Mua sắm trực tuyến gây hại cho môi trường như thế nào?

Trang Phan,
Chia sẻ

Mua hàng trực tuyến ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, người mua ngoài trả tiền cho món hàng trên mạng, còn phải trả một cái giá vô hình không nhỏ.

Nhờ sự tiện lợi, mua hàng trực tuyến ngày càng được ưa chuộng. Đó là chưa kể đôi khi người mua còn được miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, thật ra món hàng mua qua mạng lại mang một cái giá vô hình khác. Đó là tác hại cho môi trường.

Theo một báo cáo trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, được công bố bởi Hiệp hội Hóa học Mỹ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng mua sắm tại các cửa hàng truyền thống các mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, dầu gội và kem đánh răng, thường dẫn đến lượng khí thải nhà kính ít hơn so với việc mua những sản phẩm này trên mạng.

Mua sắm trực tuyến gây tác hại như thế nào đến môi trường?

Lý do nằm ở cách mọi người mua sắm trực tuyến: Thường thì khi mua hàng trực tuyến, người mua chỉ mua một vài mặt hàng cho mỗi lần mua. Trong khi đó, "khi mua sắm trong một cửa hàng, người tiêu dùng thường mua một lúc với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí đi lại", theo ông Sadegh Shahmohammadi, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học Môi trường tại Đại học Radboud, Hà Lan.

 - Ảnh 1.

Mua sắm truyền thống tạo ra ít khí thải nhà kính hơn mua sắm trực tuyến. (Ảnh: CNN)

Ngoài ra, mua hàng trực tuyến thường xuyên tạo ra nhiều rác thải bao bì hơn, mỗi mặt hàng mua trực tuyến lại thường đến từ một nhà phân phối khác nhau, đồng nghĩa với việc nhiều xe giao hàng phải di chuyển trên đường, dẫn đến gia tăng kẹt xe, tăng tiếng ồn và tăng ô nhiễm.

Tất cả các yếu tố trên dẫn đến phát thải khí nhà kính cao hơn trên mỗi mặt hàng.

Nhóm nghiên cứu đã mô hình hóa nghiên cứu của họ về sự chuyển động của hàng hóa từ nhà máy cho đến người tiêu dùng cuối cùng.

Sau đó, họ đặc biệt tập trung vào một phần của chuỗi cung ứng bán lẻ gọi là phân phối "chặng cuối", tức là khoảng cách giữa cửa hàng với khách hàng hoặc trong trường hợp mua sắm trực tuyến là khoảng cách giữa trung tâm phân phối hàng hóa tới khách hàng.

Sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích lượng khí thải các-bon trong công đoạn "giao hàng chặng cuối" của ba loại kênh mua sắm phổ biến nhất ở Anh và Mỹ gồm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng; "brick & clicks" (đặt hàng trực tuyến các sản phẩm và cửa hàng truyền thống tiến hành giao hàng) và "pure player" (chỉ tập trung vào bán hàng trực tuyến). Kết quả cho thấy, tại Anh, lượng khí nhà kính trên mỗi mặt hàng được mua trực tiếp tại các cửa hàng cao hơn "brick & clicks" là 63%, nhưng lại thấp hơn hình thức "pure players" tới 81%.

Còn tại Mỹ, trung bình lượng khí thải nhà kính từ việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống cũng được ước tính cao hơn so với "brick & clicks", và thấp hơn so với "pure players".

Theo CNN, gần 1/4 lượng khí thải nhà kính của ngành vận tải là do xe tải hạng vừa và hạng nặng dùng trong khâu giao hàng chặng cuối gây ra.

Liệu có giải pháp nào cho vấn đề nan giải này?

Tại Thụy Điển, ông Carl-Magnus Norden đang lên kế hoạch áp dụng một giải pháp để hạn chế khí thải nhà kính từ việc giao hàng. Norden là CEO của Volta Trucks, chuyên sản xuất xe giao hàng điện. Những chiếc xe nguyên mẫu đầu tiên được kỳ vọng sẽ ra mắt vào cuối năm 2020.

 - Ảnh 2.

Xe giao hàng Volta hứa hẹn giúp giảm khí thải nhà kính. (Ảnh: motoringresearch.com)

Xe tải Volta tạo ra tiếng ồn ít hơn 50% so với các phương tiện thông thường và không tạo ra khí thải. Vì không có động cơ cồng kềnh, ghế lái nằm ở trung tâm phía trước của xe tải, với cửa sổ bao quanh, cảm biến và camera ở mọi phía, điều này giúp cung cấp cho người lái một tầm nhìn rộng hơn, cải thiện khả năng của người lái để phát hiện người đi bộ và người đi xe đạp.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ có thể giảm lượng khí thải carbon bằng cách khuyến khích người mua sắm mua hàng theo cụm. Bằng cách khiến khách hàng nhận hàng từ một địa điểm gần nhà, ví dụ như một trạm xăng, lượng khí thải có thể giảm. Phương pháp này cũng giúp bù đắp sự tắc nghẽn trong các thành phố gây ra bởi các phương tiện giao hàng.

Chia sẻ