Một trường đại học xây trên kiến trúc cổ: Khung cảnh đẹp đến mức dân tình đua nhau chụp ảnh, nói là ở châu Âu ai cũng tin
Tổng thể ngôi trường mang nét cổ điển, pha chút mộng mơ, huyền ảo khiến ta cảm giác như lạc chân vào thế giới cổ tích.
Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (University of Architecture Ho Chi Minh City) là một trường đại học chuyên ngành với thế mạnh về đào tạo nhóm ngành xây dựng và thiết kế tại Việt Nam, thành viên của Bộ Xây dựng. Hiện trường đang đào tạo các nhóm ngành: Quy hoạch, Mỹ thuật công nghiệp, Xây dựng và Kiến trúc. Điểm chuẩn hàng năm của trường khá cao, với nhiều ngành trên 23 điểm. Vì vậy học sinh phải có năng lực học tập khá mới thi đỗ vào trường.
Được biết, ngoài cơ sở chính tại TP.HCM, trường còn có 2 cơ sở khác ở TP Cần Thơ và TP Đà Lạt. Đặc biệt, cơ sở ở Đà Lạt gây ấn tượng với không chỉ sinh viên mà cả khách du lịch thập phương bởi nơi đây từng là kiến trúc cổ, xây dựng từ thế kỷ 19.
Theo đó, cơ sở ở Đà Lạt vốn là trường THPT Trần Phú cũ. Trước đây trường là tu viện của dòng nữ tu Công giáo Franciscan Missionaries of Mary – FMM, được mua lại từ các giáo sĩ dòng Benédictins vào tháng 5/1958.
Được xây dựng từ thế kỷ 19, ngôi trường mang phong cách kiến trúc hơi hướng Công giáo ở châu Âu. Vì là tu viện nên trường được xây dựng bởi các giáo sĩ nước ngoài. Phía sau khối nhà dạy học là một nhà nguyện nhỏ bỏ hoang cùng dãy nhà từng là nơi ở của tu sĩ. Tổng thể ngôi trường mang nét cổ điển, pha chút mộng mơ, huyền ảo khiến ta cảm giác như lạc chân vào thế giới cổ tích châu Âu.
Năm 2015, trường THPT Trần Phú được xây dựng mới hoàn toàn ở khu đất phía sau ngôi trường cũ và cơ sở này được chuyển giao cho Đại học Kiến trúc TP.HCM quản lý. Hồi tháng 3/2021, có thông tin ĐH Kiến trúc TP.HCM tháo dỡ tu viện cổ tại Trung tâm đào tạo cơ sở Đà Lạt.
Ông Trương Duy Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo cơ sở Đà Lạt (thuộc Trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM) sau đó cho biết 5 khối công trình nơi đây đều xuống cấp, mái nhà đều bị thấm dột. Nhà nguyện cổ bị bỏ hoang, khu nội viện cạnh đó là nơi các đan sĩ, tu sĩ năm xưa từng sống biến thành nhà tập thể nhếch nhác, có những góc là nơi tá túc cho người vô gia cư. Nhiều căn phòng bị biến dạng hoặc đục đẽo cơi nới thêm… không còn công năng sử dụng.
“Sau khi tiếp nhận Trường ĐH Kiến Trúc có kế hoạch chỉnh sửa, trùng tu nhưng đến nay mới được Bộ Xây dựng phê duyệt kinh phí”- Ông Hùng cho biết. Về phương án kiến trúc, tất cả 5 khối công trình đều được giữ nguyên, không có công trình nào bị phá bỏ để giữ lại “cái hồn” của tu viện xưa. Đặc biệt Nhà nguyện cổ và khu nội viện xưa sẽ được khôi phục kiến trúc nguyên bản.
Tổng hợp