Mua đồ cũ và những quan điểm "tiêu dùng ngược" giúp cô gái 9x ở TP HCM tiết kiệm tới 5 triệu đồng/tháng
"Tiêu dùng ngược" giống như một cuộc khám phá hướng tới tương lai và dần đưa người trẻ về sát thực tế. Nó nhấn mạnh đến việc sử dụng hợp lý và chi tiêu đồng tiền 1 cách hiệu quả.
“Tiêu dùng ngược” âm thầm nổi lên và đang dần thay đổi quan niệm tiêu dùng cũng như quy luật vận hành thị trường của chúng ta.
Vì sao giới trẻ bắt đầu tiêu dùng theo hướng ngược lại?
* Phạm Lan Chi (25 tuổi, TP HCM): "Trong 1 năm thay đổi cách mua sắm, mình tiết kiệm được 60 triệu đầu tiên, tương đương khoảng 5 triệu/tháng"
Chia sẻ rõ hơn, Lan Chi cho biết, cô bạn bắt đầu nghiêm túc với việc quản lý chi tiêu kể từ khi bị sa thải lần đầu tiên vào 2 năm trước (tức năm 2021). Cũng chính từ thời điểm này, Lan Chi buộc phải thay đổi thói quen tiêu dùng, thậm chí cô nàng còn khắt khe tới mức theo dõi và ghi chép lại tất cả các khung giờ giảm giá ở siêu thị, lục tung cả thành phố để tìm các địa chỉ bán đồ 2hand,...
"Trước đây, mình không có thiện cảm mấy với đồ 2hand hay các mặt hàng giảm giá trong siêu thị. Nhưng khi chấp nhận thay đổi cũng là lúc mọi thứ thực sự khiến mình cảm thấy bất ngờ.
Từ các món đồ như: bát đĩa, bình hoa, quần áo hay thiết bị gia dụng trong nhà, mình tập chuyển dần sang dùng đồ cũ. Còn lại, với những món đồ skincare (chăm sóc da), mình chuyển sang chọn các thương hiệu trong nước.
Nếu trước đây, 1 tháng mình tốn đâu đó khoảng 5 triệu tiền đi siêu thị thì hiện giờ, số tiền này giảm xuống chỉ còn 2 triệu. Mình hay đi mua vào các khung giờ giảm giá, tuy nhiên, việc này cũng đồng nghĩa với thời hạn sử dụng của các loại đồ ăn bị rút ngắn lại, nên mọi người hãy tính toán thật kĩ và cân nhắc khi lựa chọn nhé. Với bản thân mình, vì buổi tối đi học, đi làm về khá muộn nên mình sẽ tiện ghé qua siêu thị để mua đồ ăn trong đó và về sử dụng luôn. Tính ra mỗi bữa ăn buổi tối của mình chỉ còn khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Với các mặt hàng thịt cá, mình sẽ chọn loại rẻ hơn vì chúng thường luân phiên tăng - giảm. Cũng nhờ việc này mà mình tìm ra và học được nhiều cách chế biến các món ăn khác nhau từ 1 loại thịt hơn.
Là con gái, chi tiêu hàng tháng của mình thường cũng sẽ tốn thêm vài triệu đồng cho khoản áo quần, skincare... Nhưng bây giờ, vì mình chọn sử dụng các thương hiệu trong nước hoặc đồ 2hand nên sẽ tiết kiệm thêm được khoảng 2 triệu đồng/tháng nữa. Tính ra cũng tiết kiệm được 5 triệu đồng/tháng đấy!" - Lan Chi nói.
Lan Chi cũng cho biết, khi cô bạn đang tìm kiếm những đồ vật cũ có giá trị trên thị trường đồ cũ cũng có nghĩa là Chi đang tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo trên các nền tảng mạng xã hội. Chi không chỉ đơn giản là thực hiện một giao dịch lặp đi lặp lại mà còn đang tìm cách giúp bản thân kết nối nhiều hơn với thế giới ngoài kia và khám phá thêm cả những điều mới mẻ.
* Trần Hà Thương (29 tuổi, Hà Nội): "Thay đổi cách di chuyển, mình không chỉ tiết kiệm được tiền mà cơ thể còn khỏe khoắn hơn"
Bình thường, Thương hay đi xe máy. Khi nào có việc cần đi xa hoặc dự tiệc, đám cưới, cô bạn sẽ chọn đi taxi. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, Hà Thương chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
"Dù đi bus hay tàu điện trên cao thì mình vẫn sẽ phải đi bộ 1 đoạn khá dài. Ban đầu, đây là điều cản trở mình áp dụng thói quen này vào cuộc sống. Thế nhưng 1 đợt, mình muốn đi tập thể dục song lại không có thời gian. Vậy là mình liền nghĩ đến cách này và thực hiện.
Cuối cùng, thay vì mất khoảng 2 triệu đồng tiền chi phí đi lại như trước đây, bao gồm: Tiền xăng dầu, phí gửi xe, bảo dưỡng định kì và 1 khoản nho nhỏ cho tiền thuê taxi mỗi khi cần, mình chỉ phải trả 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Tiết kiệm được 1 khoản không hề nhỏ mà đến mình cũng phải bất ngờ.
Chưa hết, sức khỏe của mình cũng cải thiện đáng kể vì được vận động đều đặn hàng ngày" - Hà Thương nói.
Có thể thấy, ngày nay, khi bạn đứng ở bất cứ đâu, dù là một con phố thương mại sầm uất hay trong ngõ hẻm vắng lặng, bạn đều có thể nắm bắt được một hiện tượng mới, thậm chí đôi phần khó hiểu. Một trong số đó chính là cách chi tiêu của người trẻ.
"Tiêu dùng ngược" và thị trường trong xã hội hiện đại
Đằng sau nền kinh tế thị trường hào nhoáng thực chất còn ẩn chứa một nền văn hóa tiêu dùng “cấp cơ sở” chưa được biết đến.
Lấy số liệu từ thị trường đồ cũ đang thu hút nhiều sự chú ý trong những năm gần đây, theo dữ liệu từ các tổ chức nghiên cứu, dự kiến quy mô của thị trường đồ cũ toàn cầu sẽ mở rộng nhanh chóng trong vài năm tới. Nó có thể đạt quy mô 64 tỷ USD vào năm 2025, với giới trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z, trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng của thị trường này.
Công nghệ Internet tiện lợi và hệ thống hậu cần ngày càng hoàn thiện đã xây dựng nên một nền tảng cung cấp khả năng không giới hạn cho kiểu “tiêu dùng ngược” này.
Trên các nền tảng đồ cũ trực tuyến như: Taobao và Xianyu, cũng như tại các chợ trời ngoại tuyến trong cộng đồng, thế hệ trẻ thể hiện thái độ thân thiện với môi trường, hợp lý và hiệu quả trong các lựa chọn tiêu dùng.
Đồ 2hand và hàng nội địa ngày càng được giới trẻ tìm kiếm nhiều, không chỉ nhằm mục đích tiết kiệm. (Ảnh minh họa)
Họ đổi những món đồ không còn cần thiết với mình (nhưng có ý nghĩa với người khác) lấy những "món đồ nhàn rỗi" của người khác (nhưng thiết thực với bản thân). Trong quá trình này, họ không chỉ giảm thiểu rác thải mà còn tạo ra những bước đi vững chắc trong việc bảo vệ môi trường.
Điển hình, không khó để nhận thấy ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn xe đạp, xe công cộng để đi du lịch; du khách trẻ lựa chọn thuê xe ngắn hạn khi sinh sống đã dần trở thành xu hướng mới. Sự lựa chọn này đã giảm bớt gánh nặng tài chính của chính họ và cũng giảm bớt phần nào áp lực giao thông cùng cuộc sống trong thành phố.
"Tiêu dùng ngược" còn được thể hiện ở việc phản kháng lại thói quen tiêu dùng vô nghĩa. Không ít người trẻ từ chối tham gia vào các hành vi tiêu dùng chỉ nhằm theo đuổi hình thức, khoe khoang hay tranh giành sự phù phiếm, chẳng hạn như chống lại cơn cuồng mua sắm giảm giá một cách mù quáng... Những hành vi này thực chất là hành động nhằm âm thầm đưa ra đáp án về văn hóa tiêu dùng phổ thông và tìm ra cách tiêu dùng có ý nghĩa hơn.
Cánh cửa dẫn vào thị trường này có thể là chìa khóa đưa chúng ta khám phá bản chất của việc tiêu dùng. Đó không chỉ là một giao dịch mua bán đơn giản mà còn là sự trao đổi các giá trị và sự va chạm của các nền văn hóa. Đằng sau điều này là nhiều suy nghĩ về tự do, lý trí, trách nhiệm và tương lai.
Điều này có thể chỉ ra rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy một thị trường tiêu dùng đa dạng, toàn diện và hợp lý hơn. Tại đây, mọi người đều có thể tìm ra phương thức tiêu dùng phù hợp nhất dựa trên giá trị và nhu cầu của bản thân, thay vì bị thị trường chi phối và kiểm soát.
Tổng kết
"Tiêu dùng ngược" giống như một cuộc khám phá hướng tới tương lai và thực tiễn cuộc sống. Nó nhấn mạnh đến việc sử dụng hợp lý và phân phối hiệu quả. Nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng trên hành tinh ngày càng đông đúc này, mọi lựa chọn được đưa ra đều đáng để suy ngẫm thật kĩ trước khi hành động.