Một số bệnh về da do thiếu chất

,
Chia sẻ

Cũng như các bộ phận khác, da tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ máu. Thiếu chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến một số bệnh về da.

Thiếu chất đạm

Do đạm là thành phần chính của các tế bào cũng như các cấu trúc khác của cơ thể, nên sự thiếu chất đạm sẽ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng nói chung. Còn nếu thiếu trầm trọng sẽ dễ mắc bệnh Kwashiorkor (thể phù và có rối loạn sắc tố da).

Bệnh Kwashiorkor thường xảy ra ở trẻ em dưới 4 tuổi tại một số các bộ lạc ở châu Phi. Bệnh phát triển khi đứa trẻ thôi bú sữa mẹ và được cho ăn uống theo chế độ của người lớn không đầy đủ chất dinh dưỡng. Chế độ này có những chất mà trẻ em không thể hấp thụ hay tiêu hóa được, nên dẫn tới cơ thể bị thiếu chất đạm. Triệu chứng bệnh thường là phù nề, ăn không ngon, tiêu chảy, mất cảm xúc, đứa trẻ không tăng trưởng được. Đặc biệt da của chúng có sự thay đổi màu, da rất khô, biểu bì tróc vảy mỏng với nhiều vết nhăn. Tóc rất thưa, mất màu sắc. Tuy nhiên, nếu được ăn uống đầy đủ chất và đúng cách thì bệnh sẽ giảm rất nhanh.

Thiếu chất béo

Phần lớn cơ thể mọi người không thiếu chất béo. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bị thiếu do ăn uống theo chế độ có rất ít chất béo, hoặc ở người phải nuôi dưỡng qua truyền mạch máu lâu ngày thì sẽ thiếu một số acid béo cần thiết, chẳng hạn như acid linoleic. Nếu thiếu chất béo thì da sẽ bị khô và lớp biểu bì sẽ tróc ra những vảy mỏng nhỏ.

Thiếu nước

Da chứa khoảng 70% lượng nước trong cơ thể, do đó nước đóng vai trò rất quan trọng để làn da luôn mềm mại. Nước giúp loại bỏ bớt chất độc sinh ra bởi các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, giúp máu lưu thông để nuôi dưỡng da. Khi thiếu nước, cơ thể sẽ buộc phải sử dụng chất lỏng dự trữ của cơ thể nên da sẽ bị khô. Mỗi ngày cơ thể cần được bổ sung từ 6 - 8 ly nước.



Thiếu vitamin A

Vitamin A cần thiết để giữ cho tóc, mắt và da được khỏe mạnh. Vitamin A giúp phòng ngừa và loại bỏ các nhiễm trùng trên da, chống lại tình trạng khô và tróc vảy trên da, giúp máu lưu thông tới mặt da, khiến cho da được nuôi dưỡng đầy đủ và có màu sắc hồng hào, tươi mát.

Thiếu vitamin A sẽ làm cho da bị ngứa, khô, tróc vảy, xù xì như nổi gai ốc vì các tuyến nhờn kém hoạt động.

Vitamin A có nhiều trong gan động vật, lòng đỏ trứng, cà chua, cà rốt, rau có màu xanh thẫm, khoai lang, bí đỏ, đu đủ. Nhu cầu hàng ngày cho người lớn là từ 2.300 - 3.300 đơn vị IU. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều vitamin A quá lại dẫn đến mất khẩu vị, mắt mờ, rụng tóc, da khô, tính tình nóng nảy…

Thiếu vitamin B2

Vitamin B2 có tác dụng tăng cường sức khỏe vì nó giúp các tế bào sử dụng oxy. Nó còn giúp sản sinh năng lượng từ các chất dinh dưỡng, là thành phần chất màu của võng mạc, giúp tạo ta các hormone của tuyến thượng thận.

Thiếu vitamin B2 cơ thể sẽ mệt mỏi, vết thương lâu lành, miệng lở; môi sưng đỏ và nứt, da trên mũi nứt, lưỡi viêm sưng, đau và nứt rãnh, mắt đỏ vì mạch máu nổi lên nhiều, mờ mắt, thiếu hồng cầu.

Thiếu vitamin B2 sẽ gây rối loạn ở các tuyến nhờn trên da, làm cho da khô, tróc vảy mỏng, đặc biệt là ở những chỗ da bị gấp nếp. Các chất nhờn vón lại trên lỗ chân lông, khiến da trông rất gồ ghề và xấu xí.

Vitamin B2 có nhiều trong gan, thận, tim động vật; có vừa phải trong phomát, trứng, thịt nạc, nấm, sữa, cá. Nhu cầu mỗi ngày cho người trưởng thành là 1,3 - 1,5mg; trẻ em là 1,1mg.

Thiếu vitamin B3

Vitamin B3 là thành phần của hai loại enzyme cần thiết cho sự hô hấp của các tế bào, giúp tế bào phân hủy chất đạm, chất béo, carbohydrates để tạo ra năng lượng, cần thiết cho sự tăng trưởng cơ thể, giúp giảm cholesterol trong máu, giúp giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Thiếu vitamin B3 có thể đưa tới chứng viêm da. Da bị sưng, tróc vảy, nhất là ở phần da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc chấn thương; viêm miệng và lưỡi sưng đỏ.

Bệnh được chữa bằng các loại thuốc có chứa acid nicotinic hoặc cho người bệnh ăn thực phẩm có nhiều thịt động vật. Niacin có nhiều trong thực phẩm gốc động vật dưới dạng nicotamide và thực vật dưới hình thức nicotinic acid. Cụ thể, vitamin B3 có nhiều trong gan, thận, thịt bò, thịt gà vịt, thịt lợn, sữa. Ngũ cốc, cơm gạo, các loại hạt cũng có chút ít vitamin B3. Nhu cầu hàng ngày cho người trưởng thành là từ 15 - 17mg, trẻ em là 5mg.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều loại vitamin này lại làm mạch máu ngoại vi giãn nở, máu tới nhiều và da bị nóng, ngứa da, đường trong máu lên cao, suy tim.

Thiếu vitamin C

Vitamin C có vai trò quan trọng để ngăn ngừa vết nhăn trên da. Cùng với chất đạm, vitamin này tạo ra chất collagen đệm cho da không bị xệ và nhăn, tránh cho da khỏi khô, tóc bớt gãy giòn. Vitamin C cũng có tác dụng điều hòa sự tiết chất nhờn của tuyến nhờn trên da. Ngoài ra, khi phối hợp với vitamin bioflanoid (vitamin P), vitamin C còn giúp ngăn chặn sự tạo các vết đồi mồi trên da của người lớn tuổi. Vitamin C tăng cường sự bền của vi huyết quản nên giúp tránh bị thâm tím da; tránh chảy máu chân răng.

Vitamin C có nhiều trong rau có màu, súp lơ, rau cải, cà chua, chanh, cam, dâu, khoai tây…

Thiếu vitamin D

Vitamin D thực sự cần thiết cho sự tăng trưởng của xương răng, móng tay cũng như sự lành mạnh của da và mắt. Vitamin D có nhiều trong sữa, gan bò, cá hồi, cá ngừ, bơ, mầm ngũ cốc.

Thiếu vitamin E

Vitamin E giúp tế bào tăng trưởng nhanh, giảm hiện tượng lão hóa, tăng cường tuần hoàn khiến vết thương trên da mau lành; giảm tình trạng da khô, rụng tóc và gàu.

Vitamin E có trong sữa, mầm ngũ cốc, măng tây, súp lơ, bơ, lòng đỏ trứng gà, gan động vật, dầu olive, đậu nành, dầu thực vật, các loại hạt.

Tuy nhiên, nếu đang bị bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, bệnh tuyến giáp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng bổ sung vitamin E.

Thiếu một số chất khoáng

Một số chất khoáng cũng có vai trò quan trọng đối với da. Chẳng hạn, thiếu sắt, đồng, crom, phốt pho, selen, kẽm… cũng làm cho da bị tróc vảy mỏng, khô nứt da khóe miệng, tóc rụng, móng chân tay giòn dễ bị gãy.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Chia sẻ