"Mua trước trả sau" bùng nổ nhưng nó lại là sự rủi ro cực lớn, nhất là trước các dịp sale cuối năm
Các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới như Amazon, Walmart và Target đang áp dụng hình thức "mua trước - trả sau". Cách thanh toán nghe có vẻ là tiêu dùng khôn ngoan cho nhiều giao dịch mua sắm từ lớn tới nhỏ nhưng có thể xuất hiện thêm phí trả chậm, rủi ro lãi suất và hệ lụy về điểm tín dụng không lường trước.
"Mua trước - Trả sau" hay còn biết tới với tên gọi tắt là BNPL: Là loại hình tài trợ tín dụng ngắn hạn cho phép khách hàng mua sắm hàng hóa ngay lập tức mà không phải trả toàn bộ chi phí một lần.
Theo đó, khách hàng chỉ cần chia nhỏ số tiền phải trả thành nhiều lần và thanh toán dần theo từng chu kỳ, thường kéo dài trong vòng một cho đến vài tháng và sẽ không bị phát sinh thêm bất cứ chi phí nào nếu trả đúng hạn.
Hình thức thanh toán nhanh chóng và phổ biến được người trẻ ưa chuộng
"Mua trước - Trả sau" đã trở thành công cụ thanh toán phổ biến của người tiêu dùng trẻ, thay thế thẻ tín dụng. Tiếp cận xu hướng mới, các nhà bán lẻ lớn cũng đang áp dụng cách thanh toán này một cách triệt để. Tuy nhiên, thanh toán bằng hình thức này tăng lên thì chuyên gia tài chính lại lo lắng và đưa ra cảnh báo: Nó có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bội chi.
Hơn một nửa tổng số người tiêu dùng dự định sử dụng cách thanh toán BNPL trong năm tới, đó là tin tốt cho các hãng bán lẻ. Theo McKinsey, người mua sắm có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho mỗi lần mua hàng khi sử dụng hình thức thanh toán BNPL. Bởi hình thức thanh toán này đang được áp dụng cho hầu hết các giao dịch mua, từ lớn tới nhỏ.
Vào tháng 9 năm nay, Amazon đã ký một thỏa thuận với Affirm cho phép người tiêu dùng chia nhỏ các giao dịch mua từ 50 đô la (khoảng 1,1 triệu đồng) để thanh toán dần hàng tháng. Theo trang Dolev, các mặt hàng chi tiêu hàng ngày sẽ là thứ mà các nhà bán lẻ muốn hướng kiểu thanh toán BNPL tới khách hàng. Ví du như một đôi giày, người tiêu dùng sẽ thanh toán một cách vui vẻ vì họ nghĩ: “Mình sẽ không phá sản chỉ vì một đôi giày.”
Đối tượng của những công ty BNPL chính là người trẻ từ 25 tuổi trở xuống. Đây là những nhóm người có rất nhiều lựa chọn trong việc thanh toán, họ thích sự nhanh chóng, tiện lợi và không nhất thiết phải sử dụng các hình thức truyền thống như thẻ tín dụng.
Trong một cuộc khảo sát của Credit Karma được công bố vào tháng 9 thì tỉ lệ nữ giới sử dụng hình thức mua trước trả sau cao hơn nam giới khoảng 10%. Các sản phẩm thường được mua là mỹ phẩm, quần áo, tiếp theo là hàng điện tử, gia dụng.
Macy’s, Amazon và Walmart đang là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất trên thị trường bắt đầu cung cấp lựa chọn thanh toán BNPL. Vào tháng 10, Target thông báo sẽ thích ứng dần với cách thanh toán BNPL trước mùa mua sắm lớn vào cuối năm để làm "linh hoạt, tối đa nhu cầu mua sắm của khách hàng".
Target cho biết quan hệ đối tác của họ với các công ty BNPL như Sezzle và Affirm sẽ cho phép người tiêu dùng thanh toán khoản phải trả một cách phù hợp nhất. Công ty cho biết: "Đó là một lựa chọn thanh toán thông minh khi mua sắm trong những ngày nghỉ lễ, sale lớn cuối năm".
Công ty tài chính Sezzle có nhiệm vụ chia khoản thanh toán từng giao dịch của người tiêu dùng khi mua các món đồ giá trị thấp như đồ gia dụng, đồ trang trí trong ngày lễ, thường là 4 khoản thanh toán không lãi suất trong vòng 6 tuần. Còn các nhà bán lẻ gợi ý người tiêu dùng nên thanh toán các mặt hàng giá trị lớn như đồ điện tử hoặc bộ nội thất mới với công ty tài chính Affirm vì thời gian thanh toán khoản phải trả sẽ dài hơn.
Cảnh báo về bội chi, phí trả chậm, rủi ro lãi suất và hệ lụy về điểm tín dụng khi "lạm dụng" hình thức này
Theo khảo sát của Credit Karma vào tháng 10 năm nay, cứ 3 người Mỹ thì có 1 người sẽ "mắc nợ" sau một lễ hội mua sắm lớn. Cho dù mọi người có kế hoạch mua các sản phẩm như thế nào thì vẫn nên lưu ý đến chi tiêu và bất kỳ khoản lãi hoặc phí trả chậm nào có thể phát sinh từ thẻ tín dụng hoặc BNPL. "Cho dù việc mua hàng là thông qua dịch vụ BNPL hay thẻ tín dụng thì “người tiêu dùng nên hiểu đầy đủ về giao dịch", phát ngôn viên của Affirm cho biết.
John Ulzheimer, một chuyên gia tín dụng cho biết: "Mọi người có xu hướng tiêu điên cuồng trong ngày Black Friday. Vì vậy, khi bạn mua sắm tần suất nhiều lên vào cuối năm thì tương đương với khoản nợ tăng lên, điều này là khá nguy hiểm".
BNPL thu hút người tiêu dùng với hình thức trả trước không lãi suất. Nhưng hãy thật tỉnh táo vì để đảm bảo không có lãi suất và không mất phí, người tiêu dùng phải đáp ứng các điều khoản nhất định. Chẳng hạn như thanh toán đúng hạn và đầy đủ.
Thay vì tính lãi khoản trả góp của khách hàng, các công ty BNPL sẽ tính tiền hoa hồng trên doanh thu của người bán hàng. Mỗi đơn hàng BNPL có thể được tính hoa hồng 2%-8% trên doanh thu. Ngoài ra, nếu người dùng thanh toán trễ hạn, phí phạt trễ hạn cũng là phần đóng góp doanh thu không nhỏ cho các công ty BNPL.
Klarna, một công ty Công nghệ tài chính có trụ sở tại Thụy Điển, kiếm tiền bằng cách tính phí từ các nhà bán lẻ cung cấp BNPL cho khách hàng. Nếu khoản thanh toán bị quá hạn, một khoản phí trả chậm lên đến 7 đô (khoảng 159k) và giới hạn ở mức tối đa 25% số tiền quá hạn sẽ được gửi thông báo tới cho người tiêu dùng.
Affirm thì không có phí trả chậm nhưng tính lãi suất cho người tiêu dùng. Công ty cũng chỉ chấp thuận cho khách hàng vay số tiền họ có thể trả. Khách hàng được chọn trả dần trong 3, 6 hoặc 12 tháng. Affirm chỉ tính lãi trên số tiền đã thỏa thuận từ trước (không tính lãi kép theo thời gian như cách thẻ tín dụng đặt ra khi không trả hết tiền nợ). Lưu ý rằng việc thanh toán chậm BNPL vẫn ảnh hưởng đến điểm tín dụng và khả năng vay trong tương lai của bạn.
Còn trong một cuộc khảo sát của Credit Karma công bố vào tháng 9 thì 44% người được hỏi cho biết đã sử dụng dịch vụ BNPL và 34% trong số đó đã vướng vào nhiều khoản phát sinh. Hơn một nửa số người tiêu dùng trẻ tuổi tham gia cuộc khảo sát cho biết đã không đáp ứng ít nhất một lần thanh toán đầy đủ mà không mất phí từ BNPL. Còn với thế hệ Z thì họ còn bỏ lỡ việc thanh toán đúng hạn tới ít nhất là 2 lần.
Klarna cho biết khoảng 1% người sử dụng dịch vụ BNPL của họ là thanh toán không đúng hạn. Người phát ngôn của Klarna nói rằng nếu người mua hàng bỏ lỡ một khoản thanh toán, công ty sẽ hạn chế sử dụng dịch vụ để họ không thể tích lũy thêm nợ. Tương tự như vậy, tình trạng trễ hạn trên 30 ngày của Affirm là khoảng 1%, theo người phát ngôn của Affirm.
Quy định về BNPL ngày càng gia tăng ở các quốc gia và điều đó đã khiến các công ty tài chính trở nên khắt khe hơn với các yêu cầu cho vay BNPL. Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate.com cho biết: Nếu người tiêu dùng biết lập kế hoạch và có trách nhiệm với tài chính của mình thì cách thanh toán này sẽ là một công cụ hữu ích.
Tuy nhiên, cũng giống như thẻ tín dụng thì BNPL cũng có thể là một con dốc trơn trượt. “Nếu bạn chi tiêu quá mức, trả chậm và phụ thuộc quá nhiều vào nó thì có thể là điều tồi tệ. Người tiêu dùng nên coi nó như một “bước đệm” và sử dụng một cách có chọn lọc".
Theo cnbc