Mùa này, nhà nhà cần cảnh giác cao độ với bệnh sốt xuất huyết

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị kịp thời có thể gặp phải nguy cơ cô đặc máu và giảm tiểu cầu.

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng, 29/30 quận, huyện tại Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết đặc biệt số ca mắc nhiều nhất vẫn là quận Hoàng Mai (464 trường hợp), quận Đống Đa (288 trường hợp), quận Hai Bà Trưng (271 trường hợp) và một số quận, huyện ven đô...  

sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát vào tháng 4 - 5 và đỉnh điểm là vào tháng 10 - 11, bệnh mắc rải rác và hình thành những ổ dịch nhỏ trong khu dân cư. Nhất là tại những nơi dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh kém, nhiều công trình xây dựng dở dang…

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), số ca nhập viện điều trị sốt xuất huyết tăng trong tháng 10. Nhưng chưa có bệnh nhân nhân nặng dẫn tới tử vong.

Trong 3 ngày đầu bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ sốt cao như sốt virus. Người bệnh sẽ kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức người, đau cơ, đau hốc mắt, đau họng, buồn nôn…
  
“3 ngày đầu cũng là thời điểm tốt nhất để xét nghiệm và chẩn đoán ra bệnh. Trong thời gian này, bệnh cũng chưa có biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân sốt cao, thấy người nhức mỏi, sốt cao không rõ nguyên nhân cần phải đi khám ngay để điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị kịp thời có thể gặp phải nguy cơ cô đặc máu và giảm tiểu cầu. 

“Nếu bệnh nhân xảy ra hiện tượng máu bị cô đặc, thoát dịch trong máu quá nhiều có thể dẫn tới sốc. Khi bệnh nhân bị sốc nếu không được xử lý sớm, đúng cách, bệnh nhân có thể bị suy đa phủ tạng, dẫn tới tử vong. Trường hợp giảm tiểu cầu đột ngột, khiến cho khi chảy máu bệnh nhân sẽ không cầm được máu. Trong trường hợp chảy máu ở những vị trí quan trọng như: chảy máu não, xuất huyết dạ dày, rong kinh ồ ạt… bệnh nhân mất máu nhiều có thể nguy kịch”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung cấp khuyến cáo, sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm, trẻ dễ bị lịm đi, nhiều khi bố mẹ không để ý thường đưa tới viện muộn. Khi trẻ bị sốt xuất huyết tuyệt đối không nên điều trị tại nhà.

sốt xuất huyết

TS. Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, thời tiết chuyển mùa kèm theo mưa 1-2 ngày sẽ tạo điều kiện tốt cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Đặc điểm của loài muỗi sốt xuất huyết chỉ đẻ trứng tại nơi có nước sạch, nước mưa có sẵn xung quanh nhà và hiên nhà như các vũng đọng nước mưa trên mái nhà, ban công, chai lọ, bẹ lá, chậu cây cảnh, chum vại chứa nước…

TS. Vũ Đức Chính cho hay: “Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng ngừa, nên công tác phòng bệnh bùng phát chủ yếu là diệt loăng quăng - bọ gậy, diệt muỗi và phòng muỗi đốt là chính”. 

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ y tế khuyến cáo cách phòng dịch như sau:

- Tất cả các dụng cụ chứa nước cần phải được đậy kín để muỗi không thể đẻ trứng.

-  Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ những dụng cụ chứa nước nhỏ; Thay nước bình hoa thường xuyên. 

sốt xuất huyết

- Dọn dẹp phế liệu quanh nhà, san lấp các hố nước tự nhiên, loại bỏ chai, lọ, lốp xe cũ, bẹ lá… để muỗi không thể đẻ trứng.

-  Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

-  Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Chia sẻ