Mua bán dưa với cả tấm lòng
Khoảng 100 tấn dưa bị ngập nước của bà con tỉnh Quảng Nam đã được bán hết sau 1 tuần, với mức giá trung bình 3.000 đồng/kg
Gần 1 tuần qua, ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng mọc lên 20 điểm bán dưa tình nguyện giúp bà con bị ảnh hưởng sau cơn lũ thất thường xảy ra vừa qua. “Mỗi trái dưa là một tấm lòng”, “Chung tay ủng hộ bà con vùng lũ Quảng Nam”…, những câu kêu gọi đầy sức lan tỏa được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Không ai mặc cả, cân đong
Điểm bán dưa tình nguyện ở đường Hải Phòng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng lúc nào cũng tấp nập. Tất bật cân dưa cho khách, tình nguyện viên Nguyễn Duy Nhiên, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho biết người dân thường mua ít nhất 2-3 trái. “Có người còn cho thêm tiền ủng hộ bà con nữa", anh Nhiên xúc động.
Một điểm bán dưa tình nguyện cho bà con nông dân tỉnh Quảng Nam tại TP Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN
Mua một lúc 3 trái dưa, chị Hà Thị Quỳnh bày tỏ: “Tuần trước, đọc tin tức trên báo và xem truyền hình, nhìn cảnh bà con nông dân bị lũ gây thiệt hại mà tôi rơi nước mắt. Thấy đường phố Đà Nẵng có bán dưa giúp bà con nên tôi vào mua liền”.
Cũng như vậy, tại điểm bán dưa tình nguyện do CLB Kỹ năng thanh niên phường Vĩnh Điện tổ chức ở thị trấn Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), không khí mua bán diễn ra rất vui vẻ. “Người dân đến mua không ai mặc cả hay chi li cân đong đo đếm. Mọi người đến với nhau bằng tấm lòng”, một tình nguyện viên cho biết.
Tin tưởng nhau là chính
Người góp công lớn trong “chiến dịch” bán dưa giúp bà con vùng lũ là anh Trần Hữu Như Anh (SN 1987). Như Anh là một thành viên trong tổ chức Đội Cháo từ thiện Quảng Nam làm việc ở TP HCM. Khi nghe tin quê mình bị lũ, anh lập tức về quê, với ý định kêu gọi các thành viên trong đội giúp sức bán dưa.
Khi lời kêu gọi được Như Anh đưa lên Facebook, có 10 tổ chức tình nguyện đã tham gia bán dưa tại hơn 20 điểm ở Quảng Nam và TP Đà Nẵng. “Điều làm tôi cảm động nhất là nhiều hộ dân rất tin tưởng các tình nguyện viên. Họ không cần cân mà chỉ ước lượng số dưa rồi đưa lên xe cho chúng tôi chở đi”, anh Như Anh kể.
Anh Trần Đình Quốc Khương, Trưởng nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng, cho biết các bạn tình nguyện tham gia tự lo cơm nước, bỏ thời gian theo cả xe tải vào Quảng Nam để phụ bà con thu hoạch dưa, đưa lên xe chở đi. “Khi làm, chúng tôi xác định bằng mọi cách phải tiêu thụ càng nhanh càng tốt, bởi nếu để lâu, chất lượng dưa sẽ dở đi”, anh Khương giải thích.
Ban đầu, anh Như Anh đặt mục tiêu có thể bán được 10-20 tấn dưa cho bà con, nhưng không ngờ, tính đến chiều tối 4/4, khoảng 100 tấn dưa ngập nước đã bán hết. “Nhiều khách đến mua, thấy lời kêu gọi rồi mua thêm cả chục trái mang chia cho bà con lối xóm. Chính vì thế mà dưa mới bán nhanh như vậy”, chị Phạm Thị Thúy An, một tình nguyện viên, lý giải.
Quá tuyệt vời!
Ngày 4/4, ngược dòng sông Vu Gia, chúng tôi tìm về những nơi vừa xảy ra trận lũ bất thường. Dưới cái nắng như thiêu đốt của những ngày đầu tháng 4, nhiều nông dân tất bật làm đất để trồng cây mới. Trên gương mặt họ, nỗi lo âu đã thay bằng nụ cười cảm động.
Ông Trịnh Văn Mười - ngụ thôn Đông Lâm, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, cho biết gia đình ông có hơn 2,4 ha dưa bị ngập lụt. Khi các tình nguyện viên đến, ông đã tin tưởng giao 15 tấn dưa, với hy vọng bán được trái nào hay trái đó. Vài ngày sau, ông nhận tin toàn bộ số dưa đã bán hết với giá trung bình 3.000 đồng/kg. “Cứ nghĩ mình mất trắng, may nhờ các cháu thanh niên giúp đỡ. Nghe họ nói được hơn 45 triệu đồng”, ông Mười hào hứng.
Có 4,5 tấn dưa được các thanh niên tình nguyện bán hết, ông Nguyễn Văn Lên - ngụ thôn Tam Hòa, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, vui mừng: “Hành động của các cháu thanh niên thật là quá tuyệt vời. Gia đình tôi tuy thiệt hại rất nặng nhưng giờ cảm thấy ấm áp hơn bởi trên đời này vẫn có nhiều điều tốt đẹp”.
Tiếp tục giúp bà con nông dân Anh Trần Hữu Như Anh cho biết, sau ngày 4/4, các nhóm sẽ tập hợp số tiền dưa bán được rồi tổ chức trao lại cho người dân, với sự chứng kiến của chính quyền địa phương. “Sau thành công này, tôi đã nghĩ đến việc tổ chức bán loại dưa chất lượng rất tốt nhưng thương lái không thu mua, giúp bà con nông dân”, anh tâm sự. |