Mua được nhà và xe với mức thu nhập 25 triệu/tháng, nhìn bảng chi tiêu này ai cũng phải trầm trồ, nhưng vẫn tiếc 1 thứ
Không thể không nể cách quản lý chi tiêu của gia đình này.
“Thu nhập bao nhiêu mới đủ để mua nhà?”, có lẽ, đây là băn khoăn của phần lớn những người chưa có nhà riêng. Đương nhiên, thu nhập cũng phải ở mức ổn ổn, đủ để trang trải cuộc sống và có dư, thì mới tính đến chuyện mua nhà.
Tuy nhiên, thu nhập không phải là yếu tố quan trọng duy nhất, quyết định việc một người có mua được nhà hay không. Cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm cũng quan trọng không kém. Đôi khi, thu nhập chưa cao mà biết tích góp, hành trình mua nhà sẽ rút ngắn đi phần nào.
Tâm sự của một cô vợ 35 tuổi dưới đây là minh chứng cho điều đó.
Thu nhập 20-25 triệu vẫn mua được nhà và xe
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cô vợ đã kể về hành trình mua nhà, mua xe của mình.
Với mức thu nhập dưới 30 triệu đồng mỗi tháng, cô luôn quản lý chi tiêu như sau để có tiền tiết kiệm, tiền trả nợ mua nhà, mua xe.
- Tiền ăn (mua thực phẩm, gia vị, gạo): 9 triệu đồng. Gia đình 4 người, gồm vợ chồng cô và 2 con (1 bé lớp 2, 1 bé 5 tuổi).
- Tiền học của 2 con: 3,4 triệu đồng
- Tiền sữa của 2 con: 1,2 triệu đồng
- Xăng xe, điện thoại: 700.000đ
- Tiền mua thuốc cho bà ngoại: 1,5 triệu đồng
- Tiền điện nước (đóng cho cả ông bà ngoại ở quê): 1,1 triệu đồng
- Về quê, phát sinh thăm hỏi họ hàng: 1,5 triệu đồng
“Các khoản tiết kiệm và kiếm thêm được trong những năm trước đây, vợ chồng em đã dùng để trả nợ mua nhà và mua thêm 1 chiếc ô tô cũ chưa tới 100 triệu, phục vụ việc đi lại về quê. Em vừa hết nợ năm ngoái, nhưng năm nay mẹ đẻ em ốm đau nhập viện nên điều trị cũng tốn kém. Tháng 6 vừa qua em lại bị người quen lừa mất 230 triệu nên thành ra bây giờ không có dư chút nào. Hiện tại, hàng tháng em chỉ tiết kiệm cố định được 1 khoản là 2 triệu, năm nay đến giờ mới để dành được 50 triệu, Tết này có thưởng thêm được tầm 20-30 triệu thì lại dùng để trả nợ khoản bị lừa” - Cô viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người tỏ ra nể phục cách cô quản lý chi tiêu. Thu nhập chưa tới 30 triệu/tháng mà mua được nhà và xe, chuyện này không phải ai cũng làm được. Khoản tiền 230 triệu bị lừa, tuy không nhỏ, nhưng cũng không quá lớn, coi như “của đi thay người” để cảnh giác hơn, tránh mất tiền oan về sau.
Lên kế hoạch, phân bổ chi tiêu sao cho hợp lý?
Nếu vẫn còn cảm thấy băn khoăn, không biết phân bổ chi tiêu thế nào cho hợp lý để cuộc sống vừa đủ đầy, thoải mái mà vẫn có tiền tiết kiệm, bạn có thể tham khảo cách phân bổ chi tiêu theo 6 chiếc lọ - là 6 nhu cầu cần thiết và chính đáng trong cuộc sống.
Đây là công thức được tạo ra bởi T. Harv Eker - Tác giả của 2 cuốn sách bán Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth).
Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ để duy trì thói quen tiết kiệm, đồng thời có một lối sống cân bằng (không hưởng thụ quá mức nhưng cũng không phải sống quá khổ, quá tằn tiện).
Harv Eker khuyên bạn nên chia thu nhập hàng tháng thành 6 chiếc lọ, tương đương với 6 khoản quỹ chi tiêu:
1. 55% thu nhập cho Quỹ nhu cầu thiết yếu: Chi phí sinh hoạt, ăn uống, di chuyển,...
2. 10% thu nhập cho Quỹ giáo dục: Mua sách, đăng ký tham gia các khóa học cải thiện kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực nghề nghiệp bạn đang theo đuổi.
3. 10% thu nhập cho Quỹ trải nghiệm: Mua các sản phẩm chăm sóc bản thân hoặc mua trải nghiệm mới (đi du lịch, dùng bữa tại các nhà hàng sang trọng,...)
4. 10% thu nhập cho Quỹ tự do tài chính: Hay còn có tên gọi khác dễ hiểu hơn chính là quỹ hưu trí - khoản tiền giúp bạn sống thảnh thơi, an tâm lúc về già.
5. 10% thu nhập cho Quỹ tiết kiệm dài hạn: Khác với quỹ tự do tài chính, quỹ tiết kiệm dài hạn là khoản tiền phục vụ cho các nhu cầu lớn trong cuộc sống của mỗi cá nhân như mua nhà, mua xe, kết hôn,...
6. 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác: Đây là khoản quỹ để bạn đi làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè…
Harv Eker khuyên mọi người nên lập 6 tài khoản ngân hàng khác nhau tương đương với 6 chiếc lọ trên và chia thu nhập vào từng tài khoản vào ngày đầu mỗi tháng, để tránh việc khoản quỹ này "lẹm" vào khoản quỹ kia.
Trong trường hợp bạn chưa đủ tự tin để duy trì các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống (chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại), Harv Eker khuyên bạn có thể cân nhắc dồn 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác vào Quỹ nhu cầu thiết yếu. Ông cũng nhấn mạnh rằng để duy trì thói quen tiết kiệm và có một lối sống cân bằng, khoản Quỹ giúp đỡ người khác là đầu mục duy nhất mà bạn nên cắt bỏ trong thời gian ngắn hạn.