Một thời oanh liệt dùng điện thoại di động "cục gạch", nay đã trở thành một phần của ký ức
Hỏi nhỏ bạn này: Chiếc di động đầu tiên mà bạn dùng là dòng máy nào, của hãng nào không? Những ký ức về thời điểm chưa có smartphone, điện thoại di động chỉ được dùng để gọi và nghe, bạn nhớ được bao nhiêu?
Khi nghe tin kể từ ngày 1/3, các nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone sẽ không còn khuyến mại 50% cho thuê bao trả trước nữa, tất cả mọi người đều trở nên xôn xao. Sự xôn xao này có lẽ nó đến từ cảm giác mất mát. Đã có thời điểm cảm giác ấy xuất hiện khi các nhà mạng giảm khuyến mại nạp thẻ cao nhất từ 100% xuống 50%, và bây giờ đến 50% cũng chẳng còn. Nhưng tớ tin rằng, sự mất mát này không đến từ những lợi ích về tiền bạc, mà một phần nhiều nào đó đến từ những ký ức.
Cậu có nhớ, chiếc di động đầu tiên mà cậu có trong đời là điện thoại của hãng nào, dòng nào không, giá bao nhiêu tiền?
Ký ức ấy ở trong tớ cũng chẳng còn bao nhiêu, nhưng một điều chắc chắn rằng chiếc điện thoại đầu tiên mà tớ được bố mẹ mua cho, nó hẳn phải là Nokia. Điện thoại xịn nhất được ghim trong đầu của bố mẹ và con trẻ thời đó là Nokia, là Blackberry, là Sony, cả Motorola và HTC nữa... Rất rất nhiều hãng máy và dòng máy khác nhau, hình thức và giá tiền cũng khác nhau nhưng những chiếc "cục gạch" gán mác Nokia bền đến nỗi "rơi xuống bàn bàn mẻ, rơi vào chân chân gãy" thì trong trí nhớ của tớ, Nokia thống lĩnh tất cả.
Với một đứa 9x học lớp 7 thời điểm ấy, điện thoại di động là tài sản vật chất lớn nhất mà tớ từng có. Tớ sướng phát điên khi lần đầu tiên cầm trên tay một thứ được gọi là công nghệ cao, dễ dàng gọi điện nhắn tin ở mọi lúc mọi nơi tám đủ thứ chuyện trên trời dưới bể với nhiều người mà chẳng sợ bị ai nghe trộm nhìn lén.
Có một hình ảnh cứ lặp đi lặp lại khi điện thoại di động mới phổ biến với học sinh, đấy là cứ mỗi khi có đứa nào trong lớp có điện thoại là có ngay một hội túm năm tụm ba bỏ cả giờ ra chơi chỉ để: một là lưu số của nhau, hai là khám phá xem điện thoại nó có gì giống, có gì khác của mình, rồi sự chú ý cứ gắn tiệt vào cái điện thoại di động mà thôi.
Khi có điện thoại di động rồi, thì trên đời bỗng nhiên có 2 loại người: một loại người dùng chính chuyên sim 10 số bắt đầu từ 09x xxx xxx, và một loại người dùng sim "rác". Tức là các số sim đầu 01xx xxx xxxx, sinh ra vốn đã bị gán mác giá rẻ nhưng dung lượng cao, khuyến mại nhiều, dùng hết tiền thì lại đổi sim mới rất nhanh - gọn - nhẹ. Cũng có biết bao nhiêu chuyện bi hài đến từ những số sim như thế này. Nào là người dùng sim nhiều năm không đổi là người chung tình, kẻ 1 năm thay 3-4 số điện thoại là kẻ lăng nhăng, lừa đảo. Hồi đó đa số ai cũng muốn tìm được số sim ngày tháng năm sinh, hay số phải có lộc có phát, sim số đẹp được ráo riết truy lùng, đấu giá lên đến tiền tỷ.
Chỉ là cái số điện thoại thôi nhưng thời gian càng qua đi, số điện thoại càng quan trọng như số chứng minh thư nhân dân của mỗi cá nhân vậy. Vì lười đổi số, lười nhắn cho mọi người rằng mình đổi số mà tớ đã dùng chỉ 1 số điện thoại đầu 012x duy nhất từ khi có máy đến nay cũng ngót nghét chục năm. Càng dùng lâu càng cảm thấy không nỡ, nhưng khi đi làm rồi thì những chuyện phiền phức nảy sinh từ số sim điện thoại là có thật. Đành quyết tâm thay đổi số mà cảm giác như bước sang một chương mới của cuộc đời. Chỉ một dòng số dài 10, 11 chữ số thôi mà thay đổi ảnh hưởng đến rất nhiều thứ, đổi giấy tờ, thẻ ngân hàng, thông tin cá nhân...
Nhưng tất cả hệ luỵ sau đấy mà tớ phải mất cả tháng trời để đi ra đi vào ngân hàng cũng như nhắn tin gọi điện cho các bên về chuyện đổi số cũng chẳng bằng một nỗi buồn từ người bạn thân không-bao-giờ-lưu-số nói rằng: "Cứ quen tay mà bấm số cũ, chứ tao chẳng thể nhớ được số mới của mày". Kể từ đó, bạn ấy toàn gọi cho tớ qua ứng dụng messenger...
Từ đây mà chuyện nạp thẻ cũng trở thành một nỗi niềm chung, dẫn tới cảm giác mất mát của chúng ta bây giờ.
Đa số học sinh, người trẻ khi đó dùng sim điện thoại trả trước, nạp bao nhiêu tiêu tiền bấy nhiêu, hết lại nạp. Tin nhắn khuyến mãi của 18001091 hay các số tổng đài chưa khi nào lại mang nhiều ý nghĩa đến thế. Cứ nhân dịp khuyến mãi 100% mà nạp hẳn thẻ 100k, 200k đi để được nhân đôi lên là có thể dùng xả láng trong 1 tháng. Còn bình thường nếu có hết tiền cũng chỉ dám nạp 20k, 50k một lần thôi, như thế đã mất kha khá 2-3 bữa sáng rồi. Mà buồn bực nhất là lúc nhà mạng bắt đầu thắt chặt khuyến mãi, có những khuyến mãi chỉ dành cho thuê bao nhận được tin nhắn. Không ai biết nhà mạng họ chọn lọc số hay chọn lọc người kiểu gì để tặng khuyến mãi, chỉ biết sự "phân biệt" này đã làm cho biết bao trẻ em không được khuyến mãi phải buồn lòng...
Rồi ký ức lại nhớ về đoạn thời gian chú ong vàng Beeline xuất hiện như một vị thần tình yêu giàu có khi tưới tiền nhắn tin cho các cặp đôi gà bông. Gói cước Tỷ Phú của Beeline như một cú sốc dành cho người dùng lẫn thị trường nhà mạng và các hãng điện thoại di động khác. Một chiếc máy nhỏ xinh mỏng, gọn, nhẹ như điện thoại đồ chơi của trẻ con nhưng lại có giá trị lên đến 1 tỷ đồng đã hoàn toàn nắm lấy tâm lý của người tiêu dùng tại Việt Nam, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Có trong tay 1 tỷ chỉ với vài trăm ngàn, nhắn tin gọi điện thả ga với người thân bạn bè và nấu cháo điện thoại cả ngày với người thương, chú ong vàng Beeline với nhận diện đen-vàng dễ thương bắt mắt đã để lại một vết ong đốt đáng nhớ trong hồi ức thanh xuân của thế hệ 8x, 9x về chiếc điện thoại di động.
Thức đến 2-3h sáng để nhắn tin cho "crush", giờ đây bạn chẳng cần phải chùm trăn che ánh sáng của điện thoại nữa vì smartphone đã có tính năng giảm ánh sáng màn hình.
Bạn nhắn tin cho ai, lúc nào cũng chẳng ai hay biết vì màn hình cảm ứng không cho phép bạn phát ra tiếng bàn phím trừ khi do chính bạn tự cài.
Nhưng ngày xưa, làm gì có như thế. Kết thúc bài vở là lên giường đi ngủ. Đấy là lời nói của bố mẹ. Còn chuyện nằm xuống giường, giả vờ nhắm mắt trùm chăn hay có thật sự ngủ luôn không lại là chuyện của những người con. Trùm chăn nhắn tin để không bị màn hình phát sáng tố giác, nhưng sự thật là, tiếng cộc cộc nhắn tin "nhoay nhoáy" đến từ bàn phím cơ của điện thoại cục gạch năm ấy thì chẳng thể nào để yên cho màn đêm tĩnh lặng cả.
Những tin nhắn SMS qua lại dù phải trả phí khá đắt tiền hay miễn phí đều mang ý nghĩa kết nối rất lớn. Nó có thể đem đến nụ cười và cả những giọt nước mắt cho những chàng trai cô gái trẻ trong tình yêu. Và nó cũng có thể làm chúng ta cười chảy nước mắt khi ngồi cả tiếng để "typing" một tin nhắn rất dài, hồi hộp ấn gửi đi nhưng chị tổng đài lại nhắn về dòng tin: "tin nhắn của bạn vượt ký tự cho phép" hay đau đớn hơn là "số tiền còn lại trong tài khoản không đủ để thực hiện..."
Ngày xưa khi chưa có công nghệ cao như bây giờ, có nhiều trò tỏ tình hay ho lắm mà sến thì cũng thôi rồi. Từ thư tay, đến khi có điện thoại di động là mấy bức thư tỏ tình đã có rất nhiều bước đột phá.
444 55566688833 99966688. Bạn biết ý nghĩa của dãy số này chứ?
Cô bạn tớ đã suýt vo viên và vứt đi tình yêu đầu của mình khi nhận được mẩu giấy chứa toàn những con số chứa lời tỏ tình của bạn nam lớp Toán. Nó là con gái lớp Văn, nhìn thấy số là đã hoa mắt chóng mặt rồi mà lại gặp ngay anh chàng lớp Toán theo đuổi. Thật may mà còn có những người bạn thông thái và nhanh nhẹn ở bên cạnh giúp giải mã bí ẩn của những con số không thì biết bao giờ bạn tớ mới có mối tình đầu đây... Giải ra xong còn được cậu bạn lớp Toán ấy tặng cho mỗi đứa 1 thẻ nạp 10k làm "quà ra mắt" nữa chứ.
Chiếc điện thoại di động ngày ấy, tình vô cùng.
Không phải là những cục gạch vô tri vô giác. Mà chỉ một bản nhạc chuông, nhạc chờ hồi đó thôi cũng làm nhiều người xao xuyến. Bạn đã từng gọi điện cho một người và nhắn họ đừng bắt máy chỉ để cho bạn nghe hết bài nhạc chờ họ cài chưa?
Bài hát của các ca sĩ trẻ như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Khổng Tú Quỳnh, Bảo Thy, Thu Thuỷ, Minh Hằng, Thuỳ Chi... mà chỉ cần nổi lên và xuất hiện trên các trang nhạc chuông, nhạc chờ là phổ biến đi nhanh lắm. Hay như các bài hát đi ra từ trò chơi Audition thần thánh cũng đã để lại cho thanh xuân 8x, 9x cả một danh sách các bài nhạc chuông ai cũng từng cài như Sweet Dream (Jang Na Ra), Please Tell Me Why, 10 Minutes, Đồng Thoại...
Thế nhưng trên đời bao giờ cũng có 2 loại người: có rất nhiều những kẻ mộng mơ, không bao giờ cài nhạc chuông nhạc chờ mặc định, và loại người còn lại, luôn là tiếng nhạc chuông mặc định khô khan. Nhưng khô khan cũng có cái hay của nó, khi sau này nhớ lại, tiếng nhạc chuông, nhạc báo tin nhắn mặc định của các hãng điện thoại cũng đã trở thành những-điều-thân-thuộc.
Nếu như ngày nay, chiếc điện thoại smartphone có vẻ ngoài như thế nào phụ thuộc cả vào cái ốp điện thoại bạn dùng. Thì ngày xưa, thứ phụ kiện hot nhất là móc điện thoại. Đến sinh nhật mà được tặng chiếc móc điện thoại gấu bông nhỏ xinh thôi là đã thích chết đi được.
Các hàng lưu niệm, văn phòng phẩm ngày ấy hơn nhau cũng ở từng cái móc điện thoại hay móc chìa khoá được đám học sinh săn lùng. Có loại chỉ 2k, nhưng cũng có loại 5k, 10k hay 20k. Móc nào càng to càng độc thì lại càng đắt. Mà những hàng nào bán móc điện thoại kèm móc chìa khoá theo combo giống y hệt nhau thì lại càng khiến các cô bé mê mẩn.
Có loại móc mềm, hình dáng toàn đồ ăn như miếng bánh, cây kem, bịch bimbim khoai tây... đẹp mắt tới nỗi nhìn thôi đã muốn ăn luôn rồi. Bạn nào khéo tay thì còn có thể tự làm móc điện thoại bằng vải, đủ hình dáng rồi còn "customize" được tên của mình lên đấy nữa thì không ai dám lấy trộm. Rồi đủ các nhân vật hoạt hình, cặp ba lá, bốn lá, hình idol... đều làm được thành móc điện thoại móc chìa khoá được hết!
Ký ức hồi ấy, đã làm gì có khái niệm selfie như bây giờ. Điện thoại đời đầu thậm chí còn chẳng có camera mà chụp ảnh. Đến dần dà các điện thoại đều có camera và từ đó camera chính là thứ mà các hãng điện thoại chọn làm mục tiêu mà theo đuổi như chạy đua vũ trang với nhau cho đến tận bây giờ.
Cầm cái điện thoại mà chụp ảnh được ngày ấy đã là ngầu lắm rồi đó. Nhưng chụp được ảnh selfie của mình bằng camera sau thì nó hẳn là cả một nghệ thuật. Đâu được nhìn mình trong màn hình sẽ như thế nào nên phải biết căn góc cho chuẩn không bị mất mặt đã là may nữa là căn được ánh sáng như bây giờ. Rồi nút bấm cũng chẳng ở vị trí nào dễ dàng hết. Giơ máy lên để chụp được tấm ảnh selfie bằng camera sau ưng ý là cả một thử thách lớn mà nhiều bạn trẻ bây giờ dùng smartphone, chưa từng dùng các máy di động cũ sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được.
Thế nhưng với tất cả những ký ức trên về chiếc điện thoại di động cục gạch gần như bị xoá sổ trên thị trường, thì không thể nào không nói đến một trò chơi, một Java Game đỉnh cao trên điện thoại bấy giờ mà chỉ cần nhắc đến thôi là 8x, 9x nào cũng phải biết: Rắn Săn Mồi!!!
Trò chơi mặc định bất biến trên các máy điện thoại của Nokia. Chẳng phải game online để ganh đua với nhau từng giây từng phút. Cũng chẳng có giao diện màu sắc, nhân vật đẹp đẽ như các game bây giờ. Chỉ với màn hình xanh đen, một con mồi xuất hiện liên tục và một chú rắn di chuyển không bao giờ ngừng lại phải điều khiển làm sao cho nó ăn được mồi liên tục, mỗi lần ăn lại dài thêm ra. Luật chơi quá đơn giản để thuộc nhưng không hề dễ dàng để chiến thắng, màn hình điện thoại cũng chỉ che 1 ngón tay là hết nhưng rắn săn mồi có sức hấp dẫn vô tận cùng vị trí game mặc định độc tôn không chơi thì... chẳng còn nhiều trò khác mà chơi.
Càng về sau, càng có nhiều phiên bản cập nhật và các game mới ra đời. Nhưng ký ức về rắn săn mồi thì khó có một Java Game nào khác có thể lật đổ được. Cũng như những ký ức về chiếc điện thoại di động mà người ta gọi là cục gạch ấy, nó là một phần tuổi trẻ mà chúng ta bước đầu chạm tới một kỷ nguyên của sự kết nối. Ai rồi cũng khác, cái gì cũng phải thay đổi, điện thoại mới sẽ tốt hơn điện thoại cũ, thói quen cũ từ đó cũng phải thay đổi hình thành nên thói quen mới. Nhưng ký ức thì không bao giờ thay đổi, chỉ có nhiều thêm chứ chẳng bao giờ là ít đi.
Điện thoại di động cũng chỉ là một phương tiện liên lạc và kết nối. Rồi 10 - 20 năm nữa người ta lại nhớ nhiều về ký ức của những chiếc smartphone đời đầu. Cuộc đời luân chuyển và thay đổi như thế, ta nhớ được bao nhiêu, thích nghi được bao nhiêu, thì data tình cảm của chúng ta lại đầy lên bấy nhiêu. Rồi chiếc điện thoại ngày hôm nay cũng sẽ trở thành ngày hôm qua của tương lai thôi mà.