Múa bụng – Cách giảm eo hữu hiệu cho chị em
"Ban đầu chồng của bạn tôi cấm không cho vợ đi tập vì nghĩ rằng múa bụng là thứ vớ vẩn, của các vũ nữ mà thôi".
Dẻo người, giảm eo và thú vị hơn tập aerobic
Từ 12h – 13h giờ trưa hay từ 18h – 19h tối hàng ngày, lớp học múa bụng của NSƯT Thục Anh ở Đội Cấn – Hà Nội lại rộn ràng những tiếng leng keng của dải xu va vào nhau. Những học viên hăng say luyện tập ở đây lại không phải là những diễn viên múa chuyên nghiệp. Họ tranh thủ thời gian nghỉ trưa, sau giờ làm để học múa bụng. Trang phục gọn nhẹ, để lộ chiếc eo và đeo một dải thắt lưng lấp lánh đồng xu.
"Có thể bạn không còn trẻ để học khiêu vũ, tập ba lê hay ngại đi đến phòng tập aerobic. Còn học múa bụng, bất kể ai, tuổi tác thế nào và cân nặng ra sao đều có thể theo được. Múa bụng thực sự là cảm giác mới và thú vị với những bạn không còn thích những kiểu tập truyền thống.”. Cô giáo NSƯT Thục Anh cho biết.
Chị Lan – 47 tuổi và con gái 19 tuổi (phố Ấu Triệu – Hà Nội) đã theo học lớp múa bụng của cô Thục Anh được 2 năm rồi. “Tôi đã tập aerobic rồi nhưng thích học múa bụng hơn. Tôi cảm thấy người mềm dẻo, dáng đẹp, đặc biệt là không đau xương. Các cơ thì săn chắc và cảm giác là mình nhanh nhẹn hơn rất nhiều so với tuổi. Con gái tôi theo mẹ đi tập, dáng không bị gù và ngực phát triển, nở nang” – chị Lan chia sẻ.
Múa bụng tăng cường sức khỏe và giảm eo hiệu quả
Chị Hạnh (giáo viên trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội) cho biết: “Sau một ngày làm việc mệt mỏi, đến đây được nghe nhạc, tập và thư giãn, tôi cảm thấy thoải mái rất nhiều. Tôi cũng giới thiệu khá nhiều cho các chị em mới sinh con tới để giảm eo và giảm stress.
Ban đầu chồng của bạn tôi cấm không cho vợ đi tập vì nghĩ rằng múa bụng là thứ vớ vẩn, của các vũ nữ mà thôi. Về sau, bạn tôi đi tập người khỏe ra, không phải dùng đến thuốc nhiều như trước thì chồng lại khuyến khích vợ đi tập múa bụng.
Cô Thục Anh chia sẻ: “Học múa bụng, các động tác đều dùng sức đánh vào bụng như đánh hông, lắc hông, xoay hông, vặn hông khiến cho vùng bụng của các chị em (nhất là chị em vừa sinh con xong) sẽ gọn, nhỏ và săn chắc. Múa bụng cũng không khiến chị em phải dốc sức nhiều, vùng lưng không bị ảnh hưởng, không đau khớp chân, khớp tay”.
Trong những buổi tập, cô Thục Anh còn liên tục thay đổi các động tác và bài nhạc khiến cho bài học không nhàm chán. Cô lồng ghép vào đó là những bài múa của dân tộc Việt Nam, tìm hiểu âm nhạc và giải thích cặn kẽ từng động tác, từng giai điệu khiến cho các chị em cũng được tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Ngoài giờ lên lớp, các chị em ở đây còn là những người bạn thân thiết, trao đổi và giúp đỡ nhau như những người trong cùng một nhà.