Mua đồ ăn vặt trên đường đi học về, cậu bé 12 tuổi tử vong vì nghẹn bò viên: Lời cảnh tỉnh và kinh nghiệm xoay xở khi trẻ hóc dị vật
Vài năm trở lại đây, hóc dị vật trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người nhưng thực tế đây là kỹ năng sống mà bạn có thể cứu sống chính mình và người thân nếu đảm bảo làm đúng kỹ thuật.
Từ chuyện cậu bé 12 tuổi ở Hong Kong tử vong vì nghẹn cục bò viên, hóc dị vật gây tử vong đã đến mức báo động
Theo Straitstimes, Chau tan học ở khu Wong Tai Sin, Hong Kong, chiều 22/2. Trên đường về nhà, cậu bé vào một quán bên đường mua đồ ăn vặt gồm xíu mại, cá viên và bò viên với 24 đôla Hong Kong. Không may Chau bị mắc nghẹn khi ăn một cục bò viên, thở hổn hển. Nhân viên bảo vệ phát hiện, lập tức gọi xe cứu thương đưa cậu bé tới Trung tâm y tế.
Chau bị mắc nghẹn khi ăn một cục bò viên, thở hổn hển.
Mặc dù đã hết sức cứu chữa nhưng do khi chuyển đến bệnh viện, não của bé đã tổn thương nghiêm trọng cùng tình trạng thiếu oxy ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể, cậu bé qua đời vào sáng 24/2.
Đây không phải là trường hợp hiếm về hóc dị vật. Nhất là hóc nghẹn khi đang ăn uống do nói chuyện hay đi bộ. Vào tháng 8/2018, một cậu bé 7 tuổi ở Malaysia đã tử vong do bị hóc hạt chôm chôm. Trước đó vào tháng 3/2018, báo chí cũng đưa tin một bé gái 2 tuổi ở Hong Kong tử vong sau khi hóc nghẹn một quả nho.
Chuyện hóc dị vật và tử vong cũng không hề mới mẻ gì tại Việt Nam. Tại Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), từ tháng 9/2017 đến nay, tiếp nhận 17 ca hóc dị vật. Trong đó, có 1 ca tử vong do hóc cọng kẽm quấn quanh đầu cây xúc xích, biến chứng viêm phổi kéo dài, nhiễm trùng huyết.
1 ca tử vong do hóc cọng kẽm quấn quanh đầu cây xúc xích, biến chứng viêm phổi kéo dài, nhiễm trùng huyết.
Đầu năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), cho biết một bé gái được chuyển vào khoa Cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở do hóc dị vật. Mặc dù, các bác sĩ nỗ lực cứu chữa song bé đã tử vong do chuyển đến bệnh viện quá chậm. Nguyên nhân là do bị nghẹn viên cá viên chiên trước đó được mẹ bé cho ăn.
Điều đáng nói là câu chuyện hóc dị vật không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà ngay cả ở những người trưởng thành, người khỏe mạnh bình thường vẫn có thể gặp phải phen hú vía do hóc nghẹn. Điều quan trọng là cần phải nắm đúng kỹ thuật sơ cứu để tránh những hậu quả xấu nhất.
Để sơ cứu hóc dị vật đúng cách, bắt buộc phải dùng phương pháp Heimlich đẩy dị vật ra ngoài
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi bị hóc dị vật, chúng ta nên sử dụng thủ thuật Heimlich. Đây là mẹo hay chữa bệnh mà bất cứ ai cũng nên dắt túi, đồng thời cũng là kỹ năng sống, giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Để sơ cứu khi bị hóc dị vật, chúng ta cần thực hiện những bước sau theo thủ thuật Heimlich:
Khi bị hóc dị vật, chúng ta nên sử dụng thủ thuật Heimlich.
Đối với người lớn
- Đầu tiên, người thân nên bình tĩnh, đỡ bệnh nhân đứng thẳng, mặt hướng về phía trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên, làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra. Thực hiện động tác nhanh và dứt khoát.
- Khi nạn nhân ngã xuống, người thân cần lật nghiêng người hoặc nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép, dùng 2 - 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa.
Đối với trẻ nhỏ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng tư vấn sơ cứu trẻ bị hóc dị vật tại nhà. (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai).
- Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
- Sau khi thực hiện xong mà trẻ vẫn khó thở và tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra, cha mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.
Đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, phụ huynh có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa chĩa ra) ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức).
Hóc dị vật là vấn nạn thường xảy ra ở trẻ nhỏ đòi hỏi người lớn phải nắm rõ cách sơ cứu.
Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.
- Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
- Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.
Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra, đề phòng dị vật còn sót lại ở đường thở.