Mùa này đi du lịch biển đúng là "best" nhưng cần chú ý những nguy cơ này!
Những nguy cơ rình rập trong mùa du lịch biển có thể khiến chuyến đi trong mơ của bạn hóa cơn ác mộng trong phút chốc. Phải làm sao để phòng tránh đây?
Một mùa du lịch biển nữa lại về và chúng ta lại bắt đầu ấp ủ những chuyến đi vui vẻ, đầy ắp những bức ảnh sống ảo, gắn kết tình thân. Thế nhưng, du lịch biển cũng có rất nhiều nguy cơ đi kèm, nhắc nhở mọi người cần chú ý để chuyến đi thành công nhất có thể.
5 nguy cơ thường gặp trong mùa du lịch biển cần nắm rõ để phòng tránh:
- Say nắng.
- Cháy nắng.
- Nguy cơ bị sứa cắn.
- Nguy cơ bị giun biển tấn công.
- Đồ hải sản, đồ ăn tái sống ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Phòng tránh 5 nguy cơ thường gặp trong mùa du lịch biển
Nguy cơ say nắng
Khi đi du lịch biển, chúng ta thường có những hoạt động vui chơi bên ngoài bãi biển nhiều hơn. Do đó, nguy cơ bị say nắng là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi đi du lịch biển.
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), say nắng, say nóng được gọi là chứng trúng thử với cơ chế sinh bệnh là do chính khí hư suy (giảm sức đề kháng).
Giải pháp:
- Khẩn trương đưa người bệnh đến chỗ râm mát, thoáng gió, cởi bỏ và nới rộng quần áo. Cho uống một ít nước muối nhạt hoặc nước lạnh. Dùng khăn thấm ướt nước lạnh hoặc rượu trắng lau các hốc tự nhiên như hõm nách, bẹn...
- Để phòng tránh nên tránh ra ngoài nắng vào buổi trưa. Chỉ nên đi tắm biển từ khoảng 8 giờ sáng đổ lại và buổi chiều cũng chỉ nên ra biển từ khoảng 4 giờ, tránh ra quá sớm. Bổ sung vitamin C một cách thường xuyên thông qua các loại rau xanh và trái cây. Chúng ta cũng cần uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.
Nguy cơ cháy nắng
Khi đi du lịch biển, chúng ta thường có xu hướng ăn mặc mát mẻ hơn, để lộ da thịt nhiều hơn. Điều này giúp bạn tận hưởng kỳ nghỉ thoải mái nhất, vui vẻ nhất, có những bức ảnh lung linh nhất. Thế nhưng, hành động này vô tình có thể khiến bạn bị cháy nắng toàn thân. Biểu hiện của da bị cháy nắng là da đỏ, sưng viêm, đau rát. Trong trường hợp làn da bị cháy nắng nặng, du khách có nguy cơ phát triển gấp đôi các khối u ác tính - hình thức nguy hiểm nhất của ung thư da.
Giải pháp: Theo các chuyên gia da liễu, cách tốt nhất để phòng ngừa làn da bị cháy nắng là:
- Những khi không còn "sống ảo" hãy nhanh chóng mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính mát.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15. Nên thoa kem chống nắng lên cơ thể trước khi ra nắng khoảng 30 phút và bôi lại sau mỗi 2 giờ.
Nguy cơ bị sứa cắn
Khi đi du lịch biển, nguy cơ dẫm phải sứa, bị sứa cắn rất cao. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), sứa là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Sứa còn sống chứa nhiều độc tố và khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng.
Độc tố của sứa biển, thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ.
Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.
Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.
Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan, khó thở khò khè. Thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi thì phải đến viện ngay để được hồi sức và chống sốc.
Giải pháp:
- Nên mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh và một chai giấm để khi bị sứa đốt thì chủ động xử lý để bảo vệ mình và người thân khi tắm biển.
- Khi xuống tắm nếu thấy cơ thể bị ngứa cần lên bờ ngay kiểm tra xem có phải bị sứa cắn hay không để còn điều trị kịp thời.
Giun biển tấn công
Giun biển có hình dáng bên ngoài gần giống con rết và có cơ chế gây ngứa bằng lông giống như sâu. Khi chạm phải giun biển, nhất là ở các vùng da mỏng, nhạy cảm, con người có thể bị rộp. Đối với những người dễ bị dị ứng thì tình trạng có thể trở nên nặng hơn, phải vào viện xử lý.
Giải pháp:
- Để phòng chống nguy cơ chạm phải giun biển, chuyên gia khuyên, khi đi tắm biển mọi người cần hết sức thận trọng, quan sát kỹ để tránh chạm vào.
- Tốt nhất là không chạm vào những vật thể lạ khi đi biển để tránh rủi ro.
- Nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi người, nhất là trẻ nhỏ có tính tò mò, hiếu động.
- Nếu chẳng may chạm vào giun biển cần nhanh chóng rửa sạch bằng nước biển, sau đó sử dụng một số loại thuốc bôi da theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
- Nếu lo lắng giun biển tấn công, trước khi đi biển tốt nhất nên đến gặp bác sĩ da liễu để mua một số loại thuốc phòng chống côn trùng biển gây tổn thương da, sẵn sàng ứng cứu kịp thời.
Đồ hải sản, đồ ăn tái sống ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc lựa chọn thức ăn luôn là khâu quan trọng. Dù có được giới thiệu là ngon, bổ hay hấp dẫn đến mấy thì tất cả các món gỏi, món sống đều là loại thức ăn không an toàn, nguy cơ chứa mầm bệnh rất cao. Những món ăn này lại rất phổ biến trong mùa du lịch biển.
Các món cá gỏi, thịt sống là ổ chứa mầm bệnh của nhiều loại tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa và từ đường tiêu hóa tới các cơ quan, bộ phận khác. Có thể kể đến như ăn gỏi cá là nguy cơ mắc bệnh sán lá gan nhỏ, ăn nem thính có nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn và ấu trùng sán lợn, ăn hải sản nấu chưa chín có nguy cơ mắc tiêu chảy...
Giải pháp:
- Trong mọi trường hợp khi đi du lịch, thức ăn chín luôn là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu.
- Đối với người bụng dạ yếu, dễ bị bệnh đường tiêu hóa cần hết sức cẩn trọng, không nên thử đồ ăn lạ một cách tùy tiện.
- Để phòng tránh bệnh, bạn có thể mua thêm men tiêu hóa hoặc thuốc trị tiêu chảy để phòng tránh.