Một số dấu hiệu rủi ro khi mang thai

,
Chia sẻ

Một số trường hợp như: thai ngoài dạ con, dọa sẩy thai, vỡ nang buồng trứng..., làm sao để biết được biểu hiện lâm sàng cụ thể?

Vỡ nang buồng trứng thường xảy ra trong thời gian nào của chu kì? Và trường hợp thai ngoài dạ con hay dọa sẩy thai thường có biểu hiện lâm sàng vào thời điểm nào sau khi thụ thai? (phamhoang)

- Trả lời:

Sinh đẻ đó là thiên chức của người phụ nữ. Trong quá trình mang thai người ta chia ra làm ba giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối. Mỗi giai đoạn đều có những nguy cơ riêng. Một số trường hợp bạn hỏi người ta xếp vào bệnh lý chảy máu 3 tháng đầu của thai kỳ.

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bệnh lý sản khoa thường hay gặp là thai ngoài tử cung, dọa sẩy thai - sẩy thai, thai ngưng tiến triển, thai trứng. Còn bệnh vỡ nang buồng trứng lại là bệnh về phụ khoa. Ở đây, chúng tôi sẽ nói sơ lược những biểu hiện lâm sàng của từng trường hợp.

1. Thai ngoài tử cung: là trường hợp trứng đã được thụ tinh nhưng không làm tổ và phát triển trong buồng tử cung mà lại làm tổ ở một vị trí khác như ống dẫn trứng, ở sừng tử cung, ở buồng trứng, ở cổ tử cung và nhiều khi nó lọt vào trong ổ bụng. Vị trí thai ngoài tử cung thường hay gặp nhất đó là ở vòi trứng. Biểu hiện lâm sàng gồm ba triệu chứng chính: trễ kinh, đau bụng, ra máu âm đạo.

Thử que dương tính và thấy ba triệu chứng trên cần đi khám ngay. Ở bệnh viện bệnh nhân sẽ được cho làm một số xét nghiệm để xem có dấu hiệu mang thai hay không và sau đó được đưa đi siêu âm, và kết quả cho thấy không có thai trong lòng tử cung nhưng ở vòi trứng thì có khối thai.

Hiện tại điều trị thai ngoài tử cung có thể dùng phương pháp điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) hoặc điều trị ngoại khoa (có thể cắt ống dẫn trứng hoặc bảo tồn ống dẫn trứng) tùy từng trường hợp cụ thể.

2. Dọa sẩy thai - sẩy thai: là trường hợp thai bám đúng vị trí ở trong lòng tử cung, nhưng một phần bánh nhau bị bong gây chảy máu âm đạo. Có thể sự chảy máu sẽ hết và phát triển bình thường hoặc nó bong hoàn toàn và dẫn đến sẩy thai ra ngoài.

Có nhiều nguyên nhân của dọa sẩy thai - sẩy thai như bị chấn thương, thiếu nội tiết tố, bị chấn thương trực tiếp vào vùng bụng và phần lớn thì không tìm được nguyên nhân. Khi bạn trễ kinh và có dấu hiệu dọa sẩy thai như đau bụng, ra máu âm đạo thì phải đi khám gấp để được bác sĩ phụ khoa khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

3. Thai trứng: là trường hợp gai nhau bị thoái hóa nước làm thành từng chùm giống như chùm nho, đây là một bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể. Có hai loại:

- Thai trứng toàn phần: là trường hợp gai nhau thoái hóa nước hoàn toàn và không có thành phần mô thai.

- Thai trứng bán phần: ngoài thành phần gai nhau thoái hóa nước có một phần mô thai.

Các triệu chứng lâm sàng: sau khi trễ kinh người bệnh sẽ thấy bụng lớn nhanh, nghén nhiều và đôi khi âm đạo xuất huyết từng mảng có hình ảnh giống như chùm nho. Đối với trường hợp thai trứng xét nghiệm máu sẽ cho kết quả HCG rất cao. Siêu âm cho hình ảnh đặc trưng điển hình của thai trứng. Điều trị cơ bản là phải hút nạo thai trứng.

4. Thai ngưng tiến triển: là trường hợp mang thai bình thường nhưng sau đó tim thai bị mất. Nguyên nhân có thể do người mẹ bị một số bệnh lý nội khoa hoặc bị nhiễm trùng, nhiễm virus, hoặc do một số nguyên nhân khác. Biểu hiện lâm sàng: bệnh nhân có cảm giác đột ngột hết bị nghén, thấy đau bụng, ra máu âm đạo. Đi siêu âm thì phát hiện không còn tim thai.

Điều trị cơ bản là có thể tự sẩy thai hoặc tẩy nạo gấp thai lưu.

5. Vỡ nang buồng trứng là bệnh không liên quan đến thai kỳ. Mỗi tháng có một nang trứng phát triển nhất và nang này vỡ ra để giải phóng noãn, vì lý do nào đó vị trí nơi phóng noãn bị chảy máu và không cầm được, cần phải điều trị phẫu thuật để may cầm máu tại vị trí chảy máu.

Nói tóm lại sau khi bạn trễ kinh khoảng một tuần nên mua que thử thai để thử. Nếu kết quả dương tính, cần phải đi khám bác sĩ để quản lý thai nghén và có người chuyên môn chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Theo BS Nguyễn Hữu Tài
(BV Phụ sản Hùng Vương, Q.5, TP.HCM)
PNO
Chia sẻ