với con trai, và cả vì những tiêu chuẩn chọn người yêu bây giờ cũng khác trước. Bản thân Trang chưa sốt sắng chuyện yêu đương, lấy chồng, song không vì thế mà cô tránh được nỗi khổ tâm mỗi dịp Tết đến: "Ở Hà Nội thì không sao, về nhà từ người quen, họ hàng cho đến hàng xóm ai gặp cũng hỏi 'Thế bao giờ cho ăn cỗ?' khiến mình ngán ngẩm vô cùng". 

Đúc rút kinh nghiệm từ những năm trước đó, Trang đã nghĩ ra một kế sách để ứng phó với "thị phi" về chuyện riêng của mình khi Tết đến: "Không nghĩ mà cũng thành ra phải nghĩ, nên tốt nhất là không nghe được những câu hỏi đó thì bản thân đỡ đau đầu. Nghĩ thế, Tết năm ngoái, kể từ khi vác ba lô về tới nhà, mình gần như không ló mặt ra đường. Trong những ngày Tết, mỗi khi có khách, mình cùng mẹ chuẩn bị cơm nước, sắp cỗ xong xuôi thì chui tọt vào phòng nằm im re như một tên trộm. Mọi người đến, hỏi mình đi đâu mà không thấy mặt thì bố mẹ mình trả lời qua loa là nó chạy xuống bếp hay đi đâu đó...".

Trang cho biết, chiêu này của cô hiệu quả tức thì. Vì không thấy mặt cô nên cũng chẳng ai hỏi, mà nếu lỡ có người hỏi thì bố mẹ đã "đỡ đạn" hộ nên chuyện chồng con không bị lôi ra bàn tán nữa. Nhờ vậy, cô đã "sống sót" qua Tết mà không phải đau đầu vì những câu quen thuộc như "Thế bao giờ cho ăn cỗ?", "Thế đã có người yêu chưa?", "Kén chọn vừa thôi, lấy chồng đi cho bố mẹ có cháu bế". Tuy nhiên, Trang cũng chỉ ra mặt trái của chiêu này là: "Suốt ngày phải trốn trong phòng riêng trong khi mọi người vui vẻ đi chơi, tám chuyện nên buồn lắm. Năm nay mình rút kinh nghiệm triệt để hơn, mang sẵn vài quyển truyện và laptop về để xem phim Hàn giết thời gian rồi. Đảm bảo mấy ngày Tết sẽ trôi vèo vèo chứ không chán ngắt như mấy năm trước nữa". 

Muôn chiêu né
Những ngày Tết, cô chui tọt vào phòng trốn để tránh bị mọi người hỏi thăm chuyện chồng con (Ảnh minh họa).

Không chỉ bị họ hàng, bạn bè, hàng xóm hỏi thăm chuyện người yêu mà Đạt (30 tuổi, Bắc Giang) còn stress vì bị ngay cả bố mẹ nhắc khéo chuyện kết hôn, nhất là dịp Tết đến. Chàng trai 30 tuổi này kể anh chưa từng có mảnh tình nào vắt vai. Trước kia thì anh mải học hành (Đạt học hai trường Đại học cùng một lúc), rồi khi ra trường, ham mê kinh doanh nên anh cũng quên luôn chuyện yêu đương. Quay đi ngoảnh lại đã 30 tuổi, đi dự không biết bao nhiêu đám cưới của bạn bè, đồng nghiệp, nhiều người bạn còn đã có 2 con mà anh vẫn được xếp vào "hội độc thân quý hiếm". 

Đạt giãi bày: "Mình thì không ngại bạn bè, hàng xóm hỏi đến chuyện lấy vợ lắm đâu, nhưng sợ nhất là bố mẹ. Với người ngoài, ai hỏi 'Thế đã có người yêu chưa', mình thường đùa rằng 'Người yêu cháu cả tá, chỉ là đang chọn xem cô nào đủ tiêu chuẩn làm vợ thôi, vụ này hơi 'ban căng' vì mất thời gian lắm'. Hoặc ai đùa 'Thế bao giờ ra mắt vợ tương lai đây', mình trả lời tỉnh bơ 'Tháng 10 ạ, tháng 10 cháu cưới rồi ra mắt luôn', đến tháng 10 thì ai còn nhớ, mà có nhớ thì lại đùa 'Bao giờ cho đến tháng 10'. Song với bố mẹ thì không thể đùa kiểu ấy được. Năm nào về ăn Tết, mình cũng sợ nhất những cuộc nói chuyện nghiêm túc của 'ông bô bà bô' về vấn đề này". 

Chàng trai 30 tuổi này cho biết, anh đã từng bị áp lực lấy vợ nặng nề đến mức tính cả chuyện thuê người yêu về ra mắt bố mẹ dịp Tết, nhưng tính đi tính lại thấy lãng phí tiền mà không thể che giấu được mãi nên quyết định thôi. 

Và để đối phó với "thị phi" chuyện vợ con này, anh đã có kế sách khác. "Năm ngoái, mình sợ ở nhà nhiều mẹ lại nhắc nhở liên tục nên tìm cách 'thoát thân'. Mình có đứa em họ kém vài tuổi, nó lắm bạn nhiều bè nên Tết hay đi tụ tập lắm. Mình 'nháy' nó là có chỗ nào đi đâu ới mình để mình 'bám càng' với, nó 'ok' luôn, thế là mình 'tót' đi suốt, may chăng chỉ những lúc ăn cơm mới ở nhà. Mà đến bữa ăn thì không bao giờ bố mẹ nói đến chuyện ấy. Thế là cũng qua được cái Tết đỡ stress vì chuyện lấy vợ", Đạt cho biết. 

Nhưng năm nay Đạt không áp dụng chiêu này được vì cậu em họ kia đã lập gia đình. Đối mặt với những ngày Tết sắp tới, Đạt buộc phải tìm cách ứng phó khác: "Năm nay nghỉ Tết khá dài ngày mà ở nhà trọn vẹn hết kì nghỉ thì đến 'toi' vì bị bố mẹ xoay như chong chóng mất. Mình sợ quá, may là mình có 2 ngày phải trực Tết, mình đăng ký trực hộ 2 anh cùng phòng nữa, thế là ở lại Hà Nội gần như kín những ngày nghỉ. Chỉ 2 ngày ở nhà thì có chăng cũng chỉ phải đối mặt với 1 lần bố mẹ 'triệu hồi' để nhắc nhở chuyện vợ con thôi. Tạm thế đã, rồi ra Tết 'cày cuốc' kiếm 1 tấm vợ để Tết sang năm không phải trốn tránh nữa. Vụ vợ con này cũng đau đầu ra phết đấy".
Chia sẻ