Đoán bệnh qua da
Da cũng như cái gương soi có thể phản ảnh những biến đổi khác thường trong cơ thể.
Theo kinh nghiệm trong y học cổ truyền cũng như gần đây nhất những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Hoa Kỳ thì khi thấy trên da xảy ra những hiện tượng khác thường sau đây là nên đến các thầy thuốc để xác định xem có phải mắc bệnh không từ đó đề ra phương pháp trị liệu kịp thời.
Bình thường da ở những người khỏe mạnh thì mặt da bóng mịn và mầu sắc có thể trắng hoặc da bánh mật… đều có màu đồng đều. Nhưng vì nguyên nhân nào đó đã làm da có sự thay đổi về màu sắc cũng như xuất hiện các nốt mẩn ngứa ngáy ở da… Đó là những nguyên nhân khác thường cần quan tâm. Dưới đây xin giới thiệu những biến đổi thường gặp để tham khảo và có thể sớm phát hiện các bệnh chứng khi xuất hiện những dấu hiệu trên da của cơ thể.
* Khi tự nhiên thấy da có màu vàng nghệ, kết hợp mẩn ngứa… rất có thể bị bệnh về gan như các loại viêm gan, sỏi mật, giun chui vào ống dẫn mật chính gây tắc mật, làm tăng lượng bilirubine ở máu do không đào thải ra được khiến da bị vàng. Còn hiện tượng bị mẩn ngứa là do chức năng chống độc của gan bị suy giảm…
* Hay thấy da biến sắc vàng, khô rát, chân tay yếu, hoạt động chậm rãi không linh hoạt, da mặt nhợt nhạt hoặc vàng bủng, tái xám, tăng cân mà thường gặp ở nữ trên 50 tuổi nhiều hơn. Đây là hiện tượng rất có thể là suy tuyến giáp trạng hoặc do hàm lượng beta-caroten máu tăng mạnh. Cũng có thể do ăn quá nhiều cà rốt, bí ngô hay khoai lang cũng làm cho da biến sắc vàng.
* Khi ra nắng trên da thường thấy xuất hiện những nốt mẩn đỏ, dị ứng. Rất có thể do đang uống thuốc trị dị ứng, thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp hay các loại thiazol, streptomycine, antihistamine… là những thứ dễ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
* Sắc tố trên đường chỉ tay bỗng dưng đậm hơn có thể chuyển sang màu đen hoặc xám. Cũng có khi xảy ra màu sắc ở môi, da đầu gối và các khớp xương, các vết sẹo chuyển màu sậm hơn. Thường thấy xuất hiện ở độ tuổi từ 30 – 50. Rất có thể bị suy giảm chức năng thận làm cho chuyển hóa và bài tiết kém.
* Da vùng cẳng chân sưng từng mảng, sắc xanh nhợt nhạt. Có thể do tĩnh mạch bị dồn nén, gãy gập, cũng có thể gây ra đau đớn làm đi lại khó khăn. Thường gặp tới 50% là người trên 50 tuổi mắc chứng này.
* Xuất hiện những vết đốm màu nâu ở cẳng chân. Thường gặp tình trạng này ở người đái tháo đường khi bị ngoại thương làm vỡ các huyết quản nhỏ mà hình thành các vết đốm này.
* Khi thấy có nhiều nốt phát ban, mẩn ngứa, mụn nước lúc ẩn lúc hiện, hết lại mọc trở lại trên khuỷu tay, đầu gối, mông, da đầu, mặt hoặc sau lưng. Hiện tượng này có thể là do rối loạn nội tiết.
* Nếu khi xuất hiện những đốm màu đỏ tía trên da mà không phải do ngoại thương, như vậy có thể là mắc bệnh ngoài da gây tắc nghẽn huyết quản mà sinh ra. Nếu đúng vậy không được sử dụng Aspirine, vitamine E hay các thuốc kháng viêm sẽ gây bệnh nặng thêm.
* Sắc mặt nhợt nhạt, móng tay vàng bủng rất có thể bị thiếu máu, nếu đúng cần bổ sung chất sắt và vitamine C rất có thể giúp lui bệnh.
* Khi da ngứa ran, tê rát, phát ban xuất hiện chủ yếu ở đùi, gáy, mặt hoặc toàn thân. Rất có thể là triệu chứng điển hình của virus gây bệnh thủy đậu.
* Mẩn ngứa trên da không xác định được nguyên nhân. Những nốt ngứa thường xuất hiện ở cẳng chân và ngứa dữ dội hơn cả những trường hợp da khô. Rất có thể tuyến dịch bạch huyết (lympho) có vấn đề cần khám kịp thời.
Theo Nông nghiệp