Mua mỹ phẩm "secondhand": Rẻ nhưng nhiều rủi ro
Những hộp phấn, thỏi son hàng hiệu còn mới từ 80% đến 95% với giá bán chỉ bằng một nửa so với hàng cũ tưởng như món hời lại có thể khiến người mua tiền mất tật mang khi vớ phải hàng giả, hàng hết hạn.
Với các tiêu chí nhanh chóng, có sẵn hàng, mua mỹ phẩm online ngày càng được nhiều chị em tin dùng. Bên cạnh các topic bán mỹ phẩm xách tay thì các topic giao bán mỹ phẩm đã qua sử dụng cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo chị em.
Chỉ cần click chuột vào các mục mỹ phẩm, làm đẹp tại các diễn đàn mua sắm online như muare, enbac, 5giay..., chị em rất dễ bị hoa mắt bởi hàng trăm topic rao thanh lý mỹ phẩm với đủ các thương hiệu và chủng loại.
Cả thèm chóng chán là lý do thanh lý đồ của nhiều chị em.
Đa phần các loại mỹ phẩm được mang ra thanh lý đều là sản phẩm của những thương hiệu tên tuổi và uy tín. Sang hẳn có thể kể đến Hermès, Dior, Chanel, Shiseido... hay bình dân hơn thì là Esteer Lauder, Clinique, Tarte, Shu Uemure... với đủ loại từ nước hoa, lọ kem nền, hộp phấn phủ, cây son cho đến chì kẻ mắt.
Những loại mỹ phẩm thanh lý hầu hết đều đã qua sử dụng và bị bán bởi các lý do "mua nhầm màu", "không hợp", hay ... "hết tiền nên thanh lý". Tùy tình trạng sử dụng mà những món đồ này được chủ nhân định giá. Tuy nhiên thông thường các loại mỹ phẩm đã qua sử dụng này thường được quảng cáo mới trên 70% và được bán với mức giá chỉ bằng 40-70% so với giá mua mới thông thường. Đây chính là yếu tố hấp dẫn khiến nhiều chị em trở thành con nghiện săn đồ mỹ phẩm cũ.
Chủ nhân sẵn sàng chịu lỗ để "đẩy" đi những món đồ hết thích.
Hải Đăng (HCM) cho biết: "Ai cũng muốn dùng mỹ phẩm xịn nhưng không phải ai cũng có đủ kinh tế để sắm đồ mới vì giá mỗi món mỹ phẩm hiệu nhẹ nhàng cũng phải trên 500 ngàn. Chịu khó săn lùng mua lại mỹ phẩm dùng rồi trên mạng, vừa được dùng đồ xịn mà lại hợp túi tiền". Cô khoe, vừa mua được hộp phấn phủ Chanel còn đến 85% với giá 600 ngàn đồng.
Bộ sưu tập nước hoa hoành tráng của cô nàng nghiện mua đồ thanh lý.
Cùng lý do như Đăng, Minh Hồng (Hà Đông) thì tiết lộ: "Mình không nghiện mỹ phẩm nhưng rất kết nước hoa. Nhưng vì thích rất nhiều loại và dùng chẳng biết đến bao giờ mới hết, hơn nữa lại muốn sưu tập nên săn mua nước hoa thanh lý cho rẻ".
Nguy cơ trà trộn hàng nhái, quá date
Mua hàng online đặc biệt là hàng đã qua sử dụng chủ yếu dựa vào lòng tin nên bên cạnh niềm vui khi mua được những món đồ tốt, giá rẻ, không ít người đã nếm trái đắng bởi những kẻ lợi dụng tâm lý ham rẻ của chị em để trà trộn bán hàng fake, hàng hết hạn sử dụng nhằm kiếm lời.
Cô nàng nghiện nước hoa Thu Hà kể lại kinh nghiệm đau thương: "Có lần, tôi thấy có người rao bán một chai Dior J'adore 50ml còn 80% với giá 850 ngàn. Do đang kết chai này nên dù người bán không phải thành viên quen thuộc, tôi vẫn thử hỏi. Thấy người bán rất nhiệt tình mang đến tận nhà cho thử, sau kiểm tra qua bao bì và check code chai thấy ổn, xịt thử thấy đúng mùi tôi quyết định mua. Đến mấy hôm sau, nhân dịp đi chơi cùng công ty tôi mang nước hoa ra dùng thì mới thấy bất ổn. Chai mua trên mạng chỉ giữ mùi được khoảng 5 tiếng trong khi tôi xịt thử chai này của cô bạn mang từ Pháp về thì giữ mùi được cả ngày. Mang qua nhờ cô bạn thẩm định thì cô ấy "phán" tôi đã mua phải hàng fake 1- tức là nhái siêu giống, chỉ kém về độ giữ mùi. Đến lúc gọi điện thì người bán đã tắt máy từ bao giờ".
Bao bì hàng thật và hàng giả giống nhau đến 90%, rất khó để phân biệt - (ảnh: internet)
Không mua phải hàng giả như Hà, nhưng Ngọc (Bạch Mai) lại khốn khổ vì ham chút rẻ mà dính hàng quá hạn sử dụng. Lúc mua hàng cô đã "soi" rất kỹ code, nhãn rồi check cả hạn sử dụng mới quyết định mua nhưng: "Khi sử dụng cây mascara Dior mua thanh lý, tôi thấy mi mình rất nặng, mi cũng không tơi như cây trước đây. Đến lúc kiểm tra thông tin của người bán, tôi phát hiện trong một topic trao đổi về kinh nghiệm sử dụng mỹ phẩm, người bán hàng khoe đã mua và sử dụng cây mascara này từ 9 tháng trước, trong khi hạn sử dụng của mascara chỉ là 6 tháng từ ngày mở nắp. Đương nhiên cây mascara đó phải bỏ đi, và cũng may mắt tôi chưa bị làm sao".
Khi Ngọc gọi điện cho người bán thì chủ cũ của cây mascara chối đây đẩy và khẳng định hàng của mình...chỉ mới sử dụng. "Coi như 400 ngàn lấy bài học khi mua mỹ phẩm cũ" - Ngọc nói.
Tự trang bị những kĩ năng cần thiết khi mua mỹ phẩm cũ
Dù vẫn còn khá nhiều rủi ro nhưng không thể phủ nhận được hấp dẫn về mặt kinh tế khi mua mỹ phẩm đã qua sử dụng. Tuy nhiên, để tránh biến mình thành những con "gà béo", chị em nên tự trang bị cho mình một số kiến thức cần thiết như kiểm tra hạn sử dụng, code sản phẩm.
Thu Hà cho biết sau lần mua phải nước hoa fake, trước khi mua hàng, cô thường dùng google kiểm tra rất kỹ về thông tin người bán như địa chỉ nhà, các giao dịch gần đây, có ai than phiền về chất lượng hàng hóa hay chưa. "Nếu người bán ở cùng Hà Nội, tôi sẽ đến tận nhà mua để còn tiện "bắt đền" nếu có vấn đề về chất lượng. Nếu quá thích món đồ nào mà người bán ở nơi khác, tôi sẽ nhờ bạn cùng ở nơi đó đến xem rồi mới mua. Nếu không có thì... nhịn không mua nữa cho khỏi mất tiền mà lại ôm nỗi ấm ức vào trong lòng", chị cho biết.
Các loại mỹ phẩm, đặc biệt là hàng cao cấp không phạm phải những lỗi cơ bản như in sai tên thương hiệu. Ở đáy của các sản phẩm cao cấp đều có mã số trùng với code vỏ hộp. Trừ một số sản phẩm không sử dụng hương liệu, đa phần, các loại mỹ phẩm đều có mùi hương dễ chịu.
Nên kiểm tra kỹ code in trên sản phẩm và bao bì - (ảnh: internet)
Hiện tại, có một số trang web miễn phí có thể check hạn sử dụng bằng code sản phẩm, do vậy, chị em có thể sử dụng cách này để kiểm tra sản phẩm trước khi mua.
Một số loại mỹ phẩm đặc biệt như mascara, chì, phấn mắt có hạn sử dụng chỉ từ 3-6 tháng từ ngày mở nắp chứ không chỉ tính bằng hạn sử dụng từ ngày sản xuất như thông thường.
Theo lời khuyên của các bác sĩ da liễu và chuyên gia trang điểm, bạn không nên chia sẻ hay dùng chung mỹ phẩm với bất cứ ai, vì nó tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, tăng cường nguy cơ kích ứng da, dị ứng. Thường xuyên thay đổi các loại mỹ phẩm cũn không phải là một giải pháp tối ưu vì nó gây nên những tổn hại cho da. |