Một tuần trải nghiệm Myanmar của đôi vợ chồng trẻ
Khi chúng tôi nhờ bố mẹ trông con giúp 1 tuần để đi Myanmar du lịch, họ lắc đầu ngao ngán. Không phải bố mẹ tôi sợ trông cháu, mà bởi vì chúng tôi lại đi, mà đi đâu không đi lại đến Myanmar, đất nước trong mắt ông bà là không hiện đại, và cũng chả có gì nổi tiếng.
Kỳ 1: Myanmar đi nhanh kẻo muộn
Với “các cụ”, đi du lịch đáng kể thì phải đi Châu Âu, đi Thái Lan hay đi Singapore… Đại loại là những nơi phồn hoa, phố thị, đèn điện sáng choang. “Chúng mày toàn đi loanh quanh hết Lào, Campuchia, giờ lại đi Myanmar làm gì cho phí thời gian, tiền bạc”. Chúng tôi chỉ cười, phần vì săn được vé giá khá rẻ, chỉ 2,8 triệu/ khứ hồi/ người (bằng 1/3 giá vé thông thường). Phần vì là quốc gia trong Đông Nam Á, Myanmar đang mở cửa, miễn visa cho các nước thành viên.
Với “các cụ”, đi du lịch đáng kể thì phải đi Châu Âu, đi Thái Lan hay đi Singapore… Đại loại là những nơi phồn hoa, phố thị, đèn điện sáng choang. “Chúng mày toàn đi loanh quanh hết Lào, Campuchia, giờ lại đi Myanmar làm gì cho phí thời gian, tiền bạc”. Chúng tôi chỉ cười, phần vì săn được vé giá khá rẻ, chỉ 2,8 triệu/ khứ hồi/ người (bằng 1/3 giá vé thông thường). Phần vì là quốc gia trong Đông Nam Á, Myanmar đang mở cửa, miễn visa cho các nước thành viên.
Và quan trọng hơn với những gì chúng tôi biết, Myanmar còn có rất nhiều điều thú vị chờ khám phá. Lại như mọi lần đi trước, chúng tôi chỉ nói với bố mẹ: “Các bạn Tây còn lặn lội tận châu Âu, châu Mỹ xa xôi, tốn bao nhiêu tiền bạc để đi huống chi mình được ưu đãi nhiều, lại ở gần mà không đi”. Và chúng tôi lên đường đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2014.
Myanmar ngày càng mở cửa và hiện đại hơn và vì thế nếu không đi nhanh, nó sẽ mất đi cái vẻ cổ kính, xa xưa như rất nhiều “phượt thủ” ca tụng trong các chuyến đi của họ trước kia.
Myanmar ngày càng mở cửa và hiện đại hơn và vì thế nếu không đi nhanh, nó sẽ mất đi cái vẻ cổ kính, xa xưa như rất nhiều “phượt thủ” ca tụng trong các chuyến đi của họ trước kia.
Yangon: tiền càng mới càng được giá, taxi không có công tơ mét
Tháng 9, tháng 10 là mùa mưa của Myanmar. Thành phố Yangon (trước đây từng là thủ đô) đón chúng tôi bằng cơn mưa xối xả, làm chùn bước chân của du khách khi đặt chân tới. Biết làm sao được, vé đã đặt và không chịu tìm hiểu trước về thời tiết, thôi thì AQ: mưa càng mát chứ nhiều bạn nói đi vào dịp mùa hè nóng tới 40 - 45 độ.
Quang cảnh đường phố Yangon...
Với nhiều tòa nhà cũ kỹ.
Cũng may, mưa ở Myanmar như mưa tại Sài Gòn, tức là mưa hết cơn là dứt, trời quang mây, nắng lại lên, sinh hoạt bình thường. Đường phố tại Yangon khá nhộn nhịp, ngoài đường toàn ô tô, ít thấy xe máy, xe đạp. Những chiếc xe bus cũ kỹ không có bên đỗ, bắt khách theo kiểu ngẫu nhiên, có khi đang đỗ đèn đỏ mà có khách muốn lên xe thì tài xế cũng mở cửa.
Theo lịch trình tham khảo trên Internet, mọi người khuyên không nên ở lại Yangon, mà nên ra bến xe gần sân bay, bắt chuyến xe buýt đường dài ban đêm để đến cố đô Bangan cách đó khoảng 700km. Nhưng vì thời gian không gấp gáp, không muốn di chuyển luôn nên chúng tôi chọn ở lại Yangon 1 ngày.
Cảnh sinh hoạt hàng ngày của người dân Yangon. Món "kẹo cao su trầu" rất phổ biến ở đây.
Điều thú vị đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm ở đây là khi đổi tiền đôla Mỹ sang đồng kyat của Myanmar. Đổi tiền ở sân bay thì 1 đôla được 970 kyat. Nhưng đó là tờ 100 đô mới cóng, không 1 vết xước, không một nếp gấp thì mới có giá thế. Còn những tờ đô lẻ thì giá bị giảm đi rất nhiều. Tờ 1 đô chỉ được khoảng 900 kyat và người dân Myamar hầu như không ưa tờ 1 đôla.
Trải nghiệm thứ 2 là xe taxi tại Yangon. Đó là những chiếc xe kiểu cũ, hầu hết màu trắng, không có công tơ đo mét, không có của hãng nào cả, chỉ đơn giản là “taxi city”. Bạn tha hồ mặc cả với tài xế. Thông thường khoảng 10.000 đồng/km. Giá “mở cửa” cho quãng đường bạn đi từ 1.500 - 2.000 kyat (khoảng 30.000 - 40.000 đồng).
Lái xe ở Myanmar vô lăng ở bên phải, taxi không có đồng hồ báo tiền và kilomet.
Tiếp đó là việc ở tại Yangon. Khách sạn tầm trung ở đây giá khoảng 60 - 80 đôla/ phòng/ ngày (khoảng 1,3 - 1,8 triệu đồng). Khách sạn rất bé, “một bước tới giường”, nước nóng thì hầu như toàn là nước trung tâm, tận dụng năng lượng mặt trời nên… khá lạnh khi tắm. Còn dạng guest house (nhà nghỉ) từ 15 - 25 đôla/ ngày (khoảng 300.000 - 500.000 đồng).
Đồ ăn tại Yangon khá phong phú. Nếu hỏi chủ khách sạn họ sẽ chỉ cho bạn tới 1 quán đồ ăn theo kiểu ăn nhanh rất rẻ, ăn no bụng. Nhưng nếu muốn thưởng thức các món ăn của Myanmar bạn có thể tới quán có tên là "Feel Myanmar" ở gần khu vực đại sứ quán nhiều nước đặt tại Yangon. Quán này vừa kiểu gọi đồ, vừa kiểu tự chọn nhưng phục vụ rất nhanh, linh hoạt, đồ ăn nhiều loại từ món cá chiên, kho rất giống Việt Nam tới những món mì đặc trưng của Myanmar.
Đồ ăn Myanmar rất phong phú.
Nối tiếng nhất tại Yangon là chùa vàng Shwedagon. Chúng tôi đến đúng với tháng mà người Myamar gọi là tháng của Phật, nên người dân đi chùa rất đông, tất cả phải bỏ giầy, dép ngay từ cổng đi vào, có thể đi thang bộ, thang cuốn hoặc thang máy để lên khu vực tháp chính nhanh hơn. Với du khách nước ngoài, buổi sáng tới tham quan chùa phải mua vé vào cổng 8.000 kyat (khoảng 200.000 đồng).
Chùa Shwedagon uy nghi lộng lẫy với hơn 50 tấn vàng và hàng nghìn viên kim cương. Trong tháng 8 âm lịch, nơi đây luôn nhộn nhịp khách tới để cầu an lành trong tháng phật.
Những đường nét điêu khắc cầu kỳ.
Quần áo phải mặc quá đầu gối, quần ngố mà lưng lửng đầu gối thì cũng phải mua thêm cái quần longi quấn vào. Và một điểm nữa là du khách nước ngoài chỉ được thăm xung quanh chùa, không được vào bên trong của tháp chính, nên cũng gây cho chúng tôi nhiều điều tò mò và hơi tiếc nuối.
Những câu chuyện thú vị về xe khách trên đường đến Bangan
Chúng tôi rời Yangon vào chiều tối của ngày kế tiếp trong chuyến hành trình để tới cố đô Bangan - thành phố của hàng nghìn ngôi chùa. Đi xe khách tại Myanmar cũng tạo nên dấu ấn đặc biệt cho chúng tôi. Cũng là “cơm tù”, cũng là chuyện đi “hái hoa”, đi đường đèo dốc… Nhưng đó là một trải nghiệm vô cùng lý thú và đáng kể.
Thay vì đi máy bay nội địa như tips du lịch của những người đã từng đến đất nước Myanmar chia sẻ trên mạng, chúng tôi chọn đi xe khách từ Yangon đến Bangan vì tiết kiệm chi phí. Đi xe khách tất nhiên về giá thành đã rẻ hơn đi máy bay hơn một nửa. Kế tiếp là sự phục vụ của xe khá tốt. Chỉ là chênh nhau về mặt thời gian, nhưng chúng tôi đang có hẳn 1 tuần để đi chơi cơ mà.
Xe bus từ Yangon đến Bangan.
Từ Yangon đến Bangan phải mất khoảng 8 tiếng ngồi trên xe. Chúng tôi khởi hành lúc 7h30 phút tối, dự định tới Bangan là 5 giờ sáng. Sau khoảng 3 tiếng, xe sẽ dừng tại điểm nghỉ chân mà tại Việt Nam chúng tôi vẫn quen gọi là “cơm tù”. Dù sao trước khi lên xe chúng tôi đã ăn no, cũng mang theo “lương khô” nên không lo lắng lắm. Khi xe dừng, chúng tôi định không xuống, nhưng vì cũng mỏi tay chân, lại chưa buồn ngủ nên cũng đi xuống để giải lao. Và thật tuyệt vời khi được trải nghiệm những dịch vụ xe khách, “cơm tù” kiểu Myanmar.
Bên ngoài 1 quán cơm trên lộ trình đến Bangan.
Tiếp viên hãng xe đứng ngay dưới cửa ra vào phát cho du khách 1 chiếc khăn ướt, 1 bàn chải đảnh răng giống trong khách sạn. Khu “cơm tù” có một lối đi riêng dành cho khách đi vệ sinh cá nhân. Có hàng chục bồn rửa mặt, đánh răng khá sạch để phục vụ khách. Khu vệ sinh đầy đủ tiện nghi.
Sau đó khách có thể thoải mái lựa chọn ăn tại quán với những món khá dễ ăn như thịt kho, canh chua, cá kho… Hoặc ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn ngọt, hoặc ngồi không nghỉ ngơi. Tuyệt nhiên không có ai ra mời chào hay… lườm nguýt nếu khách không ăn, uống gì. Khoảng 30 phút, tiếp viên của hãng xe sẽ dùng loa gọi khách lên xe, kiểm đủ người xe sẽ khởi hành.
Theo quan sát của chúng tôi, cứ khoảng 3-4 tiếng, các bác tài lại đổi lái cho nhau để đảm bảo đủ tỉnh táo cho chặng đường phía trước. Ở những đoạn đèo dốc họ đi khá chậm, chắc chắn, tạo cảm giác an tâm cho hành khách. Không có chuyện bấm còi inh ỏi, lấn chiếm làn đường, tranh dành khách của nhau.
Một số tuyến xe còn có toilet ngay trong để phục vụ nhu cầu. Ngoài ra, trên đường đi, nếu không dừng ở những điểm đỗ lớn thì có những điểm nhà vệ sinh công cộng khá sạch sẽ, tiện nghi. Tuy nhiên khách phải trả phí khoảng 100 kyat cho mỗi lần đi vệ sinh. Và dù đi ban ngày hay ban đêm thì hầu như không có cảnh tự nhiên "đi thăm thiên nhiên", trừ trường hợp cực kì cần kíp.